Phải bảo vệ môi trường từ gốc

16/09/2011 10:29

(Baonghean.vn). Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 có nêu: "Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường". Một trong năm quan điểm phát triển có ý nghĩa chỉ đạo xuyên suốt trong chiến lược và thực hiện chiến lược này là: "Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược".


Giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường có mối quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Một mặt có kinh tế phát triển mới có điều kiện để bảo vệ môi trường. Mặt khác - hay mặt ngược lại sự phát triển kinh tế sẽ xâm hại, thậm chí là hủy hoại môi trường. Khi nói "gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường" chính là nhằm khai thác, đảm bảo mặt thống nhất, hạn chế tối đa mặt mâu thuẫn trong mối quan hệ này. Để khai thác, đảm bảo được mặt thống nhất, hạn chế mặt mâu thuẫn, nhất thiết phải bảo vệ môi trường từ gốc, tức là từ kinh tế - từ các ngành, các cơ sở sản xuất.


Giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững cũng có mối quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Ở khái niệm phát triển bền vững ngoài nội dung bảo vệ môi trường thiên nhiên còn có nội dung bảo vệ môi trường xã hội. Kinh tế có phát triển nhanh mới có điều kiện để phát triển bền vững nhờ bảo vệ được môi trường xã hội và môi trường thiên nhiên.

Ngược lại, có môi trường xã hội đồng thuận, ổn định, có môi trường tự nhiên tốt mới là nền tảng cho phát triển nhanh. Song, nếu phát triển nhanh, cũng có thể dẫn đến bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày một rộng hơn, một sâu thêm, có thể dẫn đến xâm hại môi trường thiên nhiên. Và, nếu chiều hướng này diễn ra thì đến lượt nó, phát triển nhanh sẽ rơi vào khủng hoảng: cả khủng hoảng kinh tế lẫn khủng hoảng xã hội. Do đó, để đảm bảo kinh tế phát triển nhanh phải dựa trên nền tảng phát triển bền vững. Để phát triển bền vững phải bảo vệ môi trường (cả xã hội và tự nhiên) từ Gốc - tức là từ phát triển kinh tế.


Vậy, bảo vệ môi trường từ Gốc là thế nào?


1. Khi xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế của một ngành, của một vùng (địa phương); khi xét duyệt một dự án đầu tư nào đó; khi tiếp nhận (hay du nhập) một giống cây, giống con nào đó, một công nghệ nào đó, nhất thiết phải cân nhắc thấu đáo các mục tiêu, các chỉ số, các kết quả về kinh tế lẫn môi trường chứ không chỉ đơn thuần xem xét đánh giá các mục tiêu, chỉ số, kết quả về kinh tế.


2. Một lẽ thường là các nhà đầu tư quan tâm trước tiên là lợi nhuận từ kinh tế và họ hưởng lợi từ lợi nhuận này. Còn hậu quả xấu về môi trường mà doanh nghiệp gây ra lại là gánh nặng của cả xã hội, của cả đất nước. Đây là mẫu thuẫn gay gắt thường xuyên phải được xử lý ngay từ đầu và suốt cả quá trình từ xây dựng đến vận hành hoạt động của ngành, của cơ sở kinh tế. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có ý thức đầy đủ nhất và phải có hành động thường xuyên nhất để xem xét và xử lý mâu thuẫn này. Làm được như vậy mới có thể bảo vệ môi trường một cách căn cơ ngay từ đầu.


3. Các nhà đầu tư, cũng như các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt các dự án cần luôn nhớ rằng: nguồn tài chính đầu tư vào một dự án nào đó không chỉ dành để mua sắm máy móc, nguyên liệu, xây dựng nhà xưởng mà nhất thiết phải dành một phần không nhỏ để xử lý chất thải (nước, rắn, khí) để bảo vệ môi trường.


4. Khi tiến hành quy hoạch các khu công nghiệp (bất kể lớn hay nhỏ) nhất thiết phải có khu xử lý chất thải đủ công suất và có công nghệ tốt nhất để xử lý mọi chất thải mà các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp xả ra môi trường. Nhất thiết không để việc xử lý chất thải cho từng cơ sở sản xuất tự lo từ A đến Z.


5. Cuối cùng là cần đưa ra những cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường mà ta gọi chung là công nghệ sạch. Khuyến khích, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch.


Để Nghệ An thoát nghèo, để nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhất thiết phải bảo vệ môi trường và nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải được giải quyết ngay từ gốc.


Trương Công Anh