Kì I: Người dân "án binh bất động"

24/11/2011 10:21

(Baonghean.vn) Gần ngàn hộ dân vẫn kiên quyết "cố thủ" tại các bản thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Hủa Na, mặc dù theo đúng kế hoạch thì chưa đầy 8 tháng nữa, lòng hồ đã phải tích nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhân dân chưa đồng tình với phương án đền bù, kèm theo đó là những băn khoăn về một cuộc sống mới ở các khu tái định cư (TĐC) chưa sáng rõ.


Chưa thống nhất phương án đền bù...


Thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180 MW, được khởi công từ năm 2008 trên địa bàn huyện Quế Phong (Nghệ An) với số vốn đầu tư gần 6.800 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích gần 2.500 ha, trong đó, diện tích đất ngập vùng lòng hồ là 2.042 ha. Khi đưa vào vận hành, Thủy điện Hủa Na sẽ cung cấp sản lượng trung bình khoảng 722 triệu kWh/năm.


Theo kế hoạch, hơn 1.350 hộ dân gồm hơn 5.000 nhân khẩu (chiếm 10% dân số huyện Quế Phong) đang sinh sống tại 14 bản thuộc hai xã Đồng Văn và Thông Thụ sẽ phải di dời khỏi vùng lòng hồ trước tháng 5/2012. Ngoại trừ các hộ ra đi tự nguyện thì đa số các hộ còn lại sẽ được bố trí vào ở tại 16 khu TĐC đã, đang xây dựng trên địa bàn các xã Thông Thụ và Tiền Phong (Quế Phong). Tuy nhiên, đến thời điểm này, tức là còn chưa đầy 8 tháng nữa, lòng hồ Thủy điện Hủa Na sẽ tích nước, mới chỉ có hơn 130/1350 hộ dân di chuyển về khu TĐC ở Piêng Cu, xã Tiền Phong. Số hộ còn lại vẫn chưa đồng ý với phương án đền bù mà Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư (BTHT &TĐC) đưa ra.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người dân đều tỏ ra bức xúc vì hầu hết đơn giá bồi thường các loại cây cối, hoa màu, đất năm 2011 đều thấp hơn nhiều so với năm 2010. Chị Trần Thị Lý, bản Na Câng (xã Thông Thụ) dẫn chứng: Năm 2010, gừng có giá 4.000 đồng/m2 nhưng năm 2011 chỉ còn 3.100 đồng/m2; cây cam nhỏ từ 70.000 đồng/cây xuống còn 20.000 đồng/cây; đất rừng sản xuất các bản lòng hồ xã Đồng Văn từ 2.800 đồng/m2 giảm xuống 500 đồng/m2... Chị Lý phân trần: "Nhà tôi được đền bù 39 triệu, số tiền này chưa đủ để trang trải chi phí dời nhà ra khu TĐC, chưa kể những khó khăn khác về sinh hoạt thời gian đầu chuyển đến nơi ở mới."


Ngoài ra, người dân các bản vùng lòng hồ của xã Đồng Văn cũng tỏ ra thắc mắc khi so sánh đơn giá một số loại đất với các bản vùng lòng hồ của xã Thông Thụ hàng xóm. Ông Lô Văn Thình, bản Huôi Muồng (xã Đồng Văn) bức xúc: "Đất trồng lúa nước ở xã tôi có đơn giá 10.000 đồng/m2, còn ở xã Thông Thụ lại có đơn giá 15.000 đồng/m2. Tương tự, các loại đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm giữa Đồng Văn và Thông Thụ cũng đều chênh nhau từ 4.000 - 5.000 đồng/m2. Đều là dân vùng lòng hồ cả, tại sao lại có sự chênh lệch như vậy?"


Ông Trương Minh Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Chủ tịch Hội đồng BTHT&TĐC cho biết: "Hội đồng đã áp giá tài sản trên đất được 13/14 vùng lòng hồ, họp lấy ý kiến dân được 10/12. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có bản Nong Đanh và 45 hộ của bản Piêng Pùng thống nhất với phương án bồi thường do Hội đồng lập". Sở dĩ xảy ra tình trạng trên, theo ông Cương là do việc kiểm kê, áp giá đền bù được hoàn thành từ cuối năm 2008, thế nhưng đến nay mới tiến hành bồi thường. Trong thời gian đó, nhiều loại cây trồng lớn lên nên nhân dân không đồng ý nhận tiền bồi thường theo cách áp giá cũ. Ngoài ra, đơn giá đền bù năm 2011 giảm so với năm 2010 nên nhiều bà con thắc mắc, không đồng tình.


