Nhà Lưu niệm Bác Hồ ở bản Na Choóc - Thái Lan

09/10/2011 14:27

(Baonghean) - Bên này sông MêKông là thị xã Thà Khẹt của Lào, bên kia sông là bản Na Choóc của Thái Lan. Bản Na Choóc có 130 hộ người Thái gốc Việt, chủ yếu là người thuộc dòng họ Võ ở Hưng Nguyên - Nghệ An, ngoài ra còn khoảng vài chục hộ người Thái, gốc Thái.

Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở bản này, trong khuôn viên rộng chừng 1500 m2 vốn xưa là vườn và nhà ở của ông Võ Tòng Đại, người Hưng Nguyên. Hiện tại, ông Võ Tòng Tiêu 87 tuổi (con ông Đại) và các anh chị Võ Tòng Minh, Võ Thị Hoàn (con ông Tiêu) trông nom và gìn giữ Nhà lưu niệm của Bác. Kể lên trước nữa, thân sinh của ông Đại là nghĩa quân của Phan Đình Phùng bị Pháp truy lùng, bắt giam và bị hành quyết. Sau đó, ông Đại hoạt động dưới sự điều hành của Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa. Ông Đại theo Đặng Thúc Hứa, đến lập cơ sở cách mạng ở Thái Lan gọi là "Trại Cày" dưới hình thức một tập đoàn hoạt động kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Vùng đất này xưa kia vốn là vùng sình lầy, thưa thớt dân cư, rất ít gia đình Việt Kiều và gia đình người Thái cư ngụ. Năm 1928, Nguyễn Ái Quốc từ Châu Âu về Thái Lan hoạt động có tên là Thầu Chín. Người ở U don, Fichit, Xacon, Nakhon Fanom... và vận động bà con khai hoang phục hóa, mở rộng bản làng, không nên ăn ở chật chội mất vệ sinh, một bộ phận dân cư tách ra khai khẩn đất đai nên bản Choóc, sau đó còn có tên là bản Mày (Tiếng Thái nghĩa là bản Mới).



Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nơi Bác ở tại bản Na Choóc - Thái Lan. Ảnh tư liệu

Khi đặt chân lên Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc đã báo cáo về Quốc tế cộng sản, bút tích bằng tiếng Anh nay vẫn còn lưu giữ. "Từ giã nước Đức vào tháng 6 đến Xiêm vào tháng 7 năm 1982. Tôi làm việc với một số người An Nam di cư ở đây". Đến tháng 11 năm 1929, Bác Hồ sáng lập tờ báo có tên là Thân Ái nay còn giữ được tờ số 4 ở Thái Lan. Góc bên phải tờ báo là dòng chữ Bác viết như phương châm chỉ đạo cho tờ báo cũng như cách ăn ở và cách đối đãi với nhau của người Việt ở đây: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng". Bài báo ở trang 1 của số báo này có đầu đề là: "Thủ đoạn của thực dân Pháp làm cho nòi giống An Nam chia rẽ nhau".

Bác Hồ đến Thái Lan ở trong nhà ông Đại. Theo ông Tiêu kể thì ông Đại và Thầu Chín "ngày làm vườn, đêm về đi bắt cá", "Hai cây dừa trước cổng và cây khế sau nhà là do Thầu Chín trồng đó". Ngôi nhà này tường gỗ, cánh cửa gỗ, ba gian, gần như hình vuông, lợp ngói âm dương. Hai gian bên đều có buồng ngăn bằng gỗ ở phía trong. Cửa sau cũng mở ở chính giữa có lối thông đến nhà bếp. Hiện nay ngôi nhà được sửa chữa khang trang hơn nhưng vẫn giữ nguyên diện tích ở và kiến trúc như khi Bác ở. Hai cây dừa và cây khế xanh tốt, vườn tược được trồng trỉa, chăm sóc rau xanh và hoa nở, không khí trang nghiêm, tĩnh mịch yên lành. Bà con Việt Kiều ở đây đã về nước nhiều lần, thậm chí cô Hoàn còn về chợ Đồng Xuân ở Hà Nội mua hàng lưu niệm sang bán ở đây. Anh Võ Tòng Minh đã về Hưng Nguyên thăm quê cha đất tổ và thắp hương ở nhà thờ họ Võ. Cũng nói thêm rằng, năm 1961, ông Đại hồi hương về Việt Nam, Bác Hồ có đến tận Hải Phòng để đón ông, mời ông ở lại Hà Nội để làm việc nhưng ông xin Bác để được trở về Hưng Nguyên an dưỡng tuổi già và ông mất ở đó...

Như vậy là Nhà Lưu niệm Bác Hồ ở Na Choóc - Thái Lan hiện nay do con cháu dòng họ Võ ở Hưng Nguyên, một dòng họ có truyền thống cách mạng lâu đời chuyền nhau trông coi và gìn giữ.


Thạch Quỳ