Vinh quang người thợ

09/11/2011 16:29

Hội thi tay nghề thế giới lần thứ 41 diễn ra tại Thủ đô Luân Đôn nước Anh vừa qua đã trở thành một sự kiện thu hút sự quan tâm của giới trẻ trên toàn thế giới. Từ hội thi để thấy, mỗi người bất cứ làm nghề gì, là nhà bác học, là kỹ sư hay người công nhân... đều xứng đáng được tôn vinh, ca ngợi. Trong trào lưu chạy theo bằng cấp hiện nay, thì việc lựa chọn một nghề vững chắc để lập nghiệp cần được khuyến khích...

(Baonghean) - Hội thi tay nghề thế giới lần thứ 41 diễn ra tại Thủ đô Luân Đôn nước Anh vừa qua đã trở thành một sự kiện thu hút sự quan tâm của giới trẻ trên toàn thế giới. Từ hội thi để thấy, mỗi người bất cứ làm nghề gì, là nhà bác học, là kỹ sư hay người công nhân... đều xứng đáng được tôn vinh, ca ngợi. Trong trào lưu chạy theo bằng cấp hiện nay, thì việc lựa chọn một nghề vững chắc để lập nghiệp cần được khuyến khích...

Từ các hội thi tay nghề

Một thực trạng đáng báo động hiện nay là tâm lý chạy theo bằng cấp của giới trẻ. Học sinh tốt nghiệp THPT đổ xô thi vào các trường ĐH,CĐ; học sinh tốt nghiệp THCS thì "chen chân" vào các trường THPT. Và rất nhiều học sinh, nếu không đạt được mục tiêu vào các trường chuyên nghiệp, chính quy cũng cố theo học các trường ĐH mở, đại học dân lập hoặc hệ liên kết với mục đích là cầm được tấm bằng ĐH, CĐ nhưng rồi không tìm được việc làm như kỳ vọng. Trong khi đó, các trường dạy nghề lại rất khó tuyển sinh, dù cơ hội việc làm mở ra rất lớn. Điều đó cho thấy nhận thức của xã hội đối với việc đào tạo nghề còn nhiều điều đáng bàn.



Một tiết thực hành cắt gọt kim loại của thầy trò Khoa cơ khí chế tạo,
Trường ĐHSP Kỹ thuật Vinh.

Nhằm tôn vinh những người thợ giỏi, những công nhân kỹ thuật, những sinh viên ở các trường nghề, 2 năm một lần, Tỉnh Đoàn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức Hội thi "Thợ giỏi ngành cơ khí" cho học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân và lao động trẻ ngành cơ khí; Sở LĐTB&XH tổ chức hội thi "Học sinh giỏi nghề toàn tỉnh" (2 năm một lần) cho học sinh các trường dạy nghề tham gia, tạo ra phong trào rèn luyện kỹ năng tay nghề cho HS-SV và lực lượng công nhân trẻ. Thầy Phạm Anh Dũng, giảng viên khoa công nghệ hàn (Trường CĐ Nghề KTCN Việt - Hàn), cho biết: "Giới trẻ hiện nay không thực sự đam mê học nghề. Các em vào trường nghề khi không đạt được nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ chuyên nghiệp. Do đó, hội thi không chỉ là sân chơi để HS-SV, lao động trẻ rèn luyện tay nghề mà còn tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành về vấn đề đào tạo nghề, góp phần làm thay đổi nhận thức của các bạn trẻ về vấn đề học nghề. Người thợ có tay nghề giỏi cũng được tôn vinh, ca ngợi như bao nghề nghiệp khác..."

Đối với em Nguyễn Khánh Trình, sinh viên Trường CĐ Nghề KTCN Việt Đức thì Hội thi tay nghề thế giới vừa qua, và đặc biệt là hội thi tay nghề giỏi trong HS-SV được tổ chức hàng năm đã làm thay đổi nhận thức của em về việc học nghề. "Qua các hội thi, những người thợ giỏi, những công nhân lành nghề được vinh danh. Em thật sự cảm phục, và tự đặt ra cho mình mục tiêu để phấn đấu: học tập để nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của xã hội...".

