Phát triển Cụm công nghiệp: Cần đầu tư đồng bộ

13/10/2011 15:07

Theo quy hoạch phát triển Cụm Công nghiệp (CCN) trên địa bàn Nghệ An đến năm 2020  sẽ có 41 CCN, nhưng đến nay có 14 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích quy hoạch 185,8 ha và trong đó chỉ có 6 CCN cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Thực tế đó, đặt ra nhiệm vụ khá nặng nề cho việc phát triển CCN trong thời gian tới.

(Baonghean) - Theo quy hoạch phát triển Cụm Công nghiệp (CCN) trên địa bàn Nghệ An đến năm 2020 sẽ có 41 CCN, nhưng đến nay có 14 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích quy hoạch 185,8 ha và trong đó chỉ có 6 CCN cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Thực tế đó, đặt ra nhiệm vụ khá nặng nề cho việc phát triển CCN trong thời gian tới.

Dẫu còn nhiều vấn đề đặt ra đối với CCN Diễn Hồng, nhưng một điều dễ nhận thấy là từ thành công của mô hình này, đã tạo nền tảng cho Diễn Châu mạnh dạn đầu tư phát triển CCN. Tuy nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn, huyện vận động các nguồn vốn đầu tư và huy động ngay chính các doanh nghiệp để xây dựng CCN. Cách làm này vừa bảo đảm được tiến độ, đồng thời phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư.

CCN Diễn Tháp xây dựng trên diện tích 15 ha và tổng vốn đầu tư hơn 51 tỷ đồng. Hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông, hệ thống thoát nước, vỉa hè... đã hoàn thành. Nhờ vậy CCN Diễn Tháp trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư. Tại đây, các lĩnh vực thế mạnh của huyện được ưu tiên phát triển (chế biến nông lâm thủy sản, chế biến nhựa...). Hiện nay CCN Diễn Tháp là đã có 24 cơ sở đăng ký đầu tư có tổng vốn đăng ký 160,8 tỷ đồng. Có 2 dự án đi vào hoạt động, 5 dự án đang tiến hành xây dựng và các dự án khác đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chuẩn bị xây dựng. Rút kinh nghiệm từ CCN Diễn Hồng, công tác quy hoạch, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ở cụm công nghiệp Diễn Tháp được thực hiện nghiêm túc. Hệ thống nước thải (giá trị 7 tỷ đồng) đã tổ chức đấu thầu và hệ thống đường điện đang tích cực triển khai.

Được biết, thời gian qua Diễn Châu quy hoạch 5 CCN (Diễn Hồng, Diễn Kỷ, Diễn An, Diễn Tháp và Diễn Ngọc), nhưng trong quá trình thực hiện, một số CCN không phù hợp với quy hoạch phát triển chung của vùng, đã chuyển hướng đầu tư, đó là CCN Diễn Kỷ quy hoạch thành khu đô thị và thương mại, CCN Diễn An "lọt" vào quy hoạch của Khu kinh tế Đông Nam. Có thể xem Diễn Châu là một trong những địa phương đứng tốp đầu phát triển CNN ở tỉnh ta.



Dây chuyền sản xuất bê tông tươi tại KCN Bắc Vinh.

Để CCN phát triển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh đã sớm ban hành chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết từ 100 - 120 triệu đồng/cụm; Bồi thường giải phóng mặt bằng 100 triệu đồng/ha; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong CCN 3 tỷ đồng/cụm... Nhưng các chính sách đó vẫn chưa "đủ lực" để hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển CCN, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích quy hoạch là 185,8 ha (tổng số đầu tư theo dự án phê duyệt lên đến 544,2 tỷ đồng). Hiện chỉ có CNN Đông Vĩnh (TP. Vinh) là có đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng, còn lại các CCN khác chủ đầu tư là UBND các huyện, thành, thị.

Được biết, tổng vốn đầu tư thực hiện trong lĩnh vực phát triển CCN đạt 226 tỷ đồng và đã có 6 CCN cơ bản hoàn thành việc đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật là CNN Nghi Phú, Đông Vĩnh (TP Vinh), Diễn Hồng (Diễn Châu), Châu Quang (Quỳ Hợp), Thị trấn Đô Lương, Thị trấn Anh Sơn và nhiều CNN khác đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì việc phát triển CCN ở tỉnh ta còn chậm. Nguyên nhân là việc triển khai xây dựng hạ tầng các CCN thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thu hút đầu tư. Công tác quy hoạch một số nơi còn thiếu khoa học, xây dựng không đúng quy hoạch, hệ thống hạ tầng làm theo kiểu " chắp vá"... nên nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc như: ô nhiễm môi trường, xây dựng khu văn phòng, nhà ở ngay trong CCN. Một vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp khi đầu tư là cơ chế, thủ tục hành chính còn rườm rà, nhất là trong lĩnh vực thuê đất, hợp đồng sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng.

Để phát triển CCN đạt kế hoạch đề ra (đến năm 2010 phát triển 41 CCN) các cấp, ngành chức năng cần tăng cường quản lý nhà nước đối với CCN và các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất, nhất là tập trung vào việc xử lý vi phạm đầu tư sai quy định, thiết kế. Kiểm tra đánh giá việc bảo đảm môi trường. Thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong CCN theo chính sách của tỉnh. Tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng và công tác chuẩn bị đầu tư phát triển CCN theo quy hoạch. Ban quản lý CCN tại các địa phương căn cứ tiến độ dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt cụ thể hóa công tác xây dựng phù hợp với khả năng nguồn vốn và đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.


Hoàng Vĩnh