Con Cuông: Dân tự ý lập đường, cầu thu phí người tham gia giao thông

09/11/2011 16:45

Cơn bão tháng 9 vừa qua, trên địa bàn huyện Con Cuông có nhiều xã bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân. Lợi dụng khó khăn về giao thông, một số nơi trên địa bàn huyện như xã Thạch Ngàn, xã Cam Lâm, người dân tự ý lập cầu, đường rồi ngang nhiên thu phí với giá cao ngất ngưỡng.

(Baonghean) - Cơn bão tháng 9 vừa qua, trên địa bàn huyện Con Cuông có nhiều xã bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân. Lợi dụng khó khăn về giao thông, một số nơi trên địa bàn huyện như xã Thạch Ngàn, xã Cam Lâm, người dân tự ý lập cầu, đường rồi ngang nhiên thu phí với giá cao ngất ngưỡng.

Trên đường vào xã Thạch Ngàn công tác, khi đi qua chiếc cầu tre tạm bắc qua con suối nối hai bản Kẻ Trai mới và Kẻ Trai cũ, chúng tôi bị một người đàn bà dựng lều ngay bên cạnh cầu chặn lại xin 3.000 đồng tiền phí qua cầu. Ngạc nhiên tôi hỏi là tại sao lại thu phí thì người đàn bà trả lời: “Đây là cầu tôi tự làm nên ai đi qua thì phải trả tiền, xe máy 3.000 đồng/ lượt, xe đạp 1.000/ lượt”.

Một người dân địa phương ở đây cho biết, trước đây con suối này có một cái tràn để đi qua, nhưng đợt vừa rồi đã bị lũ cuốn trôi mất, cái khe đó bị đất đá vùi lấp và hình thành con suối này. Giao thông hai bản Kẻ Trai cũ và Kẻ Trai mới bị chia cắt bởi con suối này sau khi lũ đi qua. Thấy vậy một người dân đã tự ý lập cầu rồi thu phí người đi đường.

Sau khi xong việc ở xã Thạch Ngàn, chúng tôi đi ra thị trấn Con Cuông theo đường ra cầu Cây Chanh. Đến một đoạn đường nhão nhoét rất khó đi, thấy phía bên đường có một lối đi được ghép bằng ván tương đối dễ đi nên chúng tôi rẽ lên lối đó. Khi vừa đi qua đoạn đường có ghép ván thì chúng tôi lại bị một người phụ nữ trung tuổi chặn đầu xe nói là cho xin 3.000 đồng tiền phí qua đường. Thì ra đoạn đường được ghép ván chừng hơn chục mét đó là do người dân này tự làm rồi đứng ra thu phí. Khi tôi thắc mắc thì người phụ nữ này trả lời rằng: “Chú đi qua đường tôi làm thì phải nộp phí chứ, nếu không muốn nộp phí thì chú đi vào chỗ đoạn đường nhão nhoét ấy, đừng đi lên đường tôi làm là được”. Tôi đành ngậm ngùi rút 3.000 đồng ra đưa cho chị ta. Cũng tương tự như lần trước, ở đây xe máy cũng 3.000 đồng/ lượt và 1.000 đồng/ lượt đối với xe đạp.

Đây là con đường chính cũng là đường dễ đi nhất vào xã Thạch Ngàn nên lương xe cộ lưu thông qua đây khá nhiều, tôi nhẩm tính một ngày người đàn bà này có thể thu nhập lên đến hàng trăm ngàn đồng từ thu phí “giao thông” này.




Với hơn 10 mét đường lát ván sơ sài, người phụ nữ này “xin” người đi qua đây 3.000 đồng/ lượt với xe máy.



Chỉ một con suối rộng chưa đầy 10 mét, hai thanh niên Mậu và Đậu “chém ngọt” của người đi đường 10.000 đồng/ lượt.



Nhiều người dân có việc cần đi ra ngoài nhưng không có tiền đành liều mình lội sông, bất chấp dòng nước chảy xiết rất nguy hiểm.
(Ảnh chụp ngày 6/11/2011)

Chưa hết, khi chúng tôi đi công tác vào bản Bạch Sơn, xã Cam Lâm, đầu đường vào bản có khe Xì Vàng chảy qua. Trước đây người dân thường lội qua khe này để đi ra ngoài. Thế nhưng, do đợt bão lũ trong tháng 9 vừa rồi khe này bị lũ bào mòn, nước từ trong khe chảy ra mạnh nên người dân không thể lội qua được nữa. Lợi dụng cơ hội, hai thanh niên là Lương Văn Mậu và Lang Vi Đậu ở bản cạnh bên làm một chiếc bè bằng cây tre chuyên đưa người và phương tiện qua khe. Thật bất ngờ là mỗi lần qua như vậy, hai thanh niên này "chém ngọt" đến 10.000 đồng/ lượt đối với xe máy.

Ông Can Văn Thường - Trưởng bản Bạch Sơn cho chúng tôi hay: “Mấy hôm trước họ lấy 15.000 đồng/ lượt, dân bản thấy vậy kêu lên chính quyền xã nên chúng mới hạ xuống 10.000 đồng. Dân bản chúng tôi làm nghề nương rẫy nên cứ mỗi lần có việc đi ra ngoài là thấy xót lắm. Có người vì không có tiền nên liều mình đẩy xe lội qua khe, trong khi dòng chảy rất mạnh nên vô cùng nguy hiểm. Từ hôm bị thu phí qua khe đến giờ, người trong bản chỉ những trường hợp có việc cần lắm mới đi chứ không ai ra khỏi bản cả”.

Theo quan sát của chúng tôi, cái khe này rộng chỉ khoảng chưa đầy 10 mét, chỉ với một tấm bè, con ròng rọc và sợi dây căng ngang được buộc ở hai bên khe mà hai thanh niên này lấy đến 10. 000 đồng/ lượt, thì quả là “cắt cổ” người dân khi đi qua đoạn này.

Vì đi vào ngày chủ nhật nên chúng tôi không làm việc được với chính quyền xã Cam Lâm. Thế nhưng khi trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Trụ - Chủ tịch UBND xã không chịu trả lời câu hỏi của chúng tôi là: Chính quyền xã đã có biện pháp gì để giải quyết tình trạng đó chưa? Ông Trụ chỉ nói vấn đề đó giờ rất khó rồi không trả lời gì thêm nữa.!? Phải chăng vị chủ tịch xã này cũng đồng tình với việc thu phí của hai thanh niên kia ?.

Đề nghị chính quyền địa phương hai xã Thạch Ngàn và Cam Lâm cũng như huyện Con Cuông cần có biện pháp can thiệp kịp thời để ngăn chặn tình trạng nói trên.


Phạm Hòa