Bài 7: Thung lũng ánh sáng - thủ phủ Vàng Pao

08/12/2011 18:48

(Baonghean) - Long Cheng là một bản của huyện Xay Xổm Bun, tỉnh Viêng Chăn (Lào). Trước năm 1975, nơi đây là thủ phủ của lực lượng phỉ Vàng Pao. Sau giải phóng, vùng đất này không có người dân ở, chỉ có tàn quân phỉ hoạt động thường xuyên. Cuối những năm 1990, Đặc khu an ninh Xay Xổm Bun được thành lập và tách ra khỏi Xiêng Khoảng nhập về Viêng Chăn, quân đội Lào tập trung ổn định đặc khu này và đến nay tình hình Long Cheng và Xay Xổm Bun tương đối ổn định. Việc thực hiện nhiệm vụ quy tập trên địa bàn này hiện vẫn rất khó khăn, nguy hiểm bởi tàn quân phỉ vẫn thường chống phá...

Chiếc xe chở chúng tôi đi vào bản Long Cheng (theo tiếng Lào nghĩa là thung lũng ánh sáng, nguyên thủ phủ của lực lượng phỉ Vàng Pao), huyện Xay Xổm Bun sáng ấy không thể gọi là xe khách đúng nghĩa. Bởi đơn giản đây là một chiếc xe tải được chế thêm phần mái và phần thùng, đặt thêm vài hàng ghế xộc xệch thế là thành xe ca. Thiếu tá Thao Mi, Tỉnh đội Viêng Chăn - giúp đỡ đoàn ở Long Cheng lên xe cùng chúng tôi ở bến xe chợ Nặm Ngấm, đã từng có 6 năm học ở Việt Nam, cười ngượng ngịu: Chỉ có loại xe này mới chở nổi người và hàng hóa từ Thị xã Phôn Sa Vẳn đến Thị trấn Khẹt, huyện Xay Xổm Bun bởi đường khó đi lắm. Còn hệ thống mái bọc thép nhằm để hàng lên và cũng tránh "tên bay, đạn lạc"... Cả tuyến chỉ duy nhất chiếc xe này hoạt động, một tuần 2 ngày vào, 2 ngày ra.

Khoảng cách từ Phôn Sa Vẳn vào đến bản Long Cheng gần 100 km, là con đường đất đầy ổ voi, thi thoảng mới có đoạn vừa đủ cho 2 xe ô tô tránh được nhau. Đường xuyên qua giữa rừng giữa núi, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Dăm bảy khách ngồi trên xe không giây nào là thôi nhún nhảy, lắc lư, chốc chốc lại có người ré lên vì đầu nhổm lên đụng mái, người đau vì va với thành xe. Khi xe phanh lại bụi đất từ lòng đường bốc lên mù mịt, hai đứa bé say xe không kịp lấy tay bịt mũi lại ho sặc sụa... Anh Thao Mi cho biết: Về quốc phòng an ninh con đường này cực kỳ quan trọng nhưng không có giá trị kinh tế nên chưa được ưu tiên đầu tư, hư hỏng đâu thì lại sửa chữa chắp vá. Ngày xưa bộ đội tình nguyện Việt Nam và Pa Thẹt Lào hành quân giải phóng Long Cheng, đường vẫn như cũ chỉ đi được mùa khô, mùa mưa trơn lầy, sạt lở không thể nào đi được... Chưa dứt lời chúng tôi đã phải xuống xe gần 1 giờ đồng hồ để nhà xe giải phóng đống đất vừa sạt xuống chặn ngang đường.



