Bài cuối: Nên thống nhất giá đền bù

09/11/2011 16:33

Giá đền bù đất và tài sản là một vấn đề quan tâm hàng đầu của các hộ dân bị thu hồi đất trong giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, do còn bất cập trong chính sách và sự buông lỏng trong quản lý, nhiều doanh nghiệp phải thỏa thuận với dân, gây ra những tiền lệ xấu trong giải phóng mặt bằng nhiều công trình...

(Baonghean) - Giá đền bù đất và tài sản là một vấn đề quan tâm hàng đầu của các hộ dân bị thu hồi đất trong giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, do còn bất cập trong chính sách và sự buông lỏng trong quản lý, nhiều doanh nghiệp phải thỏa thuận với dân, gây ra những tiền lệ xấu trong giải phóng mặt bằng nhiều công trình...

"Loạn" giá đền bù

Để được việc, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp thi công công trình Nhà nước và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án) đã phải tự thỏa thuận với dân về mức đền bù đất nông nghiệp, đường nội đồng, nhà cửa, cây cối khi công trình đi qua. Mức giá thỏa thuận ngày một tăng cao do nông dân một muốn hai, hai muốn ba, ba muốn mười, khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao. Điển hình là các doanh nghiệp kinh doanh khu đô thị mới, khu nhà ở.... Cùng một thời điểm, cũng là đất ngoại thành, nhưng một sào đất nông nghiệp doanh nghiệp này thỏa thuận được 200 triệu đồng/sào (ở Hưng Hòa - TP Vinh), doanh nghiệp khác thỏa thuận 500 triệu đồng, doanh nghiệp nữa lại thỏa thuận 700 triệu đồng/ sào (ở Nghi Kim - TP Vinh)... gây ra loạn giá đền bù trên thị trường. Doanh nghiệp mạnh thì vẫn quyết tâm thỏa thuận, doanh nghiệp yếu đành bất lực trước đòi hỏi của người dân. Tình trạng đất nông nghiệp được đền bù cao gấp hàng chục lần giá Nhà nước và cao hơn cả đất vườn trong khu dân cư là một bất cập khiến cho các công trình của Nhà nước khi phải thu hồi đất rất khó khăn. Người dân cứ so đo với đất ngoài đồng, không chịu nhận tiền đền bù. Người nông dân một số xã ngoại thành (Thành phố Vinh) thời gian qua đã tự ý mua bán đất nông nghiệp trao tay, giá 100 triệu- 200 triệu đồng/sào, rồi lại "bán" lại cho doanh nghiệp 500 triệu- 700 triệu đồng/ sào. Đất đai là tài sản của Nhà nước đã không được quản lý và nhất là đất hai lúa đã bị mua bán, chuyển nhượng ngầm để... chờ đền bù của doanh nghiệp.



Cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở đường Nguyễn Phong Sắc - TP. Vinh

Như vậy, thực chất không phải toàn bộ người nông dân được hưởng lợi, mà chỉ một bộ phận, nhất là những "ông chủ nhỏ" ở quê nhiều tiền nhiều của, những người đầu cơ đất hớt tay trên của bà con nông dân, một khi những người này nghe phong thanh chỗ này có quy hoạch, chỗ kia có dự án.

Xã Hưng Lợi - huyện Hưng Nguyên, vốn là vùng trũng, thu hút đầu tư khó khăn. Công ty Tecco có dự án xây dựng nhà cao tầng và nhà ở tại đây, nhưng Giám đốc Vinhland cho biết: Khi thỏa thuận với dân, mới hay đất nông nghiệp người ta đã bán trao tay nhau 100 triệu -120 triệu đồng/sào rồi. Giờ thỏa thuận gấp ba lần chừng đó người dân vẫn không chịu. Xóm trưởng, bí thư ở đó còn bắt doanh nghiệp cộng các diện tích là đường giao thông nội đồng, mương tưới, tiêu lại để đền bù cho dân, dù đó là đất công cộng. Mương, đường tính ra cũng đến 2 ha, cộng với đất nông nghiệp là 20 ha, số tiền đền bù trên 100 tỷ đồng là quá lớn, trong khi doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng, thị trường đóng băng. Doanh nghiệp càng thỏa thuận càng... đi vào ngõ cụt.

Công ty Thuận An, Phú Nguyên Hải thi công Quốc lộ 1A, Công ty Golf Việt thi công khu tái định cư đường Lê Nin... đều kêu trời khi giải phóng mặt bằng chậm, máy móc nằm chờ công trình cả tháng trời, trong khi tiến độ trên ép xuống, giá thì dưới ép lên. Trên thực tế, doanh nghiệp rất khổ sở khi phải thỏa thuận với dân về giá đền bù bởi nhiều người dân "được đằng chân, lân đằng đầu".

Nên thống nhất giá đền bù

Một số doanh nghiệp có công trình, dự án thi công ở Hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh không để doanh nghiệp tự thỏa thuận về giá với dân mà tỉnh làm hết. Ví dụ, đối với đất nông nghiệp, tỉnh qui định đền bù không quá 150 triệu đồng/sào. Tỉnh, thành phố Hà Tĩnh sẽ ra quyết định thu hồi, trả tiền cho người dân. Số tiền chênh lệch với giá Nhà nước doanh nghiệp chuyển về cho Thành phố Hà Tĩnh sau khi thành phố giải phóng mặt bằng xong.

