Đại biểu HĐND tỉnh "nói, làm và lắng nghe"
(Baonghean.vn). LTS: Tiếp tục các ý kiến xung quanh bài viết "Giải pháp nào để huy động nguồn lực xây dựng trường học", nhiều độc giả đã bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình. Để rộng đường dư luận, Báo Nghệ An tiếp tục phản ánh ý kiến từ phía các cấp chính quyền xung quanh vấn đề này.
Ông Võ Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương:
Tiền xây dựng được thu trước đây là một nguồn thu quan trọng giúp các trường học giải quyết rất nhiều việc, trong đó có tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường.
Thực tiễn ở Thanh Chương, những trường học được xây dựng khang trang, bề thế chủ yếu là nhờ các chương trình mục tiêu của Nhà nước, sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm. Một số trường ở một số địa phương thì làm theo cách trích ngân sách của địa phương và huy động trong nhân dân thông qua phân bổ trên đầu lao động (bao gồm kể cả người không có con đi học) để tập trung "nhóm" vào cho xây dựng trường học; về phía ngân sách huyện cũng chỉ mang tính hỗ trợ để động viên, khuyến khích sự nỗ lực từ phía các địa phương mà thôi.
Thiết nghĩ, để có một nguồn lực đầu tư xây dựng trường học, cần có nguồn ngân sách của Nhà nước và địa phương cùng với vận động các nguồn hỗ trợ đóng góp từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Việc thu tiền xây dựng trường học cũng nên thu nhằm gắn trách nhiệm của phụ huynh đối với con em mình, đồng thời tạo ra nguồn lực để bổ sung, tu sửa các thiết bị, cơ sở vật chất bị hư hỏng, xuống cấp hàng năm cho các trường học.
Ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Chủ tịch UBND phường Vinh Tân (Thành phố Vinh):
Vinh Tân vốn có điều kiện kinh tế khó khăn hơn các xã, phường khác trong Thành phố Vinh. Việc vận động tự nguyện theo tinh thần xã hội hóa nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học, có trường hợp sau khi nhà trường đã có lời kêu gọi nhưng có phụ huynh chỉ đóng góp 20 - 50 nghìn đồng, dẫn đến các nhà trường trên địa bàn xã đều rơi vào tình trạng thu không đủ chi.
Để chia sẻ khó khăn của các trường học, đáp ứng các yêu cầu thiết yếu phục vụ dạy và học của nhà trường, trên cơ sở kế hoạch nhu cầu sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các phòng học, các công trình của trường, mấy năm qua phường đều cố gắng đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động đó, bình quân mỗi trường 60 - 80 triệu đồng/năm. Để sự nghiệp giáo dục thực sự là sự nghiệp của Đảng, chính quyền và toàn xã hội, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì cần quy định trách nhiệm của phụ huynh thông qua việc đóng góp đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện cho các nhà trường đảm bảo các hoạt động tu bổ cơ sở vật chất thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Vân - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tây (Hưng Nguyên):
Hiện tại, hai trường tiểu học và THCS đều xây dựng cao tầng khang trang và đạt chuẩn; riêng trường mầm non thì đang xây dựng. Ngân sách địa phương không có (mỗi năm xã chỉ có vài chục triệu đồng chi cho các trường học phục vụ cho dịp kỷ niệm, ngày lễ), các hoạt động tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị trường, lớp học, địa phương giao cho các trường chịu trách nhiệm và chủ động hoàn toàn.
Trên cơ sở đó, các trường học giao cho hội phụ huynh đứng ra tổ chức vận động từ phụ huynh học sinh để thực hiện, từ xây dựng nhà để xe, sân trường, khu vui chơi giải trí, sửa sang bàn ghế hàng năm... Cho nên, dù là quy định hay không quy định từ phía Nhà nước thì các trường học cũng phải huy động đóng góp từ phụ huynh học sinh để đầu tư, mua sắm, sửa sang cơ sở vật chất, phục vụ học tập và vui chơi của học sinh trong nhà trường.
Minh Chi (ghi)