Đường vào Long Cheng

Lại nhắc đến chuyện mùa mưa - hình như các cán bộ chiến sỹ Đoàn Quy tập rất ngại nói những công việc diễn ra trong thời gian này. Mon men hỏi mới biết trong mùa mưa thì công việc đào bới tìm kiếm không thể tiến hành, song việc đi nắm thông tin ở cơ sở cũng không kém phần vất vả, nguy hiểm. Xe của 2 chiến sỹ trong đoàn trơn trượt lao xuống vực, 1 chiến sỹ khác bị sét đánh hy sinh trên đường làm nhiệm vụ những năm trước là kỷ niệm đau buồn anh em trong đoàn không muốn nhắc tới... Xe chúng tôi vừa bò qua con dốc phỉ Nậm Tốt Đạt, ngay dưới chân dốc có dòng suối chảy qua, khiến đoạn này thành một bãi sình lầy, xe qua phải đi chậm lại. Chính tại đây, năm 2002, lực lượng tàn quân phỉ Vàng Pao đã đánh mìn xe của Đoàn Quy tập bất thành (có 2 người dân Lào đi trước xe chừng 100m dẫm phải mìn chết) và mới đây là năm 2007, phỉ tiếp tục phục kích, bắn nát xe của Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 584, Bộ Quốc phòng Lào (đóng tại bản Long Cheng), may mắn vợ chồng ông này nhảy ra khỏi xe, kịp lăn xuống vực cạnh bên mới thoát chết.

Từ Nậm Tốt Đạt đến bản Xam Thong (một căn cứ trọng điểm vòng ngoài của Vàng Pao bảo vệ Long Cheng trước đây, (nay 1/2 quân số Đội 1 Đoàn Quy tập cũng đóng tại đây) toàn là đèo dốc cao ngất, nhiều đoạn tất cả hành khách phải xuống để xe nhẹ bớt leo lên. Anh lơ xe cũng nhảy xuống vừa chạy bộ vừa chèn dụng cụ vào lốp sau cho xe khỏi tụt. Thở phì phò, chân rã rời mới lên được đỉnh, mệt, tự hỏi không biết ngày xưa các bác, các anh mình vượt hàng nghìn km đường Trường Sơn như thế nào? - Xe sầm sập lao dốc, bác tài ngoài 50 tuổi vẫn điềm nhiên như không, chỉ cần hơi lạc tay... thế mà không hơn 10 năm chở khách thế này, xe chưa từng xảy ra tai nạn. Anh Thao Mi cho hay: Ông này nguyên là lính Vàng Pao đã ra hàng, thuộc lòng từng cung đường, góc cua. Năm 2006, xe Đoàn Quy tập mình từng mắc lầy đoạn này 2 ngày trời đấy. Vùng này, dân và phỉ lẫn lộn nhau, ngày có thể là dân đêm có thể là phỉ. Tại Xay Xổm Bun, vẫn còn khoảng trên 50 tay súng phỉ đang lẩn trốn trong rừng sâu núi cao và thường xuyên tổ chức các hoạt động chống phá cách mạng Lào: Năm 2006, phỉ phục cướp xe hàng của Công ty COECCO Việt Nam; năm 2007, nổ súng đuổi công nhân Thủy điện Nặm Ngừm 3; năm 2010, trên tuyến đường từ Long Cheng đi Thị trấn Khẹt và hướng Pha Khao, phỉ bắn chết 7 chiến sỹ bộ đội, công an và một người dân Lào. Long Cheng chưa yên, còn nhiều nguy hiểm.

Từ trên mái núi Pù Mộc nhìn xuống, Long Cheng là một thung lũng dài và hẹp ngang, bốn bề vây quanh là núi non chập chùng hiểm trở. Trước năm 1975, khi Vàng Pao còn chiếm giữ, thung lũng này có tới hơn 2 vạn người dân Lào Xủng ở, với hệ thống công sự dày đặc, nhiều trang bị, vũ khí tối tân do Mỹ chu cấp. Cái tên thung lũng ánh sáng đã nói lên tất cả sự xa hoa, ăn chơi trụy lạc của thủ phủ Vàng Pao. Sau giải phóng, Long Cheng trở nên hoang tàn một thời gian dài, người dân theo Vàng Pao tứ tán khắp nơi trên nước Lào, Thái và Mỹ. Mãi đến những năm 1990 trở đi, bắt đầu có người Lào Cang đến ở. Hiện nay, Long Cheng là một bản nghèo có 165 hộ dân với 852 nhân khẩu, mới chỉ có điện lưới 3 năm trở lại đây. Tại địa bàn có Trung đoàn 584 và 2 tiểu đoàn khác thuộc Bộ Quốc phòng Lào đóng quân... Sau gần 10h đồng hồ, chúng tôi đã ở trên vùng đất nguyên thủ phủ của phỉ Vàng Pao. Xe dừng lại đầu bản, trước một trong ba ngôi nhà sót lại của tướng phỉ Vàng Pao nay đoàn quy tập được bản cho mượn ở. Vội vã xuống, xe vội vã đi, xe còn đi thêm 70km nữa mới đến Khẹt, đường dài tung bụi đỏ...

