Nuôi gà an toàn sinh học cho thu nhập cao

30/11/2011 16:50

(Baonghean) - Sau 2 năm triển khai, chương trình nuôi gà an toàn sinh học (ATSH) trên địa bàn TP Vinh đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo.

Tháng 4/2010, Hội nông dân TP Vinh triển khai chương trình nuôi gà an toàn sinh học trên địa bàn 9 xã thuộc vùng ngoại thành, đã có 179 hộ tham gia. UBND TP. Vinh hỗ trợ 16.280 con giống, hơn 80 tấn thức ăn (gần 1 tỷ đồng) theo cơ chế hỗ trợ 50%, trung bình mỗi hộ 7 triệu đồng. Kết thúc năm đầu tiên, 116/179 hộ nông dân đã nâng cao thu nhập, cơ bản thoát nghèo. Sang năm 2011, số hộ tham gia đã lên đến 237 hộ, mở rộng địa bàn lên 10 phường xã. UBND TP. Vinh tiếp tục hỗ trợ người dân theo cơ chế 30% với kinh phí gần 900 triệu đồng.

Nhiều nông dân thoát nghèo nhờ nuôi gà theo hướng ATSH.

Ông Nguyễn Văn Duyệt - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghi Kim cho biết: 21 hộ tham gia chương trình đến nay đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Như chị Nguyễn Thị Vân (xóm 1), có 2 con nhỏ, chồng mất, năm 2010 chị nhận nuôi 123 con gà của chương trình, đàn gà lớn rất nhanh và không bị dịch bệnh gì cả. Sau hơn 3 tháng, thu nhập được gần 20 triệu đồng.

Ông Phan Huy Hưng - Chủ tịch Hội nông dân TP. Vinh cho biết: Kỹ thuật chăn nuôi gà ATSH không khó, gà nuôi với mật độ 5 con/m2, có chuồng kín, có hàng rào ngăn vật nuôi khác xâm nhập vào. Định kỳ 10 - 15 ngày phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, đặc biệt vào các thời điểm trước khi đưa gà vào nuôi, khi chuyển đàn và khi có dịch bệnh, thu gom chất độn chuồng đem ủ hoặc đốt để tiêu diệt mầm bệnh. Gà từ 5 - 60 ngày tuổi phải được tiêm vacxin phòng bệnh đủ 7 liều/con. Cần bổ sung các loại vitamin trong thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho gà những khi thời tiết thay đổi. Sau 3 tháng, trọng lượng đạt từ 2 - 2,2 kg/con. Với giá thị trường hiện nay 80 - 85.000 đồng/kg, nuôi 100 con ước tính thu từ 15 - 20 triệu đồng, lãi 10 - 12 triệu đồng.

Cán bộ hướng dân nông dân cách chăm sóc gà.

Chương trình nuôi gà ATSH đã đem đến cho bà con nông dân cách làm mới nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong thời điểm dịch bệnh gia cầm diễn biến phức tạp như hiện nay. Đây là một chương trình vừa có tính nhân sinh, vừa có tính kinh tế cao. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để nhân rộng và phát triển trong thời gian tới.


Phạm Bằng