Day dứt vùng "4 Yên"

21/11/2011 17:02

(Baonghean.vn) Chuyện những "đội quân vàng tặc" ngày đêm "đại náo" vùng đất "4 Yên" (Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa và Yên Thắng) của huyện Tương Dương đã có rất nhiều bài báo phản ánh. Điều chúng tôi muốn đặt ra ở đây là: Sau bao năm đào đi xới lại, vùng đất này đã thực sự tan hoang, các khe, suối đã bị lật tung, những sườn đồi và ngọn núi đã bị san lấp, cuộc sống của người dân mai đây sẽ như thế nào?


"Cơn lốc vàng"
ở "4 Yên"


Khi đặt tên cho 4 xã đều bắt đầu bằng chữ "Yên", không biết người xưa có gửi gắm niền hy vọng về một sự bình yên cho bao thế hệ người dân cư trú trên vùng đất này hay không. Nhưng, có một điều ai cũng phải thừa nhận là trong vòng 5-7 năm gần đây, cuộc sống vùng "4 Yên" không có được một ngày bình yên đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Như lời của ông Mộng Văn Hoàn, bản Xiềng Líp, (xã Yên Hòa): "Bình yên sao được khi có tới hàng chục chiếc máy khai thác vàng ngày đêm nổ đinh tai, nhức óc. Bình yên sao được khi khe suối bị băm nát và nhuộm một màu đỏ quạch. Và không thể bình yên khi bao hiểm họa đang rập rình...". Quả vậy, những sông, suối lớn nhỏ nơi đây như sông Huổi Nguyên, khe Chà Hạ, khe Líp, khe Chon... giờ đây đều đã chung một màu ngầu đục bởi tình trạng khai thác vàng sa khoáng ở mức "đại quy mô". Thêm vào đó là các loại máy móc thường xuyên thải dầu xuống dòng nước, chất thủy ngân dùng để xử lý quặng vàng cũng được thải ra các khe suối làm cho mức độ ô nhiễm nguồn nước càng trở nên nghiêm trọng.



"Vòng xoáy vàng" đã cuốn không ít người dân vùng "4 Yên"


Ông Vi Văn Tùng, bản Pa Tý (xã Yên Tĩnh), cho biết: "Thời gian đầu, trâu bò trong bản có hiện tượng trướng bụng rồi chết mà không ai biết rõ nguyên nhân. Sau đó tìm hiểu thì mới hay là do chúng xuống uống nước ở khe Chà Hạ, nơi có dòng nước đục quánh và nổi đầy váng dầu". Khe suối bị đào xới tan hoang gây ô nhiễm nặng, ở nhiều nơi hệ thống đường ống dẫn nước tự chảy bị "vàng tặc" phá hoại là nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các bản làng vùng "4 Yên".

Và một điều mà không ai có thể ngờ tới là nằm giữa hệ thống sông suối chằng chịt nhưng người dân nơi đây phải chắt chiu từng can nước sạch. Những con sông, con suối ấy một thời là nơi tắm rửa, giặt giũ của người dân các bản làng, là nơi để các thiếu nữ Thái chiều chiều soi mình làm duyên nhưng giờ đây đã trở thành... dĩ vãng.


"Vòng xoáy vàng" ở vùng "4 Yên" đã kéo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tứ xứ về đây tham gia khoét lòng núi, moi ruột suối khe. Người dân bản địa thấy vậy cũng chung tiền mua sắm máy nổ và "vòi rồng" để tranh giành với bọn "vàng tặc". Nhưng, những vật dụng của người dân không thể so bì được với những phương tiện khai thác của "đội quân chuyên nghiệp" như tàu cuốc, xà lan, máy múc, máy ủi...

Đó là chưa kể một số người dân trở thành những kẻ làm thuê cho "vàng tặc". Cũng từ đó xuất hiện những "đội quân mót vàng". Họ là những người dân nghèo, suốt ngày dầm mình dọc các con khe, con suối, nơi các loại máy móc vừa khai thác để đãi vàng bằng phương pháp thủ công. Mải mê cuốn theo "cơn lốc vàng", không ít người nông dân vùng "4 Yên" đã bỏ quên nương rẫy và công việc làm ăn hàng ngày.

