Không chỉ dựa vào vắc xin

01/11/2011 17:31

(Baonghean) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta, dịch bệnh đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngành chăn nuôi, thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Dịch tai xanh đã xảy ra tại 77 xã thuộc 6 huyện, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 45 xã thuộc 11 huyện, thành và cúm gia cầm "có mặt" ở 18 xã thuộc 6 huyện. Ngoài ra là các loại dịch bệnh khác như dịch tụ huyết trùng trâu bò đã xảy ra trên địa bàn 9 xã của 4 huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu và Thanh Chương, dịch bệnh trên đàn hươu nai ở 11 xã của huyện Quỳnh Lưu.

Hiện tại, virút cúm gia cầm đã có sự biến đổi, đàn gia cầm của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung chưa được tiêm phòng do chưa có nguồn vắc xin tương thích, vắc xin LMLM hiện rất khan hiếm, vắc xin tai xanh giá cao... là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm phòng, tạo miễn dịch cho đàn vật nuôi. Phó Chi cục Thú y tỉnh- ông Trần Minh Hạnh, cho biết: Cùng lúc thiếu cả 2 nguồn vắc - xin quan trọng này đồng nghĩa với đàn gia súc, gia cầm đã mất chức năng bảo hộ trước dịch bệnh do chưa được tiêm phòng, và như vậy, công tác phòng chống dịch bệnh của chúng ta đang ở thế bị động. Từ nay cho đến đầu vụ đông xuân 2012, nguy cơ một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao, đặc biệt là dịch LMLM, tai xanh, tụ huyết trùng trâu bò... Ngoài ra, các dịch bệnh khác như bệnh trên đàn hươu nai, dịch tả lợn, đốm trắng ở tôm cũng dễ bùng phát thành dịch lớn. Trong khi đó, việc nhập lậu gia súc qua các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, vận chuyển gia súc, gia cầm và chăn nuôi tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết bắt đầu gia tăng. Diễn biến thời tiết những tháng cuối năm sẽ mưa nhiều, ẩm ướt, rét đậm rét hại, thức ăn khan hiếm sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nên dịch dễ bùng phát và lan ra diện rộng.



Đàn vịt chạy đồng là nguy cơ lớn lây truyền dịch bệnh
nếu không được tiêm phòng.

Trong những điều kiện bất lợi như vậy, tỷ lệ tiêm phòng vụ thu năm 2011 lại thấp hơn vụ xuân 2011 và thấp hơn cùng kỳ 2010. Do đó, để có thể hạn chế được dịch bệnh xảy ra, trước hết, ngành thú y, các địa phương và mỗi người dân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh. Phát hiện nhanh các ổ dịch, báo cáo dịch sớm và tổ chức xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. UBND các huyện phải có văn bản giao trách nhiệm giám sát cho chính quyền xã, xóm, thôn, bản thực hiện tốt công tác giám sát, huyện nào phát hiện dịch muộn, để dịch lây lan ra diện rộng thì Trưởng trạm thú y phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc chưa được tiêm trong vụ thu vừa qua, đặc biệt là các xã có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Đối với các huyện thuộc vùng vành đai bò sữa như Nghĩa Đàn, Thái Hòa... hiện mới tiêm được gần 40.000 liều (77% kế hoạch), phải khẩn trương hoàn thành tiêm phòng bệnh LMLM cho gia súc trong diện tiêm, thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc vừa mới nhập đàn, tái đàn, gia súc non đến tuổi tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch khép kín trong đàn vật nuôi. Đối với các huyện vùng Dự án khống chế bệnh LMLM như Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn, cần chủ động chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhân lực để khi có vắc- xin LMLM nguồn Quốc gia cấp sẽ triển khai tiêm đồng loạt.

Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng vụ đông xuân 2011, thường xuyên khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, cơ sở giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, các vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao, đặc biệt là tăng cường ủ phân sinh học, rắc vôi bột để sát trùng chuồng trại, lối đi lại để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, cần có các biện pháp tăng cường chấn chỉnh, hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật giữa các địa phương có dịch và không có dịch, đặc biệt là việc vận chuyển trâu bò từ các chợ buôn bán trâu bò lớn như chợ Ú (Đô Lương), chợ trâu bò Nam Nghĩa (Nam Đàn)...

Người chăn nuôi phải sửa sang, che chắn chuồng trại, đảm bảo phòng chống rét và vệ sinh. Đồng thời, có kế hoạch dự trữ, bảo quản, chế biến nguồn thức ăn cho trâu bò. Về lâu dài, và đặc biệt trong giai đoạn nguồn vắc- xin ngày càng khó khăn do các chủng vi rut có nhiều biến đổi phức tạp như hiện nay, thì việc phòng chống dịch bệnh không chỉ dựa vào vắc - xin, mà cần quan tâm đến vấn đề chăn nuôi an toàn. Bà con cần mua giống vật nuôi rõ nguồn gốc, có giấy chứng nhận của cơ quan thú y, có địa chỉ tin cậy. Các địa phương cần có các chính sách cần thiết khuyến khích người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để dễ kiểm soát và quản lý về dịch bệnh.


Phú Hương