Theo ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: "Hiện nay nhiều dự án trên địa bàn tỉnh còn vướng mắc về GPMB. Vì vậy phải tập trung tháo gỡ từng dự án. Tỉnh, thành phố sẽ rà soát lại các quy định đền bù để xem xét trong thực tiễn. Hình thành các tổ chức phát triển quỹ đất ở các vùng trọng điểm, các thành phố, thị xã để phát triển quỹ đất và làm nòng cốt trong GPMB. Tăng cường công tác vận động, công khai, dân chủ, công bằng, đảm bảo lợi ích của người dân. Chuẩn bị các điều kiện sớm để tái định cư cho nhân dân. Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để trong việc tuyên truyền, giải thích, vận động, làm gương trong GPMB. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong đền bù GPMB".
Ở Nghệ An hiện nay, trong Quyết định số 66/2010 của UBND tỉnh ngày 26/8/2010 về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất... Tuy nhiên, chưa xác định đối với những dự án nào doanh nghiệp được thỏa thuận, những dự án nào không được phép thỏa thuận.

Tại Thông báo ý kiến kết luận của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi (ngày 18/5/2011), về một số vướng mắc khi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Thành phố Vinh chỉ nêu rằng: Đất của các HTX nông nghiệp chưa thực hiện giao đất theo Nghị định 64, đất đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của các HTX, theo các qui định của pháp luật thì không được tham gia thị trường bất động sản, do đó không thuộc trường hợp để các nhà đầu tư tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng, thuê lại, góp vốn. Việc nhà đầu tư thỏa thuận với hộ gia đình, cá nhân nhận khoán về mức giá bồi thường, hỗ trợ là không đúng quy định của pháp luật.

Do sự phức tạp trong thực tế, do các qui định chưa chặt chẽ của pháp luật, hiện nay nhiều dự án đang rất vướng về giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án xây dựng khu tái định cư, các dự án phát triển kinh tế trong thành phố.

Trước hết, phải quán triệt rằng: Những dự án thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và những dự án kinh tế quan trọng do Quốc hội, Chính phủ có chủ trương và quyết định chấp thuận đầu tư thì thực hiện đúng theo các qui định về đền bù, giải phóng mặt bằng của Chính phủ và quy định của UBND tỉnh

Đối với những dự án phát triển kinh tế, đầu tư vì lợi ích Nhà nước và địa phương, được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước cũng thực hiện đền bù theo giá qui định của Nhà nước.

Theo chúng tôi, đền bù nên thống nhất một giá. Nếu có những dự án được phép thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp thì nên có khung tối đa để doanh nghiệp dễ thực hiện. Đất đai là của Nhà nước, khi thực hiện thay đổi mục đích sử dụng với các dự án mới, Nhà nước nên tiến hành thu hồi đất và giao lại đất đúng quy định, không nên để mặc doanh nghiệp tự ý xử lý.

Cuối năm là thời điểm nước rút về giải phóng mặt bằng bởi liên quan đến giá, đến tết, đến giải ngân... Nhìn lại thấy rằng còn nhiều công trình đang vướng về GPMB như Dự án đường 72m (mà người dân gọi là "đường 72 năm"), Dự án mở rộng Công viên Nguyễn Tất Thành (có Quyết định thu hồi đất từ năm 1990), Dự án mở rộng Đại học Vinh, Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 A, Dự án Đại lộ Vinh- Cửa Lò, đường An Dương Vương, cụm công nghiệp Hưng Đông... Những vướng mắc chủ yếu là cục bộ. Mỗi dự án là một kiểu vướng mắc. Vì vậy thành phố và cơ quan chức năng phải tập trung cao độ để tháo gỡ từng nút thắt đó.

Thành phố Vinh là đơn vị cùng lúc triển khai nhiều dự án và đang tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều công trình. Thành phố đã có quan điểm chỉ đạo: "Xác định công tác GPMB là khâu đột phá để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nhằm phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế- xã hội, góp phần đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững, tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Vì vậy, GPMB cần thực hiện nguyên tắc đổi đất có lợi cho dân.

Thời gian qua, một số công trình chậm giải phóng mặt bằng là do các giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ, không chặt chẽ, đang nặng về mệnh lệnh hành chính, thiếu các giải pháp cụ thể để tháo gỡ cho từng công trình. Thiếu sự tuyên truyền, vận động, giải thích và thiếu cả nguồn lực.

Để làm tốt công tác GPMB, tỉnh, thành phố và các địa phương cần sớm dành quỹ đất "sạch" để tái định cư cho các công trình quan trọng, các công trình tương lai theo quy hoạch, tránh việc GPMB chồng GPMB, chọn địa điểm tái định cư lại phải tiếp tục GPMB, làm xáo trộn cuộc sống người dân, đồng thời cần nâng cao hiêu quả và năng lực của các trung tâm phát triển quỹ đất.

Châu Lan