Báo động nạn mượn thẻ bảo hiểm y tế

08/12/2011 14:28

(Baonghean) - Tình trạng bệnh nhân mượn thẻ bảo hiểm y tế để đi điều trị chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một vài năm trước, nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đã phát hiện hơn 100 trường hợp.

Công an xã... tiếp tay cho vi phạm

Từ đầu tháng 11 đến nay, gần như ngày nào phòng Giám định Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Nghệ An cũng nhận được một thông báo từ các nhân viên giám định về các trường hợp mượn thẻ bảo hiểm y tế bị phát hiện. Sự việc diễn ra gần như thường xuyên này buộc nhân viên giám định phải cảnh giác với tất cả bệnh nhân đến khám bằng thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt là những bệnh nhân bị bệnh nặng. Cũng từ những trường hợp được phát hiện, ngành bảo hiểm đã tìm ra được "mẫu số chung" các cách thức vi phạm...

"Hầu hết những trường hợp đi khám bảo hiểm khai bị mất chứng minh nhân dân nghĩa là đang dùng thẻ mượn" bác sỹ Nguyễn Xuân Loan - Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội tỉnh) khẳng định. Để qua mắt được các cơ quan chức năng, những bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế đã nhờ người có thẻ BHYT đến công an xã (phường) nơi cư trú để xác minh việc mất chứng minh nhân dân. Điều đáng nói là mặc dù biết rõ tên và ảnh của người khai hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều nơi công an xã vẫn làm ngơ cho qua, đồng thời kí tên và đóng dấu vào ảnh cũng như giấy xác nhận. Như trường hợp của bệnh nhân Phùng Thị Duyên (trú tại xóm Đông Hùng, xã Phú Thành, huyện Yên Thành) đang điều trị tại Phòng khám Đa khoa Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Trước khi đến khám, do không có thẻ BHYT, Duyên đã mượn thẻ của Phan Thị Loan (trú tại Phú Thành - Yên Thành). Để chắc chắn, Loan đã ra Công an xã Phú Thành khai mất chứng minh nhân dân, sau đó dán ảnh của Duyên lên nhờ chính quyền đóng dấu. Tờ giấy xác nhận này được chính Trưởng Công an xã Lưu Xuân Hoàng kí tên. Sự việc trên chỉ bị phát hiện khi bệnh nhân xuống điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trước đó vì không kiểm tra kỹ nên Bệnh viện Yên Thành đã bỏ qua trường hợp này. Tương tự như vậy, bệnh nhân Lê Thị Thủy ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu đã mượn thẻ BHYT của chị Phạm Thị Tuyết để đi điều trị tại khoa Sản Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh; bệnh nhân Đường Thị Phú đã mượn thẻ của bà Đường Thị Lan (xã Phúc Thành - Yên Thành)...



Những thẻ bảo hiểm y tế cho mượn bị phát hiện và thu giữ.

Học sinh, sinh viên cũng thường xuyên dùng thẻ bảo hiểm y tế mượn để đi khám ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, với đối tượng này, do việc khai mất thẻ sinh viên hoặc chứng minh nhân dân khá khó khăn nên đa phần mong chờ vào sự may rủi. Sinh viên Trần Thị Thanh - Đại học Vinh đã chấp nhận bị mất thẻ do để người khác mượn đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông. Sau khi bị phát hiện, Thanh đã "bỏ của chạy lấy người", không khai báo họ tên và không đợi kết quả xét nghiệm.

Bất cập trong giám định và xử phạt

Mặc dù trong năm 2011, Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã phát hiện được hơn 100 trường hợp dùng thẻ bảo hiểm y tế mượn để khám chữa bệnh nhưng theo bác sỹ Nguyễn Xuân Loan, con số này chưa phản ánh hết sự phức tạp trong việc quản lý thẻ bảo hiểm y tế hiện nay và nếu không kiểm soát kỹ, mỗi năm ngành bảo hiểm có thể thâm hụt hàng tỷ đồng. Bản thân nhân viên giám định bảo hiểm y tế cũng chỉ phát hiện được những trường hợp rõ "mười mươi", còn nhiều trường hợp khác với nhiều chiêu thức tinh vi thì khó có thể phát hiện được. Ví như khi làm thủ tục, người đến đăng kí và người trong thẻ bảo hiểm là một nhưng khi vào phòng bệnh lại thay bằng người khác.

Một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn là do đội ngũ nhân viên giám định bảo hiểm còn quá ít. Ngay tại Thành phố Vinh, hiện tại mỗi một bác sỹ ở phòng giám định bảo hiểm xã hội phải phụ trách 3 đến 4 bệnh viện. Riêng nhân viên giám định, do số lượng chỉ có 6 người nên hàng ngày họ phải thường xuyên di chuyển từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng chỉ đủ người để ưu tiên cho những bệnh viện có lượng bệnh nhân đến khám đông ở tuyến tỉnh như Trung tâm Nội tiết tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, Bệnh viện Nhi... Cũng bởi do số lượng người có hạn nên không ít trường hợp bảo hiểm Nghệ An đã để "lọt người", phải đến khi chuyển ra tuyến Trung ương mới phát hiện được. Như trong năm 2011, Bệnh viện Trung ương 108 đã buộc phải thu hồi thẻ của bà Nguyễn Thị Thanh (xã Lĩnh Sơn - huyện Anh Sơn) khi cho bệnh nhân Nguyễn Thị Minh mượn thẻ đi điều trị và yêu cầu Bảo hiểm xã hội Nghệ An giám định lại đối tượng này. Trước đó, khi khám tại Bệnh viện Anh Sơn, nhân viên của bệnh viện và bảo hiểm đã không phát hiện được đây là trường hợp mượn thẻ BHYT. Nếu không phát hiện ra trường hợp mượn thẻ này, Bảo hiểm xã hội Nghệ An phải chi trả gần 24 triệu đồng tiền khám và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Minh.

Hành vi cho mượn thẻ của người có thẻ BHYT đã vi phạm vào điểm 2, điều 37 Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chế tài xử phạt những người cho mượn thẻ vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Chính vì thế, khi bị phát hiện bệnh nhân dùng thẻ mượn thì ngoài thu thẻ và yêu cầu bệnh nhân nộp tiền chữa bệnh, chưa có thêm một chế tài mạnh hơn để răn đe hành vi trên. Trong hoàn cảnh hiện nay, để chấn chỉnh tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã có văn bản gửi tới bảo hiểm xã hội các huyện thành thị, các bệnh viện và các địa phương yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chứng thực cho các trường hợp đi khám bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, ngành cũng kêu gọi người dân, đặc biệt là người có thẻ bảo hiểm y tế nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế, không nên cho người khác mượn thẻ bởi nếu thẻ bị thu thì chủ thẻ là người bị mất quyền lợi đầu tiên.


Mỹ Hà