Bài 3: Khởi sắc chế biến thủy sản

08/12/2011 15:35

(Baonghean) - Hiện các huyện ven biển đã hình thành hàng trăm cơ sở sản xuất, các làng nghề chế biến cùng nhiều hộ kinh doanh cá thể, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân vùng biển. Ngoài những sản phẩm truyền thống, người dân đã nỗ lực tìm tòi, đầu tư chế biến nhiều mặt hàng mới chất lượng cao, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục cho xuất khẩu, đem lại doanh thu lớn và tạo bước đột phá cho nghề chế biến thuỷ sản.

Được thiên nhiên ưu đãi cho 25km bờ biển, 9 xã vùng bãi ngang giáp biển, Diễn Châu có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển. Mỗi năm ngư dân khai thác khoảng 30.000 tấn tôm, cá các loại, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề chế biến phát triển. Ngoài những mặt hàng truyền thống như nước mắm, ruốc, hàng khô, hàng đông lạnh... các doanh nghiệp, cơ sở chế biến còn đầu tư công nghệ hiện đại để đa dạng hoá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường như bột cá, sứa, cá phi lê, tôm nõn... Trong số các sản phẩm mới, mặt hàng sứa xuất khẩu đang phát triển mạnh, bởi có nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn; thu hút khá nhiều lao động, cả người tham gia đánh bắt và chế biến. Nếu như trước đây, huyện chỉ có duy nhất sản phẩm sứa ngâm sú vẹt truyền thống của bà con, giá trị thấp, tiêu thụ nhỏ lẻ trong dân, nay đã có 10 cơ sở đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng chế biến sản phẩm sứa ăn liền, sứa khô đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyên cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị ở TP. Vinh, Hà Nội, Hải Phòng và xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng tiêu thụ mỗi năm khoảng 8.000 tấn... Toàn huyện hiện có 2 làng nghề, 3 doanh nghiệp và trên 300 cơ sở, hộ chế biến hải sản tập trung, hàng năm chế biến và tiêu thụ khoảng 10-12 triệu lít nước mắm, 2.000- 3.000 tấn ruốc, 20 tấn tôm nõn, 300 tấn bột cá và 400- 500 tấn hàng khô các loại..., thu hút khoảng 2.000 lao động tham gia với mức thu nhập bình quân từ 2- 4 triệu đồng/người/tháng.




Chế biến cá đông lạnh ở xã Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu)



Cơ sở chế biến cá phi lê của anh Nguyễn Văn Hùng - xóm Đồng Lộc, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu)
Cùng ông Thạch Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, đến thăm cơ sở chế biến Diễn Xoan (ở xóm Hải Nam) của anh Nguyễn Văn Diễn, một trong những hộ sản xuất nước mắm lớn nhất nhì xã. Hiện gia đình anh đang có 50 bể, mỗi năm sản xuất 70- 80 tấn chượp, tương đương với khoảng 700 nghìn lít nước mắm, trong đó khoảng 25% là nước mắm cốt. Khi được nếm vị nước mắm của gia đình anh sản xuất, chúng tôi hiểu tại sao sản phẩm gia truyền của Diễn Bích qua nhiều thế hệ vẫn giữ được tiếng tăm, chiếm được niềm tin của khách hàng. Riêng năm 2011, Diễn Bích sản xuất và tiêu thụ 1.090 triệu lít nước mắm, 340 tấn ruốc, doanh thu đạt 18 tỷ đồng. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ sản xuất nước mắm, trong đó có 20 hộ mỗi năm làm khoảng trên 80 tấn chượp...

