Ký ức nước Nga

04/11/2011 17:00

Cách đây gần 50 năm, hàng ngàn người con xứ Nghệ đã sang Liên Xô học tập, công tác. Ngày trở về, hành trang họ mang theo không chỉ kiến thức chuyên môn, kỹ năng sống, mà cả những ký ức sâu nặng về những người bạn Nga, đất nước Nga... Với họ, nước Nga đã trở thành quê hương thứ hai, là “một phần máu thịt” của mình...

(Baonghean) - Cách đây gần 50 năm, hàng ngàn người con xứ Nghệ đã sang Liên Xô học tập, công tác. Ngày trở về, hành trang họ mang theo không chỉ kiến thức chuyên môn, kỹ năng sống, mà cả những ký ức sâu nặng về những người bạn Nga, đất nước Nga... Với họ, nước Nga đã trở thành quê hương thứ hai, là “một phần máu thịt” của mình...

Ký ức tươi đẹp

Trong ngôi nhà nhỏ của anh Lê Văn Thông (Giám đốc Nhà in Báo Nghệ An), những đồ vật gợi nhớ đến một thời là du học sinh tại Liên bang Xô Viết có thể chỉ đơn giản là những con matxutka, những tấm hình kỷ niệm, chiếc bàn là Liên Xô cũ... nhưng nó nhắc anh nhớ đến những vùng đất, những kỷ niệm, đến một nền văn hóa Nga. Tình cảm dành cho đất nước Xô Viết mà anh vẫn giữ trọn trong lòng bao nhiêu năm nay là tình cảm dành cho những thầy cô, bạn bè, những bà mẹ Nga thuần hậu... đã chăm sóc, dạy dỗ, giúp đỡ anh trong suốt 7 năm trời. “Từ năm 1977 đến 1983, tôi học Trường đại học Tổng hợp Taskent (Thủ đô nước CH Udbekitan). Được đi du học ở Nga, đó là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người. Lúc đó nước Nga là thành trì của các nước xã hội chủ nghĩa, có nền khoa học kỹ thuật, quân sự hùng mạnh, là một cường quốc...”. Đặt chân lên đất nước Nga tươi đẹp, anh như đắm mình trước sự đồ sộ của những tòa tháp; sự hiền hòa của sông Vôn-ga; ấn tượng bởi những rừng bạch dương “sương trắng, nắng tràn”... Nhưng đọng lại trong ký ức của anh là sự chân tình, nồng hậu của thầy cô, bạn bè Nga: “Mới sang, mọi cái đều rất bỡ ngỡ, vốn tiếng Nga còn ít ỏi... Rất may, học sinh Việt Nam được thầy cô, bạn bè Nga dành một sự quan tâm đặc biệt. Vào ngày nghỉ, họ dẫn chúng tôi đi thăm cảnh đẹp, di tích, danh thắng; hướng dẫn chúng tôi ăn món ăn Nga; đưa chúng tôi về nhà, kết thân với gia đình những người bạn Nga... Nhờ đó, chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, chú tâm cho việc học.” Tốt nghiệp về nước, anh được cử làm cán bộ tỉnh. Rồi đến năm 1988, anh được cử sang thành phố Ulinanôpxcơ quản lý lao động kiêm phiên dịch. 10 năm sống, học tập, công tác tại Nga, trong quãng thời gian đó, đất nước, con người Nga đã để lại trong anh những ấn tượng sâu sắc. Anh tâm sự: “Vì may mắn được sống và học tập ở nước Nga nhiều năm nên tôi thấy mình ảnh hưởng nền giáo dục của đất nước bạn. Và cũng có thể nói rằng, trong cách sống của tôi khá nhiều ảnh hưởng của tính cách Nga...” Anh cũng coi ngôn ngữ Nga là tiếng nói thứ hai của mình sau tiếng mẹ đẻ. Giờ đây, khi đã rời xa đất nước Nga 20 năm, nhưng mỗi lần nghe một khúc hát Nga, xem lại những bức ảnh chụp hồi ở Nga, ký ức tươi đẹp lại ùa về....