Ông Phan Sỹ Dương, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: "Chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những bước chuyển tích cực. Tại các hội thi tay nghề giỏi toàn quốc, tỉnh ta luôn được xếp trong tốp đầu cả nước về số thí sinh đạt giải cao. Riêng năm 2010, toàn tỉnh có 8 thí sinh dự thi đều đạt giải, có 1 thí sinh tham gia Hội thi tay nghề khu vực ASEAN và giành giải Khuyến khích".

Đến đề án đào tạo công nhân kỹ thuật

Theo phê duyệt của Bộ LĐTB&XH thì tỉnh ta có 10 trường nghề được lựa chọn nghề trọng điểm cấp quốc gia, 3 trường được hỗ trợ đào tạo nghề cấp ASEAN. Đặc biệt, Trường CĐ KTCN Việt Nam -Hàn Quốc có 3 nghề được Bộ chọn đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc tế: Cơ điện tử, hàn, điện tử công nghiệp. Thầy Hồ Văn Đàm, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đây là vinh dự của trường nhưng cũng đặt trường trước những thách thức mới. Được lựa chọn xây dựng nghề trọng điểm cấp quốc tế, cấp khu vực ASEAN, uy tín của trường sẽ tăng lên, cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp mở rộng không chỉ trong nước, trong khu vực mà còn vươn ra khắp các nước trên thế giới với mức lương ngang bằng. Để đạt được mục tiêu đó, nhà trường đang đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng, đồng thời nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên". Hiện nhà trường đã gửi giáo viên sang một số nước tiên tiến để học tập, nâng cao trình độ, cử giáo viên trẻ thực tập tại các nhà máy, nhà xưởng lớn để kịp thời cập nhật công nghệ mới trong quá trình sản xuất, tham gia các hội nghị, hội thảo nâng cao chất lượng dạy nghề... Bên cạnh đó, trường cũng đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại, nâng cấp nhà xưởng phục vụ cho việc thực hành của sinh viên.

Tháng 6/2011, UBND tỉnh ban hành Đề án "Đào tạo công nhân kỹ thuật giai đoạn 2011-2015" với mục tiêu: "Đào tạo nâng cao chất lượng lao động, đội ngũ công nhân kỹ thuật có phẩm chất và năng lực, tiếp thu thành tựu KHKT, công nghệ mới, gắn đào tạo và giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Trong 5 năm, đào tạo 85.000 công nhân kỹ thuật có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 52% vào năm 2015". Để đạt được mục tiêu đó, trước hết, các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho mọi người dân, làm thay đổi tâm lý "thích làm thầy, không thích làm thợ" trong giới trẻ. Mặt khác, tiến hành việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT, đảm bảo 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo học các trường nghề.

Tiếp đến, mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng đào tạo công nhân kỹ thuật. Theo đề án, từ nay đến năm 2015, sẽ mở thêm 8 cơ sở đào tạo nghề, nâng tổng số cơ sở đào tạo nghề lên 70, trong đó tập trung ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế phát triển các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập. Song song với đó, tỉnh tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, phấn đấu đến năm 2015, sẽ có 60% số trường dạy nghề được trang bị đồng bộ các thiết bị công nghệ mới. Đồng thời chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề, bảo đảm 100% các trường dạy nghề có giáo viên đạt chuẩn trình độ, 90% giáo viên dạy nghề được học tập nâng cao tay nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cần chuyển hoạt động dạy nghề theo hướng gắn với nhu cầu của thị trường lao động; đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra đối với sinh viên trường nghề với 4 tiêu chí: kiến thức chuyên môn, kỹ năng tay nghề, kỹ năng sống và tác phong công nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng công nhân kỹ thuật sau đào tạo. Mục tiêu đề án đề ra là đến 2015, toàn tỉnh có 10.500 doanh nghiệp thu hút 500.000 lao động; mỗi năm đưa khoảng 10.000 lao động và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phát triển các ngành nghề, dịch vụ, công nghiệp chế biến nông sản, khôi phục các làng nghề truyền thống, kinh tế trang trại, hợp tác xã. Ban hành một số cơ chế, chính sách đối với học sinh, sinh viên tham gia học nghề; giới thiệu việc làm sau đào tạo; hỗ trợ giáo viên dạy nghề, nâng cao trình độ; có chính sách thu hút nghệ nhân, công nhân thợ bậc cao...

Đề án đào tạo công nhân kỹ thuật cao của tỉnh sẽ tạo động lực để sinh viên, giáo viên các trường dạy nghề nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm tới...


Phúc Thanh