...Và nhiều bất cập tại các khu TĐC


Nằm sát chân Nhà máy Thủy điện Hủa Na, bản Huôi Muồng, xã Đồng Văn có 133 hộ (67 hộ nghèo) gồm 518 nhân khẩu là đồng bào người Thái. Bao đời nay, người Huôi Muồng sống lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng xanh, cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Khi công trình thủy điện được khởi công, người dân nơi đây đã dần xa cái cảnh "bắt cá dưới sông, hái quả trên rừng" mà đã trở thành những tiểu thương đúng nghĩa. Thế nhưng, khi dần quen với cái nghiệp "thương nhân" thì cũng chính là lúc họ phải ngậm ngùi chia tay mảnh đất thân thuộc để di dời đến khu TĐC Huôi Siu- Huôi Lạn (xã Tiền Phong, Quế Phong). Vấn đề là năm lần bảy lượt, dân bản Huôi Muồng ra nhận đất nền ở khu TĐC rồi lắc đầu quay về bản cũ mặc cho mỗi suất đầu tư tại khu TĐC ngót nghét một tỷ đồng.


Tiếp xúc với dân bản, tất thảy họ đều có chung một suy nghĩ: Các khu TĐC không chỉ đảm bảo đủ cơ sở hạ tầng cho đồng bào yên tâm sinh sống, làm ăn mà còn phải giữ được phong tục truyền thống trong nếp ăn, nếp ở thì đồng bào mới di dời đi.


Ông Lô Văn Bình - một người con gắn bó gần trọn đời với mảnh đất Huôi Muồng khi nói về các khu TĐC tỏ ra e dè: "Gia đình mình đã đi xem đất ở khu TĐC, nhưng nền nhà ở vị trí cao không thể đào giếng được nên còn chần chừ chưa nhận. Với lại, người Thái mình đời nào cũng vậy, chỉ ở những vùng đất ven sông ven suối, nếu ở cao quá không hợp phong tục truyền thống!". Ngoài ra, ông Lô Văn Châu còn cho biết: "Theo như cam kết ban đầu, mỗi hộ chuyển về khu TĐC được cấp 400 m2 đất ở, 400 m2 đất vườn đồi liền kề, 1 ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó ít nhất phải có 200 m2 ruộng lúa nước cho 1 khẩu), từ 3 đến 5 ha đất lâm nghiệp. Thế nhưng, thực tế khi ra nhận nền diện tích không đúng như cam kết. Chỉ khi nào chủ đầu tư thực hiện đúng như cam kết, nhà mình mới chuyển ra" - ông Châu quả quyết.


Đề cập về những ý kiến trên của bà con, trưởng bản Huôi Muồng - Lô Văn Thứ vội lật cuốn sổ ghi chép ố vàng được cất kỹ trong ngăn tủ, thống kê nhanh: "Cả bản có 133 hộ thì chỉ có 20 hộ đi tự nguyện (tự tìm điểm đến), còn 113 hộ thì chuyển về khu TĐC Huôi Siu - Huôi Lạn, nhưng mới chỉ có 36 hộ nhận nền, số còn lại chưa đồng ý nhận". Theo như lời trưởng bản Thứ thì có nhiều căn nguyên khiến dân Huôi Muồng chưa ưng cái bụng! Từ chỗ chọn địa điểm xây dựng khu TĐC không có sự thống nhất giữa nhân dân và chủ đầu tư ngay từ ban đầu, dẫn đến việc nền nhà được san quá cao không hợp với truyền thống của đồng bào Thái; tiền đền bù nhà ở quá thấp so với thực tế nên nhiều hộ không đủ điều kiện để di dời ra khu TĐC, nhất là những hộ tự làm nhà ở nơi đến; chuyện nước sinh hoạt chưa được đảm bảo... "Chỉ khi nào những khúc mắc trên được giải quyết cơ bản thì dân bản mới di dời theo hình thức tập thể", trưởng bản Thứ cho hay.


Nỗi lo về cuộc sống mới ở các khu TĐC cũng đang níu chân bà con bản Lốc (xã Thông Thụ), bản Na Quèn, bản Piêng Pung... (xã Đồng Văn) tại vùng lòng hồ, mặc cho sức ép về tiến độ di dời.


Nguyễn Thành Duy