"Nốt trầm" trong ngành Y tế

07/11/2011 16:24

(Baonghean) - Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng (CSSKTTCĐ) được xem như là lối mở mới cho bệnh nhân tâm thần. Tuy nhiên, mô hình này hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng vẫn còn là một "nốt trầm" trong ngành Y tế cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, bởi sự quan tâm đầu tư chưa đúng mức của chính quyền các cấp và cả từ phía người dân.

Sau 12 năm hoạt động, đến nay Chương trình CSSKTTCĐ Nghệ An cũng chỉ mới triển khai thực hiện ở 116/479 xã, phường, thị trấn chiếm 24,22%; Quản lý, điều trị, chăm sóc cho trên 5.579 bệnh nhân tâm thần. Nghĩa là Nghệ An chỉ mới quản lý, chăm sóc, điều trị, giám sát gần 1/4 số bệnh nhân bị bệnh tâm thần của cả tỉnh; một con số quá ít so với cả hơn chục ngàn bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng đang cần được chăm sóc, chữa trị. Trong khi đó, chương trình trên toàn quốc đã triển khai thực hiện được trên 70% số xã, phường, thị trấn; 50% số bệnh nhân tâm thần được phát hiện, quản lý, điều trị tại cộng đồng và trên 70% bệnh nhân được điều trị khỏi và được hỗ trợ hòa nhập với cộng đồng, trong đó có 27/63 tỉnh thành đã triển khai được 100% số xã, phường. Đơn cử như Bắc Cạn, Hà Giang, Huế, Đà NΩng... ngoài nguồn kinh phí dự án Trung ương cấp còn được tỉnh cấp kinh phí đối ứng mức tương đương, nên tỷ lệ triển khai đạt 100% xã, phường.



Lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế thăm, tặng quà bệnh nhân
tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.

Nghệ An là tỉnh có tỷ lệ triển khai thấp nhất toàn quốc, nguyên nhân do tỉnh ta còn nghèo, ngân sách còn hạn hẹp, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể chưa hiểu sâu sát đối với bệnh nhân tâm thần, hoạt động của chương trình chủ yếu dựa vào hệ thống y tế. Tuy nhiên, đội ngũ y tế cơ sở đang vừa thiếu lại vừa yếu. Mỗi huyện chỉ có một chuyên trách, nhưng không phải là bác sĩ chuyên khoa tâm thần nên gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và điều trị bệnh nhân. Kinh phí được cấp cho chương trình ít ỏi, năm 2009, Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho Nghệ An 710 triệu đồng. Năm 2010, Trung ương đầu tư 800 triệu đồng. Năm 2011, Trung ương cấp 950 triệu đồng. Tỉnh chỉ hỗ trợ cho mỗi năm từ 5 - 10 triệu đồng (trong khi nhiều tỉnh khác ngoài kinh phí Trung ương cấp tỉnh hỗ trợ thêm 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng). Theo bác sĩ Phan Kim Thìn - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Nghệ An, thì số tiền được cấp chỉ đủ để duy trì những xã đã triển khai chứ chưa nói đến triển khai mới. Để duy trì hoạt động chương trình mục tiêu, bệnh viện đã phải trình Sở Y tế cho phép "thắt lưng buộc bụng" cắt giảm một số chi tiêu để ưu tiên vào công tác điều tra, phát hiện bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân. Tuy vậy, trong năm 2011, bệnh viện cố gắng thực hiện đúng chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao, ngoài duy trì các hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trên 5000 bệnh nhân của 102 xã, phường, thị trấn, triển khai thêm 23 xã, phường mới, phát hiện đưa vào quản lý điều trị thêm 455 bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh.

Bên cạnh những khó khăn trên, ý thức của người dân đối với bệnh tâm thần còn rất hạn chế, người dân còn mặc cảm với bệnh tật của mình. Sự thiếu hợp tác từ phía bệnh nhân, tình trạng bỏ thuốc, không uống thuốc cũng ảnh hưởng không ít đến hiệu quả của chương trình. Đặc biệt, trong thời gian gần đây số bệnh nhân tâm thần do "áp vong" tìm mộ liệt sĩ đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Từ tháng 5 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 40 trường hợp tâm thần dạng này.

Cũng theo bác sỹ Phan Kim Thìn thì hiện nay, Việt Nam là một trong 35 nước trên thế giới chưa có Luật hoặc Pháp lệnh về chăm sóc sức khỏe tâm thần (CSSKTT). Mặt khác, chưa có các chính sách ưu tiên, thu hút thích hợp đối với các bác sĩ trong chuyên ngành tâm thần... Do đó, để giải quyết nguồn nhân lực cần cử bác sĩ đi học chuyên tu, đào tạo theo địa chỉ cho ngành tâm thần. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ CSSKTT ở cộng đồng tại 100% số xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tuân thủ điều trị để tăng tỷ lệ khỏi bệnh, giảm tái phát và tàn phế. Miễn chi trả viện phí đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh. Nhà nước nên có chính sách thỏa đáng như tăng phụ cấp 70% cho cán bộ, viên chức làm việc trong ngành CSSKTT, cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt là sớm ban hành Luật Sức khỏe tâm thần.


Xuân Tiến