Để nông nghiệp là mũi nhọn trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Đàn
Tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hóa, khoanh vùng, quy hoạch là một trong những định hướng quan trọng của huyện Nam Đàn (Nghệ An) trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là một trong những nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết TW 7 về “nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.
(Baonghean) - Tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hóa, khoanh vùng, quy hoạch là một trong những định hướng quan trọng của huyện Nam Đàn (Nghệ An) trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là một trong những nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết TW 7 về “nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.
Là một xã có truyền thống về nghề trồng ớt nhưng phải đến mùa thu hoạch năm 2011 người dân Nam Cường mới hết nỗi lo không có nơi tiêu thụ, vì ngay từ đầu mùa vụ Công ty TNHH Tuấn Linh đã nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây có thể xem là một bước chuyển dịch quan trọng đối với hàng trăm hộ trồng ớt ở huyện Nam Đàn và là một tiền đề tốt để huyện xây dựng các vùng quy hoạch chuyên canh cây trồng.
Giống lạc mới cho năng suất cao ở Nam Đàn
Cùng với ớt, một vài sản phẩm nông nghiệp khác như hoa lý, sắn dây cũng bắt đầu tạo được chỗ đứng ở thị trường. Tuy chưa có một công ty nào nhận thu mua toàn bộ sản phẩm nhưng đến mùa thu họach tiểu thương ở các tỉnh phía Bắc về thu mua khá đông, giúp người dân yên tâm phát triển cây trồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Nhuần - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết: Tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây nông nghiệp và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm là mục tiêu lâu dài đối với ngành nông nghiệp của huyện. Hiện tại sản phẩm rau màu Nam Đàn khá đa dạng với cà tím, dưa chuột, bắp cải, xu hào, súp lơ, bí xanh, bí đỏ, khoai tây, đậu, hoa lý, mướp đắng… với trên 75% diện tích cho thu nhập 70 triệu đồng/ha. Nhiều nơi đã hình thành vùng chuyên canh rau màu có diện tích lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất rau an toàn hiệu quả kinh tế cao là các xã Nam Anh, Nam Xuân, Xuân Hoà, Nam Nghĩa, Nam Thanh. Bên cạnh đó, với định hướng, sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả, phát triển kinh tế trang trại vườn đồi, chuyển đổi một phần đất lâm nghiệp thích hợp sang cây ăn quả, huyện Nam Đàn ưu tiên cho một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như chanh, hồng không hạt, nhãn, vải, na… Đây là những cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình, đồng thời tạo sản phẩm hàng hoá xuất ra ngoài tỉnh.
Chăn nuôi cũng sẽ là một ngành mũi nhọn. Trên địa bàn huyện mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên 1000 con lợn nái với số vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng đang được đầu tư tại các xã ở Nam Lộc, Nam Xuân. Ngoài ra, huyện còn có trên 700 trang trại chăn nuôi cỡ vừa và nhỏ với mô hình trang trại vừa trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, trang trại tổng hợp chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, cá kết hợp vườn, rừng, và các loại đặc sản như baba, nhím. Để phát triển đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp, tận dụng địa thế về đất đai, những năm qua huyện chú trọng thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo mùa vụ kết hợp với cơ giới hoá, điện khí hoá, thuỷ lợi hoá; cung cấp kiến thức sản xuất, thị trường cho nông dân và tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Về giống, huyện đang từng bước chuyển dần sang giống lúa lai, ngô lai, lạc lai có chất lượng. Như năm nay, do điều kiện năm nay lúa hè thu thu hoạch muộn hơn các năm trước khoảng 20 ngày nên huyện Nam Đàn ưu tiên sử dụng các giống ngô ngắn ngày. Ngoài ra, tuỳ theo quỹ thời gian từng vùng đất bố trí thêm các giống ngô lai khác như nhóm trung ngày. Để tăng năng suất ngô đông từ 30-40% so với năng suất đại trà, thì trên các vùng đất có điều kiện thâm canh, không ngập lụt bố trí bằng 2 giống có khả năng trồng dày là giống B06, LVN14 kết hợp đầu tư thêm phân bón.
Tương tự, trước đây bà con nông dân thường trồng lạc sen, năng suất chưa cao, nay áp dụng giống mới, kỹ thuật mới là trồng lạc lai mang lại năng suất, chất lượng cao từ 18 tạ/ha nay đạt 25-26 tạ/ha. Về đàn gia súc, gia cầm, huyện đã chú trọng cải tạo đàn lợn giống theo hướng nạc hoá, đưa vào các giống bò chuyên sữa, chuyên thịt cho năng suất cao…
Xác định về lâu dài, nông nghiệp vẫn sẽ là ngành chủ đạo của huyện, ông Trần Đình Hường - Bí thư huyện uỷ, cho biết thêm: Thời gian tới huyện sẽ tập trung tranh thủ nội lực để đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng điện đường trường trạm, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống thuỷ lợi, hệ thống kênh mương. Ngoài ra, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành liên quan huyện hàng năm sẽ trích ngân sách để hỗ trợ bà con về giống cây trồng. Chúng tôi hi vọng với một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hoá, khoanh vùng, quy hoạch, hiệu quả cao sẽ là tiền đề thuận lợi để làm tốt các tiêu chí nông thôn mới khác như dân cư, thuỷ lợi, môi trường, cơ cấu lao động…
Mỹ Hà