Điều chỉnh hay chia lại đất?

30/11/2011 16:22

(Baonghean.vn) Diễn Châu là huyện có quỹ đất sản xuất nông nghiệp chia theo bình quân đầu người thấp nhất tỉnh hiện nay. Tại địa phương này, hiện đang tồn tại rất nhiều bất cập trong phân chia diện tích nông nghiệp. Có thể nói, đến thời điểm này, sau gần 20 năm, việc phân chia ruộng đất nông nghiệp theo Nghị định 64 /1993/NĐ-CP thực sự đã và đang bộc lộ nhiều bất hợp lý.

(Baonghean.vn) Diễn Châu là huyện có quỹ đất sản xuất nông nghiệp chia theo bình quân đầu người thấp nhất tỉnh hiện nay. Tại địa phương này, hiện đang tồn tại rất nhiều bất cập trong phân chia diện tích nông nghiệp. Có thể nói, đến thời điểm này, sau gần 20 năm, việc phân chia ruộng đất nông nghiệp theo Nghị định 64 /1993/NĐ-CP thực sự đã và đang bộc lộ nhiều bất hợp lý.

A nh Phan Trường Giang (xóm 3 - Diễn Nguyên) kết hôn năm 1998 và vợ chồng anh đã sinh được 2 đứa con. Thế nhưng, hiện gia đình có bốn khẩu này đều đang sống nhờ vào một suất đất ruộng672 m2 của anh. Không thể đủ sống, anh phải nhận thầu khoán thêm 5 sào nữa từ đất công ích của xã và đất lúa của 4 hộ trong các xóm lân cận để sản xuất.

Những diện tích đất đi thuê này, ngoài việc phải nộp các khoản theo quy định của địa phương, còn phải trả lúa cho chủ đất nữa. Cũng khó khăn không kém, chị Đào Thị Thuận (cũng ở xóm 3) cho biết: Vợ chồng chị là “dân gốc” ở địa phương, gia đình mấy đời làm ruộng nhưng đất chật, người đông, làm không đủ sống nên đầu năm 1993, anh chị quyết định “di cư” vào Bảo Lộc (Lâm Đồng) kiếm phương cách làm ăn.



Sau khi chia lại đất sản xuất, nhiều hộ dân sẽ được cấp đất hợp lý hơn.
Ảnh minh họa: X.Hoàng

Thế nhưng chưa đầy một năm sau, do không làm ăn được, vợ chồng chị đành dắt díu nhau trở về quê. Ở thời điểm đó, xã đã tiến hành chia xong đất theo Nghị định 64/1993 của Chính phủ nên anh chị không có một thước ruộng nào. Bất đắc dĩ, chị phải thầu lại 3 sào đất công ích của xã, chấp nhận đóng sản lượng cao để làm lúa. Thế nhưng, 3 sào ruộng không thể đủ cho 8 miệng ăn, khó khăn quá nên dù không muốn nhưng 5 đứa con của chị đã lần lượt phải bỏ học.

Chủ tịch UBND xã Diễn Hạnh (Diễn Châu) - ông Tăng Văn Thành cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 1.500 khẩu sinh sau thời điểm năm 1993 không được chia đất sản xuất, trong khi Diễn Hạnh là xã thuần nông, không có làng nghề hay việc khác để làm thêm. Rất bất cập là trong khi đó, nhiều hộ con cái đã thoát ly cả, chỉ còn hai ông bà già ở nhà nhưng vẫn không thu lại đất được. Bởi vậy, tình trạng luân chuyển, trao đổi hay thuê mướn đất trong nội bộ người dân là thực tế đang diễn ra một cách phổ biến”.

Sau khi có Luật Đất đai năm 1993, việc chia cấp, giao quyền sử dụng đất ruộng cho hộ nông dân được tiến hành đồng loạt ở nhiều địa phương trong cả nước. Theo tinh thần chỉ đạo từ Nghị định 64/1993/NĐ-CP, đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, trong đó có đất lúa được giao đồng loạt cho người dân, số đất mỗi gia đình được giao căn cứ vào số khẩu và tùy theo quỹ đất nông nghiệp của từng xã, mỗi suất đất rộng khoảng 1-3 sào. Thời điểm mà các địa phương tiến hành chia đất theo Nghị định 64 của Chính phủ là năm 1993, và thời hạn sử dụng của loại đất ruộng trồng lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản sẽ kết thúc vào năm 2013, tức là 20 năm kể từ khi được giao đất.

Đến nay, sau gần 20 năm, dân số của tất cả các xã đều có sự biến động theo chiều hướng tăng. Rất nhiều gia đình mới ra đời, số nhân khẩu trong các hộ cũng tăng theo, nhưng quỹ đất cũng như sự phân chia đất nông nghiệp, đất canh tác vẫn không hề có sự thay đổi. Nhiều gia đình không đủ đất sản xuất đã phải đi thuê lại đất làm tăng chi phí sản xuất, trong khi đó, nhiều gia đình khác lại có số người giảm xuống do con cái kết hôn và chuyển đến sinh sống ở nơi khác, hoặc thậm chí có người đã mất.

Chưa kể, nhiều người tìm việc làm khác hoặc đã già yếu không làm nông nghiệp nữa, nhưng đất của họ vẫn được giữ nguyên, và diện tích đất này họ cho thuê, cho mượn hoặc bỏ hoang. Như vậy, rõ ràng đã có sự bất hợp lý, bất bình đẳng về quyền lợi giữa gia đình có số người tăng lên và gia đình có số người giảm xuống hoặc không tiếp tục làm nông nghiệp. và vì thế nên mới có tình trạng gia đình chỉ còn 2 nhân khẩu, nhưng có tới gần chục sào đất, còn gia đình 5 - 7 nhân khẩu lại chỉ có vài sào ruộng.

Cũng chính vì vậy, việc huy động nội lực để xây dựng công trình phúc lợi tại các xã gặp không ít khó khăn. Ông Tăng Văn Thành cho biết: Khi thực hiện huy động nội lực trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi ở xã, chúng tôi phải vận động đóng góp theo nhân khẩu. Thế nhưng để những hộ có con sinh sau năm 1993 chịu đóng góp là việc rất khó khăn, nhiều gia đình nhất định không chịu với lý do con cái họ không được chia đất, không được hưởng quyền lợi gì ở xã. Trước những bất cập trong sử dụng ruộng đất của nông dân và những đề nghị của nhiều hộ nông dân thiếu ruộng, chúng tôi cũng chỉ biết cảm thông, động viên họ, bởi ruộng đất đã được chia hết cho nông dân khi thực hiện Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ.

Chỉ còn hơn 1 năm nữa, thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo Nghị định này sẽ kết thúc, việc điều chỉnh hay chia lại đất đang là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi giữa các bộ, ngành cũng như trong nông dân hiện hay. Thiết nghĩ, trước những bất cập trên, Nhà nước cũng cần nghiên cứu để đưa ra cơ chế, chính sách hợp lòng dân, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi chúng ta đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, thì việc giải quyết thỏa đáng vấn đề phân chia đất đai trong dân là điều cực kỳ cần thiết.


Phú Hương