Đón chúng tôi và anh Thao Mi có Trung tá Nguyễn Văn Đồng, Chính trị viên Đoàn Quy tập và Thiếu tá Hồ Nam Thịnh, Đội phó Đội 1, Mũi trưởng Mũi Long Cheng. Thiếu tá Hồ Nam Thịnh đã có mặt ở khu vực Xam Thong - Long Cheng gần 10 năm nay, kể: Đoàn Quy tập bắt đầu vào khu vực này làm công tác tìm kiếm liệt sỹ từ năm 2001. Buổi đầu, vào quy tập ở đây rất khó khăn. Đường từ Phôn Sa Vẳn vào Long Cheng có khi đi ô tô mất 3 ngày trời vì phỉ thường xuyên phục kích; địa bàn núi cao, rừng sâu, sông suối nhiều hết sức hiểm trở; nhiều đợt hạn hán kéo dài, anh em chiến sỹ quy tập đi cả ngày trời không tìm ra suối, phải chặt thân chuối rừng ép lấy nước nấu cơm. Mưa lũ về, chịu đói chịu khát, đã có lúc phía bạn Lào đưa trực thăng vào tiếp tế. Sau 10 năm làm công tác quy tập ở đây, hầu hết các liệt sỹ ở những nghĩa trang lớn cạnh khu vực Sân bay Xam Thong, Long Cheng và trong vòng bán kính 10km đã được đón về nước. Theo hồ sơ khảo sát, hiện vẫn còn khoảng trên 200 liệt sỹ nằm đâu đó trên đỉnh núi, rừng sâu Xay Xổm Bun, dù anh em không ngừng nỗ lực tìm kiếm nhưng chưa thấy.

Để giải phóng Long Cheng, bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa Thẹt Lào đã tiến quân từ nhiều hướng Xiêng Khoảng, Nam Pha, Nặm Ngừm, Xam Thong... Để pháo ta có thể tiến sát Long Cheng thì phải phá hủy hệ thống sân bay, hỏa lực tầm xa của địch và lực lượng đặc công đã nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ này. Phần đa các chiến sỹ đặc công đã hy sinh từ vòng ngoài bởi máy bay địch phát hiện và ném bom, nơi các bác, các anh ngã xuống là đâu đó sau mái núi Pù Mộc cao trên 1.600m này. Hơn 200 mộ lẻ này tuy có sơ đồ mộ chí bàn giao lại nhưng hiện nay việc tìm kiếm vẫn rất khó khăn bởi địa hình thay đổi lớn, dân cư mới nên người biết tin rất ít; người ở lại già yếu nay cũng đã mất đi nhiều. Các chiến sỹ Đội 1 bây giờ chủ yếu phải tìm trên cơ sở kinh nghiệm làm công tác quy tập, căn cứ hướng tấn công, hang trú ẩn của bộ đội ta để tìm. Bên cạnh đó là tích cực làm công tác dân vận để lấy thông tin phần mộ từ lực lượng phỉ ra hàng - Có những người như ông Bo Kham, Xi Vat nguyên là phỉ Vàng Pao đã đưa chiến sỹ đoàn đi tìm rất hiệu quả...

