Bài 3. Khó tiếp cận nguồn vốn vay

13/10/2011 17:26

(Baonghean) - Vốn là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế trang trại. Việc tạo điều kiện cho các chủ trang trại vay vốn đã được khẳng định trong Nghị quyết 03/2000/NĐ - CP của Chính phủ với điểm mới quan trọng là: "Chủ trang trại được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm quy định vay vốn tại ngân hàng". Như vậy, khi được giao đất, giao rừng, chủ trang trại có thể dùng bìa đỏ và được cả những công trình thế chấp vốn vay.

Thế nhưng trên thực tế, ở nhiều địa phương, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng, vẫn là cái khó. Chị Nguyễn Thị Năm (xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ) cho biết: Hầu hết các trang trại ở đây đều mượn đất của nông trường, hợp đồng 10 năm một lần, nên không được cấp "bìa đỏ". Ông Nguyễn Trọng Hương, chủ trang trại 14,5 ha cao su ở xã Nghĩa Hoàn cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cũng có không ít chủ trang trại như ông Nguyễn Danh Hiền (xóm Thuận Yên, Nghĩa Hoàn) có bìa đỏ lâu rồi vẫn không muốn đến ngân hàng vay vốn vì lãi suất cao mà cố gắng xoay xở trong nguồn vốn tự có. Theo ông Phạm Thanh Tú, Giám đốc Chi Nhánh Ngân hàng Chính sách Tân Kỳ thì: "Khoảng 80% số chủ trang trại tự lực, tự cường, không vay vốn ngân hàng. Trong nguồn vốn vay lồng ghép với chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm 1 tỷ đồng vừa qua rất ít trang trại được vay. Mức vay đến 100 triệu đồng, nhưng cũng chỉ có 2 chủ trang trại vay. Thật ra nhiều chủ chủ trang trại khác cũng muốn vay nhưng lại chưa đúng quy định". Ở một số huyện như Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp... các chủ trang trại mía được nhà máy đường ký hợp đồng, hỗ trợ vốn đầu tư phân bón, giống nên họ không cần đến ngân hàng... Như vậy, ở Nghệ An nhìn chung các chủ trang trại vẫn ít vay vốn từ ngân hàng. Các chủ trang trại ở Nghệ An, nhận xét: Vừa khó vay vốn, mỗi vay lần được ít. Số không vay hoặc là ngại, hoặc là sợ làm ăn thua lỗ không đầu tư chiều sâu, không mở rộng quy mô sản xuất, thuê mướn nhiều lao động.



Mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp ở xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ).

Ông Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch kinh tế hộ Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết: Tại thời điểm lập đề án kinh tế trang trại 2007 - 2015, tổng số vốn đầu tư vào trang trại của các chủ trang trại toàn tỉnh là 158.775 triệu đồng. Trong đó vốn tự có 106.133 triệu đồng, chiếm gần 67%. Vay ngân hàng và nguồn vốn khác 52.643 triệu đồng. Bình quân 1 trang trại có vốn 104 triệu đồng. Bình quân cả nước cùng thời điểm là 189 triệu đồng/trang trại.

Như vậy vốn đầu tư vào kinh tế trang trại ở tỉnh ta vẫn mới xấp xỉ một nửa so với trung bình chung. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Kinh tế hộ Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An thì số liệu báo cáo từ các huyện cho thấy, tại thời điểm 2010 vốn bình quân lên được 816 triệu đồng/trang trại. Cụ thể mức vốn bình quân các loại hình kinh doanh là: trang trại trồng trọt: 60 triệu đồng; chăn nuôi: 480 triệu đồng; Trang trại lâm nghiệp và tổng hợp mức đầu tư vốn dưới 60 triệu đồng.

Vốn đầu tư mới chỉ thể hiện khía cạnh quy mô là chính, còn vấn đề của sản xuất kinh doanh bản chất lại ở hiệu quả kinh tế. Qua khảo sát và phân tích của các chuyên gia ở Chi cục Phát triển Nông thôn, ở Hội nông dân tỉnh và chúng tôi tìm hiểu thực tế cho thấy: Loại hình trang trại trồng trọt cho hiệu quả thu nhập cao nhất (0,6%) trên 1 đơn vị vốn đầu tư. Loại hình trang trại chăn nuôi vốn đầu tư nhiều hơn nhưng thu nhập lại thấp hơn (chỉ 0,37%). Gần đây do dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh và lở mồm long móng ở gia súc thì thu nhập trên vốn đầu tư của loại hình trang trại này càng thấp hơn. Thậm chí có nhiều trang trại bị thua lỗ. Nhưng nhiều chủ trang trại vẫn đeo đuổi mở trang trại chăn nuôi vì: đất đai đã giao hết, nhiều người trường vốn, và Nhà nước vẫn có ưu tiên, hỗ trợ đáng kể (nhất là những trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc được hưởng sự hỗ trợ của dự án). Hơn nữa, khi chẳng may bị dịch bệnh trong chăn nuôi cần tiêu hủy thì, vẫn có sự hỗ trợ của Nhà nước, chênh lệch với giá thị trường tự do không nhiều. Trang trại lâm nghiệp thì khác, thu nhập trên đồng vốn đầu tư thấp nhất (chỉ 0,31%) nhưng chắc chắn, sử dụng ít ngày công lao động. Trang trại nuôi trồng thủy sản đòi hỏi đầu tư vốn lớn, kỹ thuật cao thì lãi suất cũng khá (0,42% trên đồng vốn). Ngoài ra còn ưu điểm quay vòng nhanh, tương đối ổn định, tiêu thụ sản phẩm chủ động hơn. Cuối cùng là trang trại tổng hợp, đầu tư ít vốn, kỹ thuật không đòi hỏi cao, ít nhân công, tiêu thụ sản phẩm dễ mà thu nhập trên đồng vốn khá (đạt 0,56%). Do vậy loại hình kinh tế trang trại tổng hợp cũng khá phổ biến ở tỉnh ta .

Như vậy hiệu quả đồng vốn đầu tư trong kinh tế trang trại Nghệ An thuộc nhóm trung bình thấp. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là độ phì nhiêu của đất đai kém, trừ vùng đất đỏ Phủ Quỳ; Lãi suất thấp chủ yếu là do khâu tiêu thụ: bán giá rẻ, ế ẩm hoặc do tư thương ép giá, trong khi giá vật tư, phân bón cũng như các nơi khác trong cả nước. Mặt khác, tay nghề và tầm nhìn của chủ trang trại vẫn chưa cao để cạnh tranh, tìm những mặt hàng siêu lợi nhuận. Điều không kém quan trọng là đầu tư vốn ít nên kỹ thuật chưa hiện đại, mức lãi trên "lao động sống" chưa nhiều, bỏ mất lợi thế giá nhân công rẻ.

Do vậy, tỉnh cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ cấp bìa đỏ cho các trang trại chưa được cấp bìa đỏ để họ dễ dàng làm thủ tục vay vốn, đồng thời khuyến cáo để họ thấy cái lợi khi vay vốn mở rộng kinh doanh để những chủ trang trại ngại vay có niềm tin. Mặt khác, cần nâng cao trình độ tay nghề, năng lực quản lý kinh tế cho các ông chủ đề họ biết hạch toán, tăng hàm lượng chất xám trong một đơn vị sản phẩm, nhằm nâng hiệu quả đồng vốn.


Hoàng Chỉnh - Văn Trường