Nửa thế kỷ vì màu xanh rừng

25/11/2011 14:27

(Baonghean.vn) Từ Trạm trồng rừng phát triển thành Lâm trường Thần Vũ, rồi đổi tên thành Lâm trường Nghi Lộc và hiện nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ công nhân Ban Quản lý đã vượt lên nhiều khó khăn, thiếu thốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không ngừng góp phần phát triển và bảo vệ vốn rừng trên địa bàn.

(Baonghean.vn) Từ Trạm trồng rừng phát triển thành Lâm trường Thần Vũ, rồi đổi tên thành Lâm trường Nghi Lộc và hiện nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ công nhân Ban Quản lý đã vượt lên nhiều khó khăn, thiếu thốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không ngừng góp phần phát triển và bảo vệ vốn rừng trên địa bàn.


Đơn vị đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đổi mới công tác quản lý, điều hành, phối hợp triển khai có hiệu quả mô hình lâm nghiệp xã hội, giao khoán rừng đến hộ, tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, từng bước đẩy lùi nạn chặt phá, đốt rừng trái phép, bảo vệ tốt diện tích rừng.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đi đầu trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch trồng rừng; tiếp nhận triển khai các chương trình, dự án đầu tư trong và ngoài nước; tiếp thu các tiến bộ KHKT, phòng trừ sâu bệnh hại, nhân tạo các giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất, hiệu quả cao, làm tốt dịch vụ đầu vào, đầu ra sản phẩm; đẩy nhanh công tác trồng kinh doanh nghề rừng theo hướng lấy rừng nuôi rừng và lấy rừng nuôi người.



Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc tổ chức trồng rừng phòng hộ ven biển.


Từ đó, diện tích, chất lượng trồng rừng hàng năm đều tăng, năm cao nhất trồng mới 730 ha. Nhiều đồi núi ở các xã Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Đồng, Nghi Mỹ, Nghi Phương, Nghi Hưng, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Xá, Nghi Công... từng là đất trống, đồi trọc nay đã được phủ kín hàng ngàn ha rừng thông, keo.

Năm 1968, đơn vị mới quản lý 3.350 ha đến năm 2011 đã nâng lên 5.340 ha. Đáng ghi nhận, lần đầu tiên đơn vị đưa sản xuất giống và trồng rừng ngập mặn (bần chua, sú, vẹt....) thành công, góp phần làm giảm tác động của thiên tai, triều cường, đưa diện tích đất trống lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nghi Lộc cơ bản đã được phủ kín và phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ môi trường sinh thái, cung cấp nguồn sinh thủy, là lá phối xanh của Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Khu công nghiệp Nam Cấm... Nhiều cánh rừng tạo cảnh quan sinh thái đẹp để phát triển du lịch.


Đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển vốn rừng, đơn vị không ngừng lãnh đạo sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Bằng chính sách hưởng lợi hợp lý, quản lý ngày càng chặt chẽ, mở rộng diện tích rừng khai thác nhựa, những năm qua, đơn vị đã khai thác nhựa thông đạt kết quả vượt trội. Bình quân mỗi năm khai thác đạt từ 436 tấn đến 700 tấn nhựa thông. Ngoài ra, các sản phẩm cây giống, gỗ rừng trồng thực hiện hàng năm đạt kế hoạch.

Năm 2006 doanh thu đạt 4 tỷ 228 triệu đồng, đến năm 2011 doanh thu đạt trên 21 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất hàng năm tăng, năm 2006 đạt 5 tỷ 728 triệu đồng, đến năm 2011 đạt 25 tỷ đồng. Thu nhập cán bộ viên chức tăng từ 1.300.000/người/tháng năm 2006 đến năm 2011 tăng lên 6.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn tạo việc làm mỗi năm cho 600 hộ dân trong huyện khai thác nhựa thông có thu nhập từ 1.800.000 đến 3.000.000 đồng/hộ/tháng.


Sản xuất phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, đến nay 5 đội, trạm, trụ sở văn phòng Ban được xây dựng khang trang. Các cụm làng dân cư lâm nghiệp được củng cố và phát triển, như Cụm làng Lâm nghiệp Nghi Lâm, Cụm làng Lâm nghiệp Nghi Đồng. Đường nối liền Đội Lâm nghiệp Nghi Lâm, Nghi Đồng đã lưu thông, hệ thống điện hạ thế, thông tin liên lạc đến tất cả đơn vị lâm nghiệp. Các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên kinh tế phát triển, nhà cửa khang trang. Các cháu trong độ tuổi được đến trường, có thành tích học tập tốt, nhiều cháu đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Phong trào văn hóa, thể thao phát triển. An ninh chính trị luôn ổn định, nội bộ đoàn kết, cơ quan, các đoàn thể hoạt động có hiệu quả.


Với những thanh tích đạt được trong 50 năm qua, đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng công nhận Đơn vị văn hóa.


Phát huy thành quả đạt được, đơn vị đang triển khai các giải pháp quản lý và lâm sinh, phấn đấu bảo vệ tốt 5.303 ha rừng hiện có, tổ chức trồng hết diện tích đất lâm nghiệp, đưa độ che phủ rừng của huyện Nghi Lộc lên 25%, giữ ổn định tốc độ tăng trưởng hàng năm 20%, thực hiện tốt phương châm xây dựng chiến lược phát triển rừng bền vững, gắn quản lý bảo vệ rừng với sản xuất kinh tế từ rừng.


Hải Yến