Để rồi, không ít người sa vào các loại tệ nạn xã hội như ma túy, rượu chè, cờ bạc, mại dâm... Tệ hại hơn, không ít người cha, người mẹ đã buộc con em mình phải nghỉ học và "đẩy" ra các bãi vàng để mưu sinh. Hàng ngày, phải tiếp xúc với môi trường sống và môi trường giao tiếp ô nhiễm, không biết rồi thể chất, tinh thần và nhân cách của những đứa trẻ này sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?


Rập rình hiểm họa


Khoảng 5 năm về trước, đi qua các xã Yên Na và Yên Hòa, dễ dàng bắt gặp những thửa ruộng mướt xanh nằm dọc đôi bờ khe Chà Hạ. Không biết có được gọi là "bờ xôi, ruộng mật" như ở dưới xuôi hay không, nhưng một điều chắc chắn những thửa ruộng này là nguồn thu nhập đáng kể, giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống.

Vậy mà giờ đây, những thửa ruộng mướt xanh và chắc bông, trĩu hạt được thay thế bằng những bãi sỏi khổng lồ, ngổn ngang và hết sức bề bộn. Bởi tàu cuốc, máy múc, máy ủi đã lật tung những thửa ruộng, làm biến đổi dòng chảy các khe suối, người nông dân bỗng chốc thành "tay trắng".

Trao đổi với chúng tôi, cụ Lương Văn Tuyền, bản Bón (xã Yên Na) không dấu được bức xúc: "Không biết vàng đã vào tay ai, ai được hưởng lợi trong việc khai thác vàng, còn dân bản phải nhận về sự mất mát. Mất mát lớn nhất là số ruộng đất màu mỡ đã bị xới tung, chỉ còn lại đá là đá. Không biết rồi đây chúng tôi sẽ cày cuốc ở đâu, làm ăn như thế nào khi ruộng đất và khe suối đã tan hoang, khi những sườn đồi đã bị băm nát?". Phải chăng, bằng kinh nghiệm sống của một người sắp sửa bước vào tuổi 80, cụ Tuyền đã nhìn thấy được nguy cơ thiếu thốn và đói nghèo của cuộc sống bản làng sau trận "đại náo" của bọn "vàng tặc"?


Rõ ràng, việc khai thác vàng sa khoáng theo kiểu mạnh ai nấy chạy, thiếu tính quy hoạch, thậm chí là bất chấp những quy định của pháp luật chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy lâu dài đối với đời sống nhân dân. Và những tai họa lớn đang treo lơ lửng ở vùng "4 Yên" chính là nguy cơ sạt lở và lũ quét. Nhiều gia đình cư trú dọc các khe suối đã bị các loại máy xúc, máy ủi khai thác vàng tiến sát đến tận móng nhà, đe dọa sự an toàn của cả ngôi nhà mỗi khi trời mưa to, nước dâng cao.

Việc bạt núi, xới tung các sông suối làm biến đổi dòng chảy và sạt lở đất chính là "điều kiện lý tưởng" để hình thành và phát sinh các trận lũ quét. Thực tế đã cho thấy, thời gian gần đây, tần số xuất hiện các trận lũ quét ngày càng cao với cường độ ngày một lớn, và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là trận lũ quét diễn ra hồi cuối tháng 5/2009 khiến 5 người dân xã Yên Tĩnh bị thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị sập hoặc cuốn trôi, hàng trăm ha lúa và hoa màu bị nước nhấn chìm, gia súc, gia cầm bị trôi theo nước lũ...

Và mới đây nhất, trận lũ quét vào thời điểm cuối tháng 6/2011 đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân vùng đất "4 Yên". Nói tới đây, chúng tôi lại nhớ lời của cụ Tuyền ở bản Bón: "Không chỉ mất hết ruộng đất để sản xuất, người dân nơi đây sẽ còn phải hứng chịu cả những trận lũ quét kinh hoàng nữa. Sự "nổi giận" của núi rừng và sông suối là hết sức ghê gớm, không lường trước được điều gì".

Rời "4 Yên", chúng tôi mang theo những day dứt và bất yên về cuộc sống của người dân nơi vùng đất đang bị cày nát bởi nạn khai thác vàng sa khoáng. Thiết nghĩ, tài nguyên khoáng sản là của quốc gia nên cần được quản lý, khai thác hợp lý để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.


Công Kiên