Nỗ lực từ cơ sở

21/11/2011 16:51

(Baonghean.vn) Bài trước, chúng tôi đã đề cập đến trách nhiệm của tổ chức cơ sở Đảng cấp trên cơ sở (huyện ủy và tương đương). Bài này, xin đề cập đến trách nhiệm và nỗ lực từ chính mỗi TCCS Đảng.


Với sự chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện của tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, bản thân mỗi TCCS Đảng phải làm gì và làm như thế nào để nâng cao được năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình? Sau đây là mấy ý kiến đề xuất.


1. Sự lãnh đạo của TCCS Đảng cũng như của toàn Đảng phải toàn diện, bởi đảng ta đã là một đảng cầm quyền. Song, với TCCS Đảng toàn diện không đồng nghĩa với dàn đều trải mỏng để sa vào tình trạng cái gì cũng lãnh đạo, nhưng hiệu quả thấp


hoặc không hiệu quả. Do vậy, nhất thiết phải từ thực tế của cơ sở, từ đòi hỏi bức thiết nhất và cả từ thực lực của tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, của đội ngũ cán bộ ở đó để xác định một, hoặc hai nhiệm vụ (trong các nhiệm vụ của toàn bộ nhiệm vụ chính trị) để tập trung lãnh đạo. Trong một hoặc hai nhiệm vụ đã xác định ấy, lại phải chọn ra được phạm vi cụ thể, không nhất thiết phải đủ hết mọi phạm vi của nhiệm vụ ấy.

Ví dụ: Xác định lãnh đạo kinh tế là trọng tâm những nội dung nào? Phạm vi nào? Cần tập trung chứ không thể nói kinh tế chung chung. Có nơi là nâng cho được năng suất, có nơi lại là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nơi khác lại là mở ngành nghề mới, nơi khác nữa lại là xóa đói, trồng rừng kinh tế, mở thị trường cho hàng hóa... Một thời gian nhất định "gỡ" cho được một vấn đề, một nhiệm vụ sẽ tạo ra sự tự tin, sẽ cho ta những kinh nghiệm, sẽ đem lại niềm tin cho quần chúng, cứ thế, năng lực lãnh đạo của TCCS Đảng được nâng dần lên. Có thể nói rằng chọn được nội dung, vấn đề để lãnh đạo là bước đầu tiên có tính quyết định thể hiện năng lực và tài năng của người lãnh đạo của sự lãnh đạo.


2. Sau khi đã xác định được nội dung cần tập trung lãnh đạo, bước tiếp theo là chỉ rõ được cấp ủy cơ sở sẽ lãnh đạo bằng những "phương tiện", "công cụ" nào và lãnh đạo bằng cách gì? Trước hết, chính quyền (với xã, phường), chuyên môn (với cơ quan, doanh nghiệp), cùng với đó là các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở cụ thể hóa chủ trương và nhiệm vụ mà cấp ủy đã đề ra để tổ chức thực hiện trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mỗi tổ chức.

Đây thực chất là việc phân công rõ, và tạo sự phối hợp đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Về cách lãnh đạo cần xác định rõ các việc phải làm về công tác tư tưởng (tuyên truyền, giải thích...) về công tác tổ chức (phân công bố trí cán bộ) về kiểm tra và giám sát (cả các tổ chức trong hệ thống chính trị lẫn các tổ chức tương ứng cấp dưới). Tóm lại, sau lãnh đạo để xác định chủ trương là lãnh đạo việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện.


3. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS Đảng gắn chặt với năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, của tổ chức chuyên môn ở cơ sở. Bởi vậy, với TCCS Đảng ở phường, xã, thị trấn, cấp ủy cơ sở phải thường xuyên chăm lo xây dựng chính quyền cơ sở thật sự vững mạnh trong sạch. Cấp ủy phải vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi cao, vừa giám sát chặt chẽ hoạt động của bộ máy chính quyền của tất cả cán bộ, công chức trong bộ máy đó. Những việc làm đúng, làm tốt của chính quyền, dù nhỏ cũng phải khẳng định, khuyến khích, bảo vệ. Ngược lại, có ai đó, việc gì đó có biểu hiện lệch lạc, sai trái phải kịp thời phát hiện, nhắc nhở, uốn nắn. Giữa cấp ủy và chính quyền phải có quy chế về quyền hạn, trách nhiệm cũng như chế độ làm việc chặt chẽ. Với các TCCS Đảng ở cơ quan, doanh nghiệp, cấp ủy và chuyên môn có quy chế về quan hệ trách nhiệm và chế độ làm việc phù hợp.


4. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS Đảng phải được thể hiện trước hết ở năng lực của tập thể cấp ủy, của từng ủy viên ban chấp hành, của người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị và của đội ngũ cốt cán. Đội ngũ cán bộ này một mặt phải có tri thức cần thiết thuộc lĩnh vực được phân công, có phương pháp công tác phù hợp, mặt khác phải thực sự gương mẫu (về mọi mặt) để có sức thu hút, tập hợp và đoàn kết.

Do đó, cấp ủy một mặt cần có chương trình, kế hoạch để thường xuyên nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là bồi dưỡng thông qua công tác thực tiễn, mặt khác phải theo dõi chặt chẽ công việc, sinh hoạt, lối sống và các mỗi quan hệ của đội ngũ này. Qua đó mà tạo điều kiện cho họ trưởng thành, đồng thời ngăn ngừa những "căn bệnh" mà họ có thể mắc phải, trong đó có hai bệnh phải rất chú ý: bệnh quyền lực và bệnh tham lam.


5. Tiến hành việc đánh giá, xếp loại đảng viên, phân loại chi bộ nhỏ trực thuộc TCCS Đảng, hàng năm với tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, có thể "cân, đong, đo, đếm" được.Từ đó đánh giá đúng, xếp loại và phân loại chính xác. Chỉ có như vậy, mới có giải pháp nâng cao chất lượng đảng viên lên "tầm" cần thiết đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS Đảng.


Trên đây là mấy đề xuất chung. Mỗi loại hình TCCS Đảng và nhất là ở mỗi TCCS Đảng từ thực trạng mạnh, yếu của mình để vận dụng và tìm được đúng "thuốc", đúng "cách" cho chính mình. Sự chỉ đạo, giúp đỡ, hướng dẫn của cấp trên là rất cần thiết. Song, nếu mỗi TCCS Đảng không chủ động vươn lên, không kiên trì và quyết tâm thì sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của TCCS Đảng ở đó khó mà khác trước được.


Trương Công Anh