Cần mở rộng hình thức dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp

13/11/2011 16:39

(Baonghean) - Nghệ An hiện đang khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề theo hình thức đặt hàng của doanh nghiệp. Đây là hình thức đào tạo theo địa chỉ, sát nhu cầu của xã hội, đảm bảo lợi ích cho các nhà trường, cơ sở đào tạo nghề, người lao động và doanh nghiệp…

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn được huyện đoàn Thanh Chương triển khai rất hiệu quả. BTV huyện đoàn đã có sự đổi mới khi phối hợp với trung tâm giáo dục dạy nghề huyện tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn 4 năm qua đã mở được 20 lớp học nghề May công nghiệp và 8 lớp gò hàn, giới thiệu việc làm ổn định cho 1.850 đoàn viên thanh niên. Điển hình như việc phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Cát đảm nhận công tác tư vấn xuất khẩu lao động; phối hợp với Tổng công ty May Sông Hồng (Nam Định) xây dựng chương trình đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên. Theo đó các học viên đào tạo xong được tạo điều làm việc ổn định tại công ty. Bên cạnh đó huyện đoàn còn phối hợp với Viện rau quả TW xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế và vòi phun sương tại xã Thanh Nho, Tổng đội TNXP2, TĐTNXP 5.




Học nghề điện dân dụng và cắt may

Anh Trình Văn Nhã- Bí thư huyện đoàn Thanh Chương cho biết: khó khăn lớn nhất của thanh niên nông thôn hiện nay vẫn là vấn đề nghề nghiệp và việc làm. Do vậy việc khảo sát và phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề vừa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp vừa tạo đầu ra cho lao động trẻ sau đào tạo.

Còn tại trường Trung cấp nghề huyện Nghi Lộc. Trước mỗi khóa học, trên cơ sở các tiêu chí mà doanh nghiệp đưa ra cho nhà trường như số lượng, trình độ năng lực của lao động ở mỗi nghề, nhà trường tổng hợp lại đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và lên kế hoạch tuyển sinh đúng, đủ số lượng học sinh. “Đào tạo theo hình thức này cả ba bên cùng có lợi. Nhà trường không phải lo đầu ra cho các em, không những thế còn được doanh nghiệp tạo điều kiện để học sinh có nơi thực tập tay nghề thuận lợi. Còn doanh nghiệp thì đã đặt hàng từ trước nên chương trình đào tạo của nhà trường sát với thực tế công việc của doanh nghiệp, học sinh sau khi ra trường về làm việc tại doanh nghiệp không còn bỡ ngỡ hay phải đi đào tạo lại. Các em chỉ yên tâm cho việc học tập vì đã có đầu ra ổn định. Đặc biệt, với hình thức này, nhà trường đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động bị thu hồi đất ở xã Nghi Long, Nghi Thuận, Nghi Xá, Nghi Tiến, Nghi Thiết. Các học viên không những tiếp thu kiến thức cơ bản, khoa học và tiên tiến về kỹ thuật canh tác mà năng suất lao động cũng cao hơn nhiều”, ông Phạm Xuân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Hiện tại, trường Trung cấp dạy nghề Nghi Lộc đang đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau, khoá học nào sau khi tốt nghiệp ra trường, 100% học viên cũng tìm được việc làm ổn định, cho thu nhập cao như các nghề công nghiệp hàn, cơ khí lương bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê, đã có hơn 100 đơn đặt hàng từ các Tổng công ty, Tập đoàn, doanh nghiệp gửi đào tạo trên 2.500 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An với các nghề như may công nghiệp, hàn, điện dân dụng, mây tre đan, mộc mỹ nghệ, mộc điêu khắc, móc sợi, dệt thổ cẩm. Sau khi kết thúc khóa học, tỷ lệ lao động có việc làm chiếm tới trên 80% và thu nhập ổn định trên 1,5 triệu đồng/tháng. Việc mở rộng trình độ đào tạo, đa dạng hoá các hình thức dạy nghề và cơ cấu ngành nghề đào tạo làm cho quy mô dạy nghề tăng nhanh; tốc độ đào tạo nghề của tỉnh Nghệ An năm 2011 dự kiến tăng 4%. Chất lượng và hiệu quả dạy nghề theo địa chỉ đã được nâng lên thông qua trình độ tay nghề của người học nghề, khả năng tiếp cận việc làm của học viên sau khi tốt nghiệp. Dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp. Nhiều nông dân sau khi học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại như nuôi trồng thuỷ sản, trồng hoa, nuôi lợn thịt, gà thịt... góp phần tạo việc làm cho con em địa phương.

Tuy nhiên, để nhân rộng và phát triển hình thức đào tạo này, tỉnh cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể cho các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh thu hút lao động sau đào tạo. Bởi thực tế hiện nay, các khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đang còn ít, việc thu hút lao động ở địa phương còn hạn chế, vì vậy phần lớn lao động sau đào tạo đều phải đi làm ăn xa nhưng hiệu quả kinh tế thu về không lớn…


Khánh Ly