Phát triển nhiều, nhưng thiếu những doanh nghiệp mạnh

03/11/2011 11:17

Cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp, nên thời gian qua số lượng doanh nghiệp ở Nghệ An tăng nhanh. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp mạnh được  thành lập mới vẫn ít, mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(Baonghean) - Cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp, nên thời gian qua số lượng doanh nghiệp ở Nghệ An tăng nhanh. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp mạnh được thành lập mới vẫn ít, mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Riêng trong tháng 10/2011, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho 113 doanh nghiệp nâng số lượng doanh nghiệp được thành lập mới từ đầu năm 2011 đến nay là 1.095 doanh nghiệp. Điều này cho thấy, mặc dù đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhưng việc phát triển các doanh nghiệp ở Nghệ An vẫn đạt kết quả cao.

Theo thống kế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 9.000 doanh nghiệp, trong đó có 2.900 Công ty cổ phần; hơn 2.142 Công ty TNHH 2 thành viên trở lên; 1.304 Công ty TNHH 1 thành viên hơn 2.700 doanh nghiệp tư nhân. Có thể thấy rằng hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nộp ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động...



Thiếu đầu tư đồng bộ nên sửa chữa ô tô vẫn đang thủ công.



Cơ sở chế biến sản xuất gỗ dăm bị đình chỉ hoạt động tại KCN Diễn Tháp
(Diễn Châu).

Tuy đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhiều doanh nghiệp Nghệ An còn tồn tại một số hạn chế như: Quy mô của doanh nghiệp nhỏ, hiện có đến 21% doanh nghiệp thuộc dạng siêu nhỏ, 59% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp vừa. Điều này cho thấy doanh nghiệp trên địa bàn mới chỉ phát triển nhanh về số lượng, thiếu những doanh nghiệp lớn. Do là doanh nghiệp nhỏ, nên phần lớn công nghệ sản xuất lạc hậu và sản phẩm làm ra đạt chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường kém. Đặc biệt, các loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì đội ngũ cán bộ quản lý và trình độ của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Và khả năng tiếp cận nguồn tín dụng kém, đặc biệt là thiếu sự liên kết, hợp tác trong làm ăn và phát triển doanh nghiệp...

Trong điều kiện như hiện nay, với những trở ngại này, doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn. Thực tế trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp của tỉnh đã không “đủ sức” để đứng vững trên thị trường, phải chấp nhận thu hẹp sản xuất, làm ăn không hiệu quả và dẫn đến tình trạng thua lỗ, giải thể doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 785 doanh nghiệp đã giải thể, 590 doanh nghiệp chưa giải thể, nhưng đã đóng mã số thuế, có 28 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động.

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11, tiếp tục cắt giảm đầu tư công, chuyển đổi hình thức đầu tư, thay đổi nguồn nguồn và hình thức thanh toán... nên ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Mục tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh ta trong thời gian tới là tiếp tục duy trì và phát triển các doanh nghiệp thông qua việc mở rộng quy mô và đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất – kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh thị trường. Bên cạnh việc hoàn chỉnh các loại quy hoạch, quy trình, biểu mẫu, là sửa đổi các cơ chế, chính sách thông thoáng để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp để đến năm 2015 Nghệ An sẽ có 15.000 doanh nghiệp hoạt động.


Hoàng Vĩnh