Một chiều mưa, bên ly cà-phê bốc khói ở một quán quen cạnh hồ Goong, tôi may mắn được ông Ngô Đăng Mười - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh kể những kỷ niệm về nước Nga. Bình thường, ông là người kiệm lời, nhưng hôm nay, khi nhắc về kỷ niệm của năm tháng gắn bó với đất nước Liên Xô của thời kỳ Xô-viết, ông trở nên sôi nổi và trẻ trung hơn nhiều so với tuổi của mình. Cũng đúng thôi, 12 năm của thời trai trẻ - cái thời đẹp nhất trong một đời người, ông đã được sống với đất nước tươi đẹp và những con người Nga nhân hậu, trung thực, bao dung. Cái “chất Nga” đã ngấm khá sâu trong con người ông một cách tự nhiên. Hoài niệm về quá khứ, ông Mười kể lại: “Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Trường Giáo viên dạy nghề, tôi được cử sang học khóa đào tạo thợ cả tại Thành phố Minde (LB Nga); năm 1973 thì về nước công tác, đến năm 1984- 1989, tôi tiếp tục được cử đi học tại Trường đại học Công đoàn Lê-nin-grat. Sinh sống, học tập ở một thành phố anh hùng, nơi có Cung điện Mùa Đông, có chiến hạm Rạng Đông nổi tiếng..., đó là niềm hạnh phúc lớn lao.” Ông nhắc lại những năm tháng ấy bằng tình cảm hết sức trân trọng. Đó là cô giáo dạy tiếng Nga Na-ta-li-a - người luôn quan tâm đến học sinh bằng những câu hỏi hàm chứa tình yêu thương, cùng những lời động viên, an ủi đã tiếp thêm động lực cho học sinh an tâm học tập; là câu xin lỗi nhẹ nhàng của những người bạn Nga khi lỡ làm phiền lòng ai đó; là cử chỉ lịch sự của người Nga khi đi xe buýt; là sự chỉ dẫn hết sức tận tình của người nông dân Nga khi bạn hỏi đường... Tất cả đã trở thành ký ức đẹp trong cuộc đời ông.



Cuộc hội ngộ cựu du học sinh Nga tại Nghệ An

Còn đối với cô giáo Phùng Thị Kim Loan (giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai), nước Nga có vị trí đặc biệt trong tâm hồn và trái tim cô. 7 năm là du học sinh Trường đại học Hóa công nghệ Men-đê-lép ở Thủ đô Mát-xít-cơ-va, trong thời gian đó, tình yêu đầu chớm nở, cô kết hôn tại Nga và sinh con đầu lòng ở đó. “Những mốc quan trọng của cuộc đời tôi đều gắn với “đất nước bạch dương”. Tôi không thể nào quên kỷ niệm trong thời gian mang thai và sinh con. Lúc đó, chồng tôi theo đúng hạn đã trở về nước, tôi ở lại một mình, mang bầu bảy tháng lại vừa làm đồ án tốt nghiệp. Vất vả lắm. Nhưng may mắn thay, tôi nhận được sự giúp đỡ thân tình của bạn bè Nga, những người dân Nga ở khu tôi sinh sống. Và đặc biệt là sự chăm sóc ấm áp của những y, bác sỹ bệnh viện nơi tôi sinh con...”. Cô nhắc lại những kỷ niệm đó với tất cả niềm thương nhớ, cảm động của mình. Đã hơn 20 năm trôi qua, cô vẫn luôn nhớ về nước Nga, ước mong có lần quay lại đất nước của những cánh rừng taiga nguyên sinh trải dài mênh mông trong tuyết trắng bao la, được nghe tiếng đàn balalaica và âm thanh chiếc ấm samova sưởi ấm lòng trong những đêm mùa Đông lạnh giá... “Tôi mong có ngày được đưa cậu con trai đầu lòng quay lại nơi đã sinh ra nó, thăm lại nơi đầy ắp kỷ niệm thời thanh niên của mẹ, thăm những người dân Nga đôn hậu, để con có thể cảm nhận được tình cảm của người Nga, lòng tốt của người Nga...” chị chia sẻ.

Bao nhiêu năm đã qua, không chỉ anh Thông, bác Mười, cô Loan mà chắc hẳn với những người đã từng sinh sống, học tập, công tác tại Nga vẫn luôn nặng lòng với những ký ức Nga, vần thơ Nga hay điệu nhạc Nga. Với họ đó là nước Nga vĩ đại mà họ luôn tri ân, một nước Nga với những người thầy, người cô đã giúp họ nên người, đã yêu thương, đùm bọc họ, một nước Nga lưu giữ thời đẹp nhất của họ. Dù đã chia tay “đất nước bạch dương” nhiều năm, nhưng trong tâm trí mỗi người vẫn sống mãi những hình ảnh về đất nước rộng lớn với ngôi sao lấp lánh trên Quảng trường Đỏ, với âm hưởng dịu êm của những bài dân ca Nga đã đi vào tâm khảm biết bao thế hệ, với lời ca “Những đêm trắng Neva, tôi thầm yêu nước Nga...” da diết, sâu lắng.