Theo số người dân ít ỏi còn lại thì trước đây khu vực Nặm Ngừm, cách Long Cheng 20km là một chiến trường ác liệt và theo sơ đồ mộ chí thì có khá nhiều liệt sỹ mình vẫn còn nằm lại. Thế nhưng, hàng chục lần cán bộ chiến sỹ đoàn tìm kiếm dài ngày ở đây vẫn không thấy. Vùng này rừng sâu nước độc, đưa lương thực ăn một tuần đã mất 1 ngày vào 1 ngày ra, liệt sỹ mình chưa tìm được nhưng đã thấy dấu vết lán, trại, bếp lửa, áo quần của lực lượng phỉ, rất may chưa có một đụng độ nào. Trong mùa khô năm 2010, toàn Đội 1 khu vực Xam Thong - Long Cheng đã đưa được 41 hài cốt liệt sỹ về quê hương, đầu năm 2011 đã tìm được 14 hài cốt. Bây giờ, khu vực Nặm Ngừm lại chưa thể vào được bởi nước rất to, khả năng sau tết nước mới rút đi.

Chiều muộn rồi, lang thang trên Sân bay Long Cheng, đường băng dài hơn 2km này ngày trước là nơi cất cánh của máy bay T28 ném bom Xiêng Khoảng, đã thấy những em học sinh bình thản rải bước tan học về dưới bóng ngôi chùa cổ. Hoa dã quỳ, bất tử, trạng nguyên cùng màu vàng ruộng ngô lúa rực rỡ giữa thung lũng tội ác xưa này. Theo Thao Mi dưới những cái hào quân sự nay đã được lấp đầy là xác bao nhiêu người dân Lào vô tội đã bị Vàng Pao giết chết khi không còn sức khỏe để phục vụ cho chế độ của y...Bữa cơm tối thêm xôm tụ, khi Trưởng bản Tha Venh sang chơi. "Bố" Thao Venh không những nói tốt tiếng Việt mà còn nói thạo cả tiếng Trung, Nga, Anh và Pháp và rất nhiệt tình giúp đỡ Đoàn Quy tập. Bố cho biết vừa được người dân đi làm rẫy về báo ở phía mái bắc Pù Mộc phát hiện 3 phần mộ chưa rõ gốc tích. Mai Đoàn Quy tập "các con phóng viên" và bố cùng đi...

Mái Pù Mộc như cách nói của bà con Lào là "mắt gần, chân xa"; leo gần một buổi mới đến lưng chừng núi. 3 phần mộ nghi là của bộ đội tình nguyện Việt Nam nằm trong vùng lau sậy rậm rạp, xung quanh lớp lớp hàng hàng bạc trắng, xám hồng những cờ lau. Nhát cuốc bổ tìm, đất cứng hay tay các anh run? - hai ngôi mộ bên phải chỉ là 2 mô đất, phần mộ cuối cùng các chiến sỹ Đội 1 đã tìm được bi đông nước, đế giày vải, nhưng hình hài liệt sỹ chỉ còn nắm đất đen và phần xương không nhiều lắm. Mấy chiến sỹ Đội 1 chắc nịch cho rằng, hai mô đất kia chính là phần mộ giả mà đồng đội đắp lên để đề phòng kẻ thù không để yên cho liệt sỹ đã ngã xuống. Kỷ vật quan trọng nhất của liệt sỹ được tìm thấy đó là miếng nhựa hình trái tim khắc lên bốn chữ "Văn Lập - Bích Liên"... Đêm Long Cheng sương mù về giăng đầy thung lũng, cứ trằn trọc mãi nghĩ suy về phía rừng núi Nặm Ngừm xa - khi thủy điện tích nước, tàn dư phỉ không còn nơi ẩn náu nhưng mộ các bác, các anh lại chìm sâu dưới hàng chục mét nước... Xa xa trên dãy núi Pù Bia (độ cao 2.820m, cao nhất nước Lào) lại vang lên tiếng súng. Ngày mai nơi các anh Đội 4 đi về phía đó, chúng tôi sợ trên núi cao kia những họng súng bạo tàn...


Thành Chung