Chỉ số CPI tháng 11 tiếp tục tăng
CPI của TP HCM tăng 0,28% và Hà Nội là 0,29% so với tháng 10.
Thông tin từ Cục Thống kê TP HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tháng 11 tăng 0,28% so với tháng trước; nâng CPI từ đầu năm đến nay lên 15,02%.
Tác nhân lớn nhất khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại, sau khi xuống mức thấp nhất trong tháng 10 là giá các mặt hàng lương thực tăng đột biến 4,56%, khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống được đẩy lên khá cao 0,81%. Trong đó, mặt hàng gạo tăng giá mạnh nhất 5,72%.
Mặt hàng thực phẩm vốn là nhân tố ảnh hưởng tới nhất tới giá cả tiêu dùng chung thì lại có mức giảm nhẹ 0,07%, trong đó mặt hàng thịt lợn giảm 3,15%.
Ngoài ra, 7 nhóm hàng khác cũng có mức tăng nhẹ hoặc xấp xỉ tháng 10. Riêng 3 nhóm hàng có mức giá giảm so với tháng trước là nhà ở, điện nước và chất đốt giảm 0,36%, bưu chính viễn thông giảm 0,21% và văn hóa vui chơi giải trí giảm 0,5%.
(Ảnh: KT)
Nếu so với cùng kỳ năm 2010 thì chỉ số giá tiêu dùng tại TP HCM đã tăng 16,88%, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm giao thông có mức tăng cao nhất lần lượt là 24,7% và 20,96%.
Cũng theo Cục Thống kê TP HCM, từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 15,02%, trong đó giá lương thực tăng 18,14%, giá thực phẩm tăng 20,15%./.
** Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết: CPI tháng 11 tại Hà Nội tăng nhẹ ở mức 0,29% so với tháng 10, tăng 18,49% so cùng kỳ năm 2010 và so với tháng 12/2010, CPI tăng 16,36%.
Với mức tăng trên, CPI của Hà Nội đã chính thức rời khỏi mức tăng 20% so với cùng kỳ, bởi tính từ tháng 6 - 10/2011, Hà Nội đều có CPI tăng trên 20%.
Trong tháng 11, ngoại trừ 2 nhóm hàng là giao thông và bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm so với tháng trước, với mức giảm là 0,23% và 0,02%, thì 9/11 nhóm hàng còn lại đều có mức tăng nhẹ.
Trong đó, có 4 nhóm hàng tăng trên mức tăng chung so tháng trước, gồm thiết bị và đồ dùng gia đình - với mức tăng cao nhất 0,88%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,75%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,74%; giáo dục tăng 0,44%.
Những nhóm hàng còn lại như đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thuốc và dịch vụ y tế... đều có mức tăng nhẹ, từ 0,8% đến 0,25% so tháng trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, CPI tháng này của Hà Nội vẫn chịu tác động lớn nhất từ xu hướng giá tăng ở mặt hàng lương thực, khi chỉ số giá của lương thực tăng tới 2,92%. Nguyên nhân giá lương thực tăng được xác định một phần do giá gạo trên thị trường tăng 500 - 1.000 đồng/kg./.
(Theo VOV)