Ông Lê văn Thông (giữa) chụp ảnh với những người bạn Nga -1977
(Ảnh tư liệu)

Cầu nối tình hữu nghị Việt - Nga

Năm 1996, Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Nghệ An được thành lập trên cơ sở kế thừa truyền thống của Hội Hữu nghị Việt - Xô tỉnh Nghệ An. Thành viên của Hội là những người đã từng sinh sống, học tập và làm việc tại nước Nga, có tình cảm sâu sắc với đất nước và nhân dân Nga, quan tâm đến việc tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia. Hoạt động của Hội những năm qua luôn hướng tới mục đích góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực giữa nhân dân hai nước.

Mỗi năm lại có thêm hàng chục người yêu mến nước Nga đăng ký xin gia nhập tổ chức Hội. Hiện Hội có 11 chi hội thành viên với số hội viên chính thức hơn 500 người.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày chiến thắng Phát-xít Đức, Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt truyền thống những người đã từng học tập, công tác tại Liên Xô. Đặc biệt, Hội còn phối hợp với Trường THPT Phan Bội Châu, THCS Đặng Thai Mai (thành phố Vinh) – Hai trường đang dạy tiếng Nga cho học sinh tổ chức các cuộc giao lưu “Tỏa sáng mãi ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười”; “Bài ca Tháng Mười”, “Bản hùng ca còn mãi”... Qua các buổi giao lưu đó, qua lời kể của những cựu học sinh từng học tại Nga; qua những bài hát bằng tiếng Nga... thế hệ cha, anh đi trước đã nhen lên trong thế hệ học sinh hôm nay lòng yêu mến đất nước Nga; khơi dậy ở các em niềm đam mê với tiếng Nga và ý thức phấn đấu để được sang Nga học tập, công tác.

Hiện nay, tiếng Nga không còn giữ vị thế quan trọng trong các ngoại ngữ nữa, do đó, việc dạy và học tiếng Nga trong các nhà trường gặp không ít khó khăn. Thầy Võ Hoàng Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai cho biết: “Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2009-2010 nhà trường tổ chức dạy tiếng Nga cho học sinh (theo hình thức ngoại ngữ 2). Việc đưa tiếng Nga vào dạy gặp không ít khó khăn: giáo trình, giáo viên, trang thiết bị dạy học... Và quan trọng nhất là tâm lý của phụ huynh, học sinh không mặn mà với bộ môn này. Xác định phục hồi và phát triển dạy học tiếng Nga là đáp ứng chiến lược phục hồi toàn diện mối quan hệ Việt - Nga truyền thống của Nhà nước, do đó, trường đã khắc phục mọi khó khăn để triển khai việc dạy học tiếng Nga có hiệu quả...”. Hiện tại, trường có 3 lớp học tiếng Nga với hơn 100 học sinh, 3 giáo viên dạy tiếng Nga là những người từng sinh sống, học tập tại Nga, có kinh nghiệm và chuyên môn vững. Các cô, bằng trách nhiệm, niềm đam mê và tình yêu nước Nga đã truyền thụ cho các em kiến thức, thổi vào tâm hồn các em lòng yêu nước Nga qua những câu chuyện kể, những hồi ức tươi đẹp... Nhà trường còn thành lập CLB tiếng Nga thu hút đông đảo học sinh tham gia, thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm học tiếng Nga; các buổi giao lưu văn nghệ bằng ngôn ngữ Nga, các câu đố vui về đất nước Nga... Em Nguyễn Thành Phong (Học sinh lớp 6H, Trường THCS Đặng Thai Mai) cho biết: “Bố em là kỹ sư nhiệt điện, từng có thời gian học tập tại Nga. Những câu chuyện kể của bố về nước Nga, những tác phẩm văn học Nga, những bài hát Nga... đã để lại trong em ấn tượng tốt đẹp. Được học tiếng Nga, em thấy rất hứng thú, xem đây là ngoại ngữ chính để theo đuổi. Em mong ước sau này được du học tại Nga...”

Các hoạt động đầy ý nghĩa của Hội Hữu nghị Việt - Nga; những nỗ lực của thầy và trò trong việc duy trì dạy tiếng Nga tại các trường đã góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị Việt - Nga, giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống ngày càng tốt đẹp.


Thanh Phúc