Tổng kết 5 năm mô hình nông-lâm-ngư ở miền tây Nghệ An

28/11/2011 16:47

(Baonghean) - Sáng nay 28/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình kinh tế nông-lâm-ngư trên địa bàn các huyện miền tây Nghệ An, giai đoạn 2006-2011.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, từ 2006 đến 2011, ở 11 huyện miền núi đã triển khai được 305 dạng mô hình kinh tế thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và sự kết hợp lồng ghép mô hình nông lâm ngư. Trong đó, vùng núi cao (5 huyện) triển khai 166 mô hình, vùng núi thấp (6 huyện) là 139 mô hình; số mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả và có khả năng nhân rộng là 284 mô hình, chiếm tỷ lệ 93,1%. Một số mô hình đạt kết quả tốt, đã được nhân rộng: Mô hình chuyển lúa mùa, hè hè thu sang trồng ngô đông trên đất 2 lúa tại huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn; mô hình trồng khoai sọ ở Tương Dương, trồng gừng dưới tán rừng ở Kỳ Sơn; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, vịt bầu ở Quỳ Châu và các mô hình cải tạo rừng nghèo kiệt thành rừng giàu, trồng cây hương bài, thâm canh cây đặc sản tre măng Điền trúc ở Quỳ Hợp Quỳ Châu, Anh Sơn... Bên cạnh những thành công đạt được cũng đang tồn tại những khó khăn thách thức, như: Có những mô hình thành công nhưng không nhân rộng được; nhiều mô hình chưa đạt yêu cầu, kết quả không hơn so với phương thức sản xuất truyền thống cũ. Việc tìm các mô hình cho người nghèo sản xuất để thoát nghèo bền vững còn gặp nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, giao thông khó khăn, đời sống kinh tế và tập quán thâm canh còn thấp, thậm chí nhiều nơi vẫn còn tập quán quảng canh đã ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, triển khai và nhân rộng mô hình...

Kế hoạch và một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2012- 2015, UBND tỉnh định hướng: Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các nội dung, lựa chọn cây con phù hợp trên cơ sở áp dụng các tiến bộ KHKT đưa vào sản xuất để phát triển kinh tế các huyện miền tây Nghệ An một cách toàn diện, sâu rộng theo quy hoạch đã duyệt. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo tiểu khí hậu vùng miền, phù hợp với đối tượng hộ sản xuất; xác định cây con chủ lực để sản xuất hàng hoá. Triển khai thử nghiệm xây dựng mô hình về cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán, hoàn cảnh từng đối tượng người dân, từng vùng miền. Tổ chức xây dựng mạng lưới dịch vụ trong nhân dân và có lộ trình xây dựng thương hiệu, tiếp thị, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.


Ngọc Anh