Những lời ngợi ca chưa đủ

23/08/2011 17:03

Ngày 25/8/2011, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Quân đội, đồng bào, đồng chí cả nước, bầu bạn tiến bộ trên thế giới vui mừng, trân trọng gửi đến Đại tướng biết bao lời chúc mừng tốt lành. Nhưng chắc chắn hạnh phúc lớn nhất đối với Đại tướng là được làm người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và được phục vụ Nhân Dân vô điều kiện!

(Baonghean) - Ngày 25/8/2011, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Quân đội, đồng bào, đồng chí cả nước, bầu bạn tiến bộ trên thế giới vui mừng, trân trọng gửi đến Đại tướng biết bao lời chúc mừng tốt lành. Nhưng chắc chắn hạnh phúc lớn nhất đối với Đại tướng là được làm người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và được phục vụ Nhân Dân vô điều kiện!

Sinh ngày 25/8/1911, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thân sinh của Đại tướng là cụ Võ Quang Nghiêm, một nho sĩ nghèo, yêu nước thương dân, ý chí kiên cường và bất khuất.

Người dân Quảng Bình đến nay còn kể câu chuyện cụ Nghiêm “chửi chữ ” vào mặt bọn Pháp xâm lược. Đó là vào năm 1946 – 1947, bắt được cụ tại Cố đô Huế, chúng đánh đập tra tấn cụ rất dã man. Trong Lao Thừa Phủ, có lần tên mật thám Pháp hống hách với cụ là không biết dạy con, để con dám chống lại quân đội Pháp hùng mạnh. Nghe vậy, cụ Nghiêm vuốt râu mà rằng: “Tôi đẻ con ra, chưa kịp dạy thì con đã bỏ nhà đi làm cách mệnh! Chừ, tôi nhờ quân đội Pháp hùng mạnh đi bắt giúp con tôi về đây, để tôi dạy thử, coi con tôi có chịu nghe không?”. Nghe nói, tên mật thám tức giận đã tra tấn cụ Võ Quang Nghiêm một cách tàn bạo, rồi đem cụ đi thủ tiêu, không tìm lại xác được nữa!

Tuổi nhỏ, cha dạy chữ tại nhà, khi cắp sách đến trường làng, vị Đại tướng luôn được cha giáo dục, hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Rời gia đình, quê hương, ông lao vào cuộc sống xã hội rồi tham gia cách mạng và có may mắn gặp Bác Hồ lần đầu tiên vào tháng 6 năm 1940, tại Trung Quốc… Sau nhiều thử thách, ngày 20/1/1948, Bác ký sắc lệnh phong đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam. Tại lễ thụ phong chức Đại tướng, Bác Hồ tay cầm sắc lệnh mời đồng chí Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ Tổ quốc, Người tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ, làm trọn sứ mệnh mà quốc dân phó thác cho !”.

Có thể nói, tài năng và đức độ của Đại tướng thể hiện qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, trước hết là kết quả thấm nhuần triệt để lời dạy ban đầu của Bác “Dĩ công vi thượng” (Đặt lợi ích dân nước lên trên hết). Từ một nhà giáo, nhà báo, nhà sử học, Võ Nguyên Giáp đã trở thành một vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam !

Thượng tướng Trần Văn Trà, một cán bộ quân đội ưu tú nhiều năm lăn lộn tại chiến trường Nam Bộ, sinh thời ông có một đề xuất: “Nhiều ý kiến có tầm nhìn xa trông rộng, sắc sảo và độc đáo của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ về chiến lược và chiến thuật quân sự, cần được giới Sử học nghiên cứu thật công khai, thật công phu, thật công bằng và thật công tâm!”. Còn về phần mình, Thượng tướng Trần Văn Trà ca ngợi: “Suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề thấy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc một sai lầm nào về chiến lược và chiến thuật quân sự; tôi chỉ thấy anh Văn đi những nước cờ bậc thầy vây hãm và tiến công quân địch…”.

Không chỉ trong nước, rất nhiều bài báo, công trình ở nước ngoài ca ngợi hết lời về đạo đức, tài điều quân khiển tướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đônan, tác giả cuốn sách Giáp, một sự đánh giá (1992) cho biết Tướng Mỹ Oétmolen phải thừa nhận ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ, trí thông minh và hành động.

Cơri, trong cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá (1997), đã từng gặp và hỏi chuyện Tướng Giáp về học vấn quân sự nào đã giúp ông chiến thắng quân viễn chinh Pháp ? Đại tướng trả lời ngắn gọn mà hóm hỉnh: Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, “học viện” duy nhất ông theo học là ở trong…rừng. Chính “học viện trong rừng” ấy mà ông và tập thể lãnh đạo kháng chiến đã ôn lại những bài học của các nhà chiến lược quân sự tiền bối, kết hợp với những quan điểm quân sự mác xít, từ đó vận dụng vào thực tế chiến trường, dành thắng lợi.

Theo công trình Bách khoa toàn thư Quân sự quốc phòng Mỹ (1993), thì tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến lược chiến thuật và sự kết hợp nhuần nhuyễn uyển chuyển với chính trị và ngoại giao, đã giúp cho Việt Nam và Đông dương đánh bại các tướng lĩnh phương Tây, cùng học thuyết của họ… Quyết tâm chiến đấu và sự sẵn sàng hy sinh trong quân sĩ của Tướng Giáp đã tạo điều kiện cho lực lượng xã hội chủ nghĩa của thế giới thứ ba đánh bại ý chí các cường quốc phương Tây, cùng đồng minh của họ…

Ở nước ngoài, nhiều sử gia, tướng lĩnh từng là đối thủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã công bố nhiều công trình, sách báo. Họ đánh giá rất cao tài thao lược của Đại tướng, tuy vậy, cũng có một số vấn đề họ chưa nhận thức , lý giải thỏa đáng…

Năm 2006, Đại tá Trần Trọng Trung, nguyên cán bộ Viện Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng, cho xuất bản cuốn sách dày 900 trang, khổ rộng: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Tác giả dày công, tỉ mỉ trong việc sưu tầm tập hợp tư liệu nhằm dựng chân dung Đại tướng một cách chân thật, giản dị, qua đó góp phần lý giải một số vấn đề còn bỏ ngỏ.

Ngày 25/8/2011 này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Quân đội, đồng bào, đồng chí cả nước, bầu bạn tiến bộ trên thế giới vui mừng, trân trọng gửi đến Đại tướng biết bao lời chúc mừng tốt lành. Từng vinh dự nhận Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến thắng…nhưng chắc chắn trong suốt cuộc đời mình, hạnh phúc lớn nhất đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là được làm người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và được phục vụ Nhân Dân vô điều kiện!


Kim Hùng