Kỳ 1: Những chính sách tốt đẹp

28/09/2011 16:20

Chất độc da cam đã gây nên biết bao thảm cảnh trong hàng triệu gia đình Việt Nam. Để phần nào làm dịu nỗi đau và cải thiện đời sống cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương hỗ trợ đối với các đối tượng này, nhưng khi triển khai thực hiện, các thủ tục lại khá phiền hà, từ đó đã sinh ra lỗ hổng trong hệ thống chính sách và kéo theo không ít tiêu cực...

(Baonghean.vn) Chất độc da cam đã gây nên biết bao thảm cảnh trong hàng triệu gia đình Việt Nam. Để phần nào làm dịu nỗi đau và cải thiện đời sống cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương hỗ trợ đối với các đối tượng này, nhưng khi triển khai thực hiện, các thủ tục lại khá phiền hà, từ đó đã sinh ra lỗ hổng trong hệ thống chính sách và kéo theo không ít tiêu cực...


Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 4,8 triệu người (Nghệ An có 40.000 người) bị phơi nhiễm chất độc da cam. Các nạn nhân chất độc da cam thường mắc nhiều loại bệnh tật mãn tính khác nhau, phải điều trị dài hạn nên sức khỏe yếu, tuổi thọ giảm. Họ bị hạn chế trong sinh hoạt, lao động, học tập, khó có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục... Bệnh tật liên miên khiến các nạn nhân khó tìm kiếm việc làm, thu nhập thấp, lâm vào tình trạng đói nghèo triền miên. Chính vì vậy nạn nhân chất độc da cam được xem là người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Hội nạn nhân CĐDC Điôxin tỉnh Nghệ An cùng đoàn Hành trình da cam của Mỹ thăm, tặng quà các nạn nhân ở Hưng Tây, Hưng Nguyên.


Để góp phần xoa dịu nỗi đau, tạo điều kiện cải thiện đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ cho đối tượng là nạn nhân chất độc da cam. Tháng 4/1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg về điều tra, xác định nạn nhân bị hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; tháng 2/2000, có Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Ngày 29/6/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (số 26/2005/PL- UBTVQH11) và Chính phủ đã có Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người có công với cách mạng. Ngày 20/2/2008, Bộ Y tế có Quyết định 09 quy định 17 loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam...


Đáng chú ý, sau khi thực hiện Nghị định 54, Bộ LĐ-TB & XH đã cắt giảm 11.447 trường hợp ra khỏi danh sách hưởng chế độ, chỉ vì tiêu chí công nhận. Pháp lệnh này qui định có ba tiêu chí: Suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật và vô sinh thì Bộ đã gộp hai điều kiện đầu làm một (suy giảm sức khỏe lao động và sinh con dị dạng, dị tật là một điều kiện; vô sinh là điều kiện thứ hai), từ đó cắt giảm hơn 11.000 trường hợp nói trên (vì họ không sinh con dị dạng, dị tật).


Từ những chính sách đó, hiện nay cả nước có khoảng 600.000 người là nạn nhân chất độc da cam thuộc đối tượng người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ trong diện xét hưởng chính sách. Nghệ An có 17.900 đối tượng được giám định, công nhận là nạn nhân chất độc da cam và được hưởng chế độ hỗ trợ, (trong đó có 11.765 đối tượng hưởng theo QĐ số 26 và 6.019 đối tượng huởng theo Nghị định số 54/NĐ-CP).


Số còn lại khoảng 23.000 đối tượng, người thì đang được xem xét tiếp, người thì không đủ thủ tục giấy tờ... Sở dĩ số đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước còn ít so với thực tế là do những khó khăn và bất cập trong công tác giải quyết chế độ mà chính các nạn nhân và các cấp, ngành đang gặp phải, nhất là việc triển khai thực hiện các thủ tục giấy tờ rất phức tạp.


Những người làm thủ tục trước hết phải có một trong những giấy tờ sau: giấy chứng nhận đi chiến trường, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hoặc giấy tờ gốc chứng tỏ đã ở chiến trường. Ngoài ra còn phải có và kê khai 6 loại giấy khác gồm: tờ khai bản thân, biên bản họp xóm có đủ 5 chữ ký (xóm trưởng, chi hội cựu chiến binh, phụ nữ, bí thư chi đoàn, bí thư chi bộ), giấy ra viện, bản trích sao bệnh án... và mỗi người phải làm 4 bộ, rất rườm rà và tốn kém.


Ngày 16/12/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 8576/UBND-VX về việc chỉ đạo thực hiện chế độ chính sách cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, nhằm thống nhất việc thực hiện, bảo đảm sự chính xác, khách quan. Công văn chỉ đạo nêu rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành như LĐ-TB&XH, Y tế, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh, Hội Cựu chiến binh trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện hướng dẫn các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam lập hồ sơ xét duyệt.

Tiếp đó, ngày 14/4/2011, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1197/ QĐ-UBND và kèm theo Kế hoạch về vệc tiếp tục thực hiện chính sách đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Theo đó, việc tiến hành xét duyệt và thực hiện chế độ, chính sách phải công bằng và chính xác trước ngày 31/12/2012.


Ngày 23/5/2011, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 1609 hướng dẫn xử lý vướng mắc khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ người bị nhiễm chất độc da cam, quy định trước mắt chỉ giải quyết đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư và trường hợp có bệnh án trước ngày ban hành Thông tư số 08/2009 (ngày 7/4/2009) của Bộ LĐ-TB&XH; chỉ tiếp nhận hồ sơ và giới thiệu tới Hội đồng giám định Y khoa giám định những bệnh, tật nằm trong danh mục của Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT...


Mặc dù mỗi lần bổ sung các điều kiện các cơ quan chức năng đều tập huấn, phổ biến nhưng mới chỉ dừng lại ở một số cán bộ thực thi, còn những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thì đa số không hay biết gì về những thay đổi đó. Mặt khác, nhiều người không lưu giữ được giấy tờ liên quan nên ảnh hưởng tới việc làm hồ sơ xét duyệt. Một số người muốn nhờ cậy người quen biết để giải quyết cho được việc nhưng đây cũng là kẻ hở gây ra tiêu cực.


Chúng tôi đã tiếp cận người đang làm thủ tục, người bị trả hồ sơ, kể cả những người chịu trách nhiệm xét duyệt hồ sơ ở nhiều cấp, nhiều địa phương trong tỉnh, nhận thấy việc làm hồ sơ hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam còn tiềm ẩn nhiều tiêu cực. Hầu như các xã, huyện đều có một đội ngũ môi giới làm hồ sơ cho người bệnh, thường gọi là "cò da cam". Đội ngũ "cò" này thu tiền theo nhiều mức để chạy hồ sơ qua các cấp. Có trường hợp hồ sơ được duyệt, nhưng nhiều người khác mất tiền oan. Ngoài ra, còn không ít đối tượng không nằm trong vùng được tính là nạn nhân chất độc da cam nhưng cũng bỏ tiền ra chạy để hưởng chế độ. Bên cạnh đó, cũng có cán bộ xã, huyện tham gia vào các đường dây môi giới này, trực tiếp tiếp tay cho "cò", làm ảnh hưởng đến một chủ trương, chính sách nhân đạo lớn của Đảng và Nhà nước.


Nhóm PV