Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ: Nhiều bất cập

02/11/2011 17:03

Việt Nam đặt mục tiêu có 20.000 tiến sĩ vào năm 2020. Đường dẫn tới con số ấn tượng này được cho là chông gai và dễ sa xuống vực thành tích vốn là căn bệnh khó chữa của ngành giáo dục Việt Nam.

Bất cập đủ thứ

Ở cấp trường, theo lời kể của một du học sinh ở Anh, điểm bất cập trong khâu tuyển chọn là bắt buộc phải có Bảo hiểm xã hội thì mới được xét hồ sơ. Theo lưu học sinh này, quy định đó khá là cứng nhắc đối với đối tượng đi học thạc sĩ. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chỉ cần có thâm niên công tác 6 tháng là có thể nộp hồ sơ. Tuy nhiên, bao giờ giảng viên mới được tuyển dụng cũng phải có thời gian thử việc 2 năm mới được thi biên chế, trong đó 1 năm đầu tiên chưa được đóng bảo hiểm xã hội.


Du học sinh sau khi đào tạo ở nước ngoài có sẵn sàng về nước làm việc? Ảnh: Hồng Vĩnh

Vì vậy, sinh viên mới ra trường được trường tuyển làm giảng viên thì chắc chắn phải sau 2 năm mới có cơ hội xin được học bổng học thạc sĩ trong nước, nếu không thi đỗ thạc sĩ trong nước thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ và bị cắt hợp đồng. Quy định này giống như rào cản cho ứng viên đăng ký đi học chương trình thạc sĩ.

Mỗi khi nhắc đến đề án 322, dư luận xã hội có thể liên tưởng ngay đến những lời kêu cứu quen thuộc của lưu học sinh (LHS) Việt Nam đang du học tại các nước. Chẳng hạn, LHS ở Trung Quốc thường lâm cảnh khó khăn nhiều tháng liên tiếp vì chậm nhận được sinh hoạt phí thường xuyên; giá sinh hoạt tăng cao, chi phí cho đồ dùng học tập, sách vở càng nhiều.

Tiền học bị chậm, LHS phải đóng tiền phạt cho nhà trường, thậm chí không được thi cuối kỳ, phải nhờ can thiệp của Giáo sư để không bị dừng học… Lý do các LHS nhận được là: thủ tục đã làm nhưng tài khoản 322 không còn tiền!

Thông tin mới nhất từ một số anh chị em LHS đi học theo học bổng 322 ở Soton (Anh) sang học khóa tiếng Anh cho hay: LHS không được ứng tiền sinh hoạt phí trước mà phải hoàn thành khóa tiếng Anh, làm thủ tục nhập học xong mới có thể làm báo cáo số 1 gửi về để xin thanh toán sinh hoạt phí và học phí với trường.

Thế nhưng, các LHS đã hoàn thành các thủ tục từ cuối tháng 9-2011, nhưng đến tháng 11-2011, vẫn chưa có thông tin phản hồi là bao giờ các LHS sẽ được thanh toán sinh hoạt phí.

Đây là câu chuyện về một LHS đã học xong bậc thạc sĩ bằng tiền của nhà nước do lãnh đạo của một ĐH lớn ở khu vực phía Bắc cung cấp: Anh X. được hưởng học bổng theo dự án 322 để học thạc sĩ tại Úc. Sau khi kết thúc khóa học, anh trở về trường cũ nhưng bỏ bẵng việc ở cơ quan để đi làm cho các dự án NGO (các tổ chức phi chính phủ) chả liên quan gì lĩnh vực công nghệ thực phẩm mà anh ta đã được đào tạo bằng tiền của nhà nước với lời cam kết sẽ trở về trường.

Trớ trêu thay, khi nhà trường báo cáo cơ quan có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT để xử lý thì X. lại xin được học bổng đi học tiếp bậc tiến sĩ ở một nước khác.

Tránh bệnh thành tích

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, số lượng người đi học theo đề án 322 còn ít do các cơ sở và học viên chưa chuẩn bị tốt tiếng Anh cho nhu cầu học tập. Vì vậy, năm nào cũng không tuyển đủ người đi học.
Theo ông Vui, nếu toàn bộ dự án chỉ để Bộ GD&ĐT quản lý thì không thể thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện đề án mà cần phân cấp cho các trường cùng tham gia. Như thế sẽ tốt hơn trong kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ trước khi tham gia đề án.

Ông Đặng Kim Vui cho biết, trong chiến lược đào tạo 20.000 tiến sĩ, sắp tới, ngành GD&ĐT sẽ cấp kinh phí cho các đối tượng làm thạc sĩ và tiến sĩ trong nước. Đây cũng là việc cần được quản lý chặt chẽ vì chất lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước đang có nhiều điều tiếng như mua bằng, đánh cắp đề tài…

Một du học sinh tại Úc nói, trong số LHS 322 không phải ai cũng muốn về; tỷ lệ muốn về và không muốn là 70-30. Ông Đặng Kim Vui cho biết: Bộ GD&ĐT yêu cầu các đại học nếu có chuyện LHS không về nơi cũ công tác thì báo cáo và giải quyết. Nhưng thực tế, nhà trường không có gì trong tay thì lấy gì giải quyết? Nếu LHS bỏ đi thì trường cũng…chịu!

Một cán bộ của Bộ GD&ĐT cảnh báo: nếu không quản lý chặt chẽ thì việc đào tạo 20.000 TS cũng sẽ rơi vào bệnh thành tích không khác gì việc đưa các hiệu trưởng đi khảo sát các trường ĐH ở nước ngoài chưa thấy hiệu quả đâu!

Ngày 19-4-2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 322/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (thường gọi là Đề án 322) với mục tiêu là đào tạo và bồi dưỡng cán bộ từ trình độ ĐH trở lên đạt chuẩn quốc tế tại cơ sở nước ngoài trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng. Mỗi năm, tuyển 400 chỉ tiêu, trong đó 50% chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, 25% đào tạo thạc sĩ, 15% đào tạo kỹ sư, cử nhân và 10% thực tập khoa học.Giai đoạn I (2000-2005) tính đến cuối tháng 7-2005, đã cử 2.050 HS-SV, cán bộ đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Giai đoạn II, được gia hạn thực hiện đến năm 2014, đối tượng tuyển sinh mở rộng hơn (bao gồm các cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước, trước đây chỉ bao gồm cán bộ KHKT). Ngân sách dành cho Đề án 322 giai đoạn II khoảng 260 tỷ đồng/năm, và tăng thêm chỉ tiêu tuyển khoảng 400 người.Tiếp theo đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định 911/QĐ-TTg ngày 17-6-2010 về phê duyệt Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng giai đoạn 2010-2020”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, VN sẽ phấn đấu đào tạo ít nhất 20.000 tiến sĩ để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam. Trong đó, đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài, đào tạo khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài; đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở trong nước.


Theo Tiền phong