Chiến lược kinh doanh - Những ẩn số

20/11/2011 15:43

Trong tuần đầu tháng 11, PGS.TS Ngô Kim Thanh, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân đã có buổi thuyết trình với các doanh nghiệp Nghệ An về chiến lược kinh doanh. Buổi thuyết trình hấp dẫn với nhiều kiến thức mới mẻ, PV báo Nghệ An tổng thuật lại một số nội dung sau khi nghe thuyết trình, xem như là một góc nhìn để các doanh nghiệp tham khảo...

(Baonghean.vn) Trong tuần đầu tháng 11, PGS.TS Ngô Kim Thanh, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân đã có buổi thuyết trình với các doanh nghiệp Nghệ An về chiến lược kinh doanh. Buổi thuyết trình hấp dẫn với nhiều kiến thức mới mẻ, PV báo Nghệ An tổng thuật lại một số nội dung sau khi nghe thuyết trình, xem như là một góc nhìn để các doanh nghiệp tham khảo...

Chiến lược kinh doanh là nghệ thuật

Các nhà kinh tế học như Alain Threlart, cho rằng: “Chiến lược là nghệ thuật mà doanh nghiệp dùng để chống lại cạnh tranh và giành thắng lợi”. M.Porter cho rằng: “Chiến lược là nghệ thuật xây dựng các lợi thế cạnh tranh vững chắc để phòng thủ”… Những ai quan tâm đến sự thành công của doanh nghiệp, mong muốn doanh nghiệp có một chỗ đứng vững chắc trên thương trường đều thấy được rằng chiến lược kinh doanh rất quan trọng, nó quyết định đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Nó là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Ngô Kim Thanh, để đề ra được một chiến lược kinh doanh đúng đắn, phải có tầm nhìn chiến lược. Phải biết người biết ta, nhận định được hướng phát triển của công ty, thay đổi trong các mặt sản phẩm - thị trường - khách hàng - công nghệ để tăng cường. Phải xác định được mình là ai, đang ở đâu, đang ở vị trí nào và muốn điều gì. Tầm nhìn chiến lược là bản đồ đường đi thể hiện con đường công ty đi để phát triển và tăng cường kinh doanh. Nó vẽ lên một bức tranh của đích đến và đưa ra lý do để đi đến đó. Vì vậy, các nhà quản lý phải xác định được thị trường cần theo đuổi, trọng tâm tương lai và công nghệ, sản phẩm, khách hàng…

Trên thực tế, chúng ta thường nghe những câu khẩu hiệu thể hiện sứ mệnh của các công ty, ví như: “Hãy nói theo cách của bạn”, “Bước chân thần tốc”, “Luôn bên bạn dù bạn nơi đâu”, “Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng”… Đó là những tuyên bố sứ mệnh của các doanh nghiệp. Đó là một phần của chiến lược, làthương hiệu và dẫn dắt đến mục tiêu.

Mục tiêu của từng doanh nghiệp rất khác nhau. PGS.TS Ngô Kim Thanh đã đưa ra nhiều ví dụ cụ thể về mục tiêu của một số doanh nghiệp lớn. Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược đặc thù riêng, thể hiện sức mạnh của mình trong xu thế hội nhập. Tại Nghệ An, Liên doanh Mía đường Nghệ An Tate & Lyle chọn chiến lược chuyên sâu về sản phẩm. Đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có tính “đẳng cấp” trên thị trường để cạnh tranh. Để đạt được điều đó, Tate & Lyle tuyển dụng những kỹ sư giỏi, những chuyên gia từ các nước để quản lý công nghệ, đồng thời mở rộng thị trường ra cả nước,tham gia xuất khẩu với sản phẩm đường kính có thương hiệu Meli.

Ba chiến lược cạnh tranh cơ bản

Ba chiến lược cạnh tranh cơ bản, theo nhà kinh tế học M.Porter đó là: Chiến lược chi phối bằng chi phí, chiến lược khác biệt hóa sản phẩm, chiến lược trọng tâm hóa. Doanh nghiệp quy mô nhỏ đặt trọng tâm vào chi phí thấp sẽ dễ thành đạt, đó là chi phí về bộ máy gọn nhẹ, vợ có thể làm kế toán, chồng làm giám đốc kiêm lái xe. Hay trụ sở công ty kiêm nhà ở, các chi phí văn phòng, tiếp đón, phục vụ… đều tiết giảm như mô hình doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp qui mô lớn nếu biết tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, nâng cao công suất làm việc , giảm chi phí vào các khâu cũng tăng thêm được khả năng cạnh tranh. Về sản phẩm: Doanh nghiệp nhỏ đặt trọng tâm vào tính khác biệt của sản phẩm, làm hàng “độc”, doanh nghiệp lớn cần khác biệt hóa sản phẩm để cạnh tranh.

Các doanh nghiệp khi vào “sân chơi” đều phải xác định được các đối thủ cạnh tranh trong ngành, sự tranh đua giữa các hãng hiện có mặt trong ngành, các đối thủ tiềm ẩn, nguy cơ từ các đối thủ cạnh tranh mới, khả năng sức ép của khách hàng, rồi khả năng sức ép của người cung cấp, dự tính các sản phẩm thay thế. Đó là môi trường kinh doanh cực kỳ khốc liệt cả với những doanh nghiệp cũ và mới. Lãnh đạo doanh nghiệp phải biết nhận rõ đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhận biết và phân tích chiến lược của các đối thủ, đánh giá điểm mạnh và yếu của các đối thủ, dự kiến sự phản ứng của các đối thủ cạnh tranh, thiết kế ngân hàng dữ liệu thông tin về các đối thủ, đánh giá tương quan thế lực giữa các đối thủ. Có những doanh nghiệp sau khi phân tích đối thủ, nhận thấy khả năng cạnh tranh thấp của mình đã biết liên minh, hợp tác với nhau để thành công.

Chu kỳ kinh doanh

Một ngành nào, một sản phẩm nào cũng không thể tồn tại được mãi, nó đều có giai đoạn xuất hiện, giai đoạn phát triển, giai đoạn bão hòa, giai đoạn suy giảm và triệt tiêu. Vì vậy, trong chiến lược kinh doanh, Ban Giám đốc phải biết để sẵn sàng thay đổi và có chiến lược rút lui phù hợp. Khi chiến thắng nghĩa là anh đã có nhiều đối thủ ngấp nghé cạnh tranh, vì vậy, anh phải rút lui đúng lúc để “bảo toàn lực lượng”. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải “làm mới” cho sản phẩm của mình.

Trong cạnh tranh, cũng phải cung cấp nhiều loại sản phẩm: sản phẩm sinh lời cao, sản phẩm sinh lời, sản phẩm hòa vốn, sản phẩm lỗ tương ứng với khách hàng sinh lời cao, khách hàng không sinh lời, khách hàng lỗ để mở rộng thị phần, gia tăng tăng trưởng của doanh nghiệp, của sản phẩm. Đó là một loạt khó khăn, là sự tập trung trí tuệ của tập thể, của lãnh đạo, vừa là nghệ thuật, vừa là mưu chước, vừa là khoa học để thành công.

Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh phải luôn linh hoạt, thường chỉ xây dựng trong một thời kỳ: 3 năm, 5 năm, 10 năm… Chiến lược kinh doanh đối với ai chưa chịu khó học hỏi, nghiên cứu khoa học quản trị, kinh doanh thì mãi vẫn là những ẩn số.


CHÂU LAN