Với chiều dài 34km, Quỳnh Lưu là một trong những huyện có đường bờ biển dài của tỉnh. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, ngoài việc đẩy mạnh khai thác, huyện đã chú trọng phát triển nghề chế biến thuỷ sản. Nhờ vậy mà kinh tế biển không ngừng đi lên, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cùng với làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi (xã Quỳnh Dị), các xã vùng biển như Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Long, Tiến Thuỷ... cũng là những địa phương chế biến thuỷ sản đa dạng của huyện. Hàng năm, nghề chế biến thuỷ sản của Quỳnh Lưu liên tục phát triển, nhất là loại hình doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình. Hiện nay, toàn huyện có 2 công ty cổ phần, 5 công ty TNHH, 6 doanh nghiệp, 2 làng nghề chế biến nước mắm và hàng ngàn hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực chế biến, dịch vụ thuỷ sản. Tổng sản lượng sản phẩm qua sơ chế đông lạnh hàng năm đạt trung bình từ 5.800 - 6.000 tấn, với tổng giá trị đạt trên 200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, cho biết: "Qua đánh giá hàng năm, nghề chế biến thuỷ sản vừa có bước phát triển, vừa hỗ trợ tích cực cho ngành nghề khai thác của huyện. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có chính sách để phát triển nghề chế biến. Hiện huyện đã quy hoạch khu chế biến thuỷ sản tập trung tại xã Quỳnh Dị và có chủ trương xây dựng khu chế biến ở Lạch Quèn với quy mô tập trung".

Nằm cách khu nghỉ mát Cửa Lò không xa (khoảng 1-2 km), phường Nghi Thủy từ lâu đã được nhiều du khách biết đến với nghề chế biến hải sản nổi tiếng của vùng đất xứ Nghệ. Trước đây, cũng như một số địa phương khác, nghề chế biến hải sản của Nghi Thuỷ còn ở quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ người dân trong thị xã và các vùng lân cận. Cùng với sự phát triển kinh tế - du lịch của thị xã, bên cạnh đó, phường lại có vị trí địa lý thuận lợi (phía Đông giáp biển, là nơi tập trung cầu cảng, đầu mối của nhiều tuyến giao thông huyết mạch, có chợ Hôm, là điểm tập trung nguồn hải sản dồi dào). Nắm bắt được cơ hội, bà con trong phường đã mở rộng nghề chế biến phục vụ cho du khách. Đặc biệt, từ năm 2006 trở lại đây, số hộ tham gia ngày một nhiều, năm 2009 có 37 hộ, đến năm 2011 đã có 50 hộ/157 hộ (chiếm 31,8%) với 95 lao động thường xuyên; sản phẩm chính là ruốc, nước mắm, mực khô, cá hấp, sấy... Đặc biệt là tôm nõn, sản lượng tiêu thụ bình quân trên 200 tấn/năm. Ông Hoàng Văn Yên, ở khối 7- là chủ 2 cơ sở chế biến cho biết: Nghề làm tôm nõn đã có từ hàng chục năm nay, gắn liền với cuộc sống đi biển của nhiều gia đình. Muốn tôm đạt chất lượng phải tuân thủ đúng quy trình, từ khâu chọn nguyên liệu, luộc, bóc vỏ đến sấy khô và đóng gói. Khoảng 10kg tôm tươi mới làm ra được 1kg tôm nõn, hiện giá bán từ 500.000- 600.000 đồng/kg nhưng không đủ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường". Tôm nõn Nghi Thuỷ có uy tín cao trên thị trường, bởi các hộ làm nghề luôn coi trọng chất lượng sản phẩm, không sử dụng hoá chất, đảm bảo được yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ nghề chế biến thuỷ sản, đã giúp người dân nơi đây tăng thu nhập từ 18,6 triệu đồng/người (năm 2009) lên gần 20 triệu đồng/người (năm 2011). Tháng 6/2011 vừa qua, khối 7, phường Nghi Thủy đã được UBND tỉnh công nhận lên làng chế biến và bảo quản hải sản. Nghề chế biến hải sản ở đây trở thành điểm du lịch mua sắm hấp dẫn đối với du khách về nghỉ dưỡng tại Cửa Lò...

Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh hàng năm, nhưng lĩnh vực chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn và bất cập cần được tháo gỡ. Thực tế cho thấy, các cơ sở chế biến của nhân dân hầu hết là làm thủ công truyền thống, sản phẩm còn ở dạng thô, nhỏ lẻ và tự phát, chưa được đầu tư công nghệ để đạt giá trị cao hơn, đáp ứng được các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến không ổn định, bởi nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, tỉnh ta chịu ảnh hưởng rất lớn vào hai mùa gió, là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, tạo ra hai mùa vụ khai thác chính trong năm: vụ cá Bắc và vụ cá Nam, đã ảnh hưởng đến sản lượng khai thác thuỷ sản. Điều này gây nên tính thời vụ cao của nghề chế biến. Việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu cho các sản phẩm; áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, đầu tư cho quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ cũng còn hạn chế...


Ngọc Anh