Người thương binh và lời hứa tri ân đồng đội
(Baonghean) – Thương binh Nguyễn Xuân Vạn đã bước vào tuổi 80. Vết thương chiến tranh lại tái phát thường xuyên, nhưng ông đã hoàn thành chuyến hành trình thứ hai về lại chiến trường xưa trên miền Tây Bắc Tổ quốc để tri ân đồng đội.
Đường lên Tây Bắc ngoằn ngoèo, với những khúc cua “tay áo” chênh vênh bên núi cao và vực thẳm, vậy mà một mình ông, dù đã ở vào cái tuổi ngũ tuần vẫn cả gan vượt những cung đường ấy bằng… xe đạp.
Ông là Nguyễn Xuân Vạn (sinh năm 1930) - Một nông dân nghèo trên quê lúa Văn Thành, (huyện Yên Thành, Nghệ An). 17 tuổi, ông vào trường Thiếu sinh quân và nhập ngũ hai năm sau đó. Năm 1949, Nguyễn Xuân Vạn tham gia quân đội và chiến đấu khắp các chiến trường miền Bắc. Đôi chân của ông đã in dấu từ chiến dịch Hoà Bình, chiến dịch Hà Nam Ninh... Vòng qua thượng Lào, rồi về chiến dịch Điện Biên Phủ... Những năm tháng kháng chiến chống Pháp ác liệt, ông đã cùng các đồng đội của mình vào sinh ra tử, chia nhau từng miếng lương khô, ngủ chung trong một chiến hào, và ông đã đau đớn chứng kiến cảnh đồng đội mình hy sinh…
Mặc dù bị thương tật 71%, nhưng với ông: “Tôi còn may mắn hơn đồng đội rất nhiều, họ đã phải nằm lại nơi đại ngàn lạnh giá,…”. Ông bị thương ở đầu, phổi, tay, chân. Cánh tay phải của ông bị thương nặng, không thể vận động được. Sau ngày phục viên về quê, ông vẫn phải buôn bán ngược xuôi để nuôi gia đình chỉ với một cánh tay khoẻ mạnh.
Hơn 25 năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, ông luôn trăn trở, nhớ thương những đồng đội của mình đang nằm lại ở các chiến trường. Những kỷ niệm lại ùa về trong ký ức, và lời hứa với đồng đội năm xưa đã thôi thúc ông lên đường...
Một chiếc xe đạp cũ, vài bộ đồ quân phục đã sờn, một chiếc võng dù, và những đồng tiền ít ỏi tích góp được là hành trang để ông lên đường tri ân với đồng đội.
Ngày ông xuất hành, bà Nguyễn Thị Hợi - Vợ ông, không khỏi trăn trở: “Đường lên Tây Bắc xa xôi, nguy hiểm, xe đạp làm sao mà đi được, cánh tay phải của ông lại không thể điều khiển được xe, chỉ đi bằng một tay, tôi thật không yên tâm, nhưng chẳng thể ngăn cản ông, vì đó là việc làm ý nghĩa, là tâm nguyện phần đời còn lại của ông...”.
Năm 1980, chuyến hành trình đầu tiên bằng xe đạp về lại chiến trường xưa của thương binh Nguyễn Xuân Vạn kết thúc trong 75 ngày đêm, với trên 2 ngàn km, đi qua 16 tỉnh, thành phố ở phía bắc Tổ quốc. Đó là những nơi có đồng đội của ông đang nằm lại. Nhớ lại những ngày tháng rong ruổi khắp các chiến trường, ông chia sẻ: “Tiền bạc chẳng được bao nhiều, chỉ đi mấy ngày đường là hết. Có những đêm không kịp đến xóm làng xin ngủ trọ, đành phải mắc võng ngủ giữa rừng, rồi đẩy xe đạp vượt đèo dốc với cái bụng rỗng không. Thời tiết khắc nghiệt, thất thường, vất vả, nguy hiểm, có khi tưởng như kiệt sức. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi đến đích cuối cùng. Có lẽ đồng đội linh thiêng đã phù hộ cho tôi vượt qua tất cả...”.
Ngồi nghe ông kể về chuyến đi, người nghe phải nhiều phen giật thót dù biết rằng đó là câu chuyện đã qua. Khi được hỏi, tại sao lại chọn phương tiện xe đạp cho chuyến hành trình? Ông cho biết: “Vì vết thương chiến tranh ở đầu khá nặng nên tôi không thể đi xe máy được. Nhà tôi cũng nghèo, không có xe máy thì đành phải đi xe đạp thôi.... Đã có lúc chiếc xe đạp bị hỏng dọc đường, rồi đứt dây phanh khi tôi đang xuống dốc. Lúc đó tôi cố lao vào những lùm cây bên đường để dừng xe. Bị ngã dập cả tay chân nhưng tất cả đều không làm tôi nản chí…”.
Đầu năm 2008, lão nông Nguyễn Xuân Vạn đã sắp bước vào tuổi 80. Vết thương chiến tranh lại tái phát thường xuyên khiến ông phải vào tận trong hang núi để tránh nắng, nhưng ông vẫn trăn trở vì chuyến thứ nhất ông chưa đến hết được với đồng đội, lời hứa tri ân chưa trọn vẹn… Vậy là chuyến hành trình thứ hai về lại chiến trường xưa của ông nhanh chóng được lên kế hoạch thực hiện.
Vẫn là những địa danh quen thuộc, vẫn là đôi dép cao su và bộ quân phục cũ, nhưng lần này, vì tuổi đã cao, các con ông không yên tâm về sức khỏe của ông nên đã sắm cho ông chiếc xe gắn máy để ông thực hiện lời hứa tri ân với đồng đội của mình. Chuyến hành trình này mặc dù đã giảm bớt được thời gian, giảm bớt những khó khăn, ông chỉ mất một tháng để hoàn thành nhưng đi xe máy bằng một tay để qua được những cung đường miền Tây Bắc là một kỳ tích với một người đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm.
Trong câu chuyện dài về những tháng ngày không thể nào quên nơi chiến trường ác liệt, ông nhớ như in từng trận đánh, từng trường hợp mà đồng đội mình đã hy sinh và không ngừng nhắc tên của họ. “Trước mỗi giờ khắc vào trận đánh, anh em đồng đội lại hạ quyết tâm đánh giặc nhưng chúng tôi đã hứa với nhau rằng sau ngày chiến thắng, nếu ai còn sống thì hãy trở lại chiến trường xưa để thăm những người đã ngã xuống”. Trên khuôn mặt đầy những dấu tích khắc khổ của bom đạn và thời gian của ông vẫn hiện lên một nỗi buồn sâu kín: “Xem như tôi đã làm tròn trách nhiệm của người đang sống, đã thực hiện được lời hứa với đồng đội của mình trước lúc hy sinh, nhưng tôi vẫn trăn trở một điều là chưa một lần nào có điều kiện để đến thăm gia đình các anh. Hy vọng, nếu còn sức khỏe, tôi sẽ lại tiếp tục lên thăm và được chuyện trò cùng các anh...”
Trong dịp kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sỹ vừa qua, ông đã lên kế hoạch tiếp tục cho cuộc hành trình lần thứ ba của mình: “Đó là nguyện vọng cuối đời của tôi”. Tiếc rằng sức khỏe không cho phép nên chuyến đi đã không được thực hiện.
Chia tay người thương binh Nguyễn Xuân Vạn trong ráng chiều chập choạng, với chúng tôi, câu chuyện về những chuyến đi của ông thật sự là một kỳ tích…
Biện Luân