Kỳ 4: Chuyện những người dẫn đường

05/12/2011 17:23

(Baonghean) - "Người dẫn đường" là những người biết thông tin về mộ liệt sỹ, dẫn đường cho cán bộ, chiến sỹ quy tập thực hiện việc cất bốc. Họ có thể là những cán bộ, bộ đội của nước bạn được bố trí giúp đỡ đoàn, là già làng trưởng bản, cũng có thể bất kỳ một người dân nào và cả những người từng tham gia lực lượng chống phá cách mạng, nhân dân Lào nay đã ra quy hàng. "Người dẫn đường" luôn nhiệt tình, sẵn sàng vượt suối, băng rừng hàng tháng trời, có người thậm chí đã hy sinh tính mạng mình trong quá trình giúp chiến sỹ ta hoàn thành nhiệm vụ...

"Người dẫn đường" mà chúng tôi gặp đầu tiên trong những ngày theo chân các chiến sỹ đoàn quy tập ở Xiêng Khoảng là Đại úy o­neta Thammavong, năm nay 55 tuổi, hiện công tác tại Phòng Chính trị Huyện đội Muang Kham. o­neta đã có hơn 16 năm cùng chiến sỹ đoàn quy tập, Tỉnh đội Nghệ An đi khảo sát tìm kiếm mộ bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh. Cũng như nhiều người Lào khác, o­neta rất ít nói nhưng hay cười và khá dễ gần. Vóc người tuy nhỏ bé nhưng thấy bất cứ việc gì bộ đội quy tập cần giúp đỡ ông cũng làm. Thời điểm tìm đến chuyện trò là lúc o­neta đang cùng các chiến sỹ quy tập sửa sang lại doanh trại của Đội 4 tại Muang Kham. Đôi tay không còn nhiều cơ bắp nhưng vác gỗ rất gọn, cầm cuốc, xẻng khỏe khoắn cùng mọi người phá đá, bới đất sâu, chân vẫn thoăn thoắt, dẻo dai như con nai trong rừng từng trèo đèo, vượt suối hàng trăm cây số.

Nghỉ tay uống nước, bằng tiếng Việt pha với tiếng Lào, Đại úy o­neta tự hào kể chuyện giúp đỡ bộ đội Việt Nam. Ông lớn lên tại bản Tha của huyện Muang Kham, 18 tuổi tham gia dân quân bản và đi tiếp tế cho bộ đội tình nguyện Việt Nam, bộ đội Pathét Lào đánh đuổi đế quốc Mỹ và phỉ Vàng Pao. Hòa bình lập lại, năm 1981, ông trở về quê hương làm trưởng bản và Bí thư Chi ủy cụm Long Khảo (Cụm - theo đơn vị hành chính của nước bạn tương đương với xã Việt Nam). Và từ năm 1995 đến nay, ông tham gia quân đội và được phân công cùng đội 4 làm công tác quy tập đặc biệt này. o­neta cho hay: "Nói là phân công nhưng o­neta xung phong đấy chứ. Trước đây, bộ đội Việt giúp đỡ người Lào thì giờ người Lào phải có trách nhiệm giúp đỡ lại mà. Trước đây, khi đi đánh Mỹ và phỉ ở Bom Lỏng - Muang Pek và Thẳm Ngân - Muang Kham, mình đã hiểu rõ được tình anh em hữu nghị giữa hai dân tộc".



Đại úy Xengphet tham gia tìm kiếm mộ cùng chiến sỹ Đội 4.

Việc dẫn đường của o­neta cụ thể là cùng chiến sỹ ta xuống từng bản, họp nhân dân các bản và nói rõ về chủ trương, chính sách quy tập của hai nhà nước, tìm hiểu thông tin cụ thể về phần mộ liệt sỹ và vận động người dân biết mộ cung cấp thông tin. Trong quá trình khảo sát và tìm kiếm, ông tiến hành bố trí lực lượng dân quân của những bản sát với khu vực có mộ để cảnh giới, đảm bảo an ninh, tham gia xúc đào cùng đoàn quy tập. o­neta tâm sự: "Đi làm quy tập với các chiến sỹ thì vui lắm, bởi đây là việc làm tốt, có ý nghĩa, lại biết tiếng Việt, chữ Việt, học các cách làm của bộ đội Việt Nam, vận động nhiều, ăn uống tốt lại khỏe ra".

Một người dẫn đường khác mà o­neta chỉ chúng tôi chính là Đại úy Xengphet Xaichampi, nãy giờ cũng đang luôn tay, luôn chân, tay vác, tay bê giúp chiến sỹ Đội 4 dọn nhà. Mới nhận nhiệm vụ sang Ban công tác đặc biệt huyện Muang Kham chừng 2 tháng nay nhưng Xengphet đã như là người thân của tập thể đội 4 từ lâu lắm. Hỏi ra mới biết, 13 tuổi, Xengphet vào thiếu sinh quân và sang Việt Nam học văn hóa từ năm 1974-1977 nên biết rất rõ tiếng và tính cách người Việt. Xengphet kể: Thời gian tại huyện Bá Thước - Thanh Hóa là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời ông. Có những kỷ niệm mà gặp bất cứ người Việt nào ông cũng đều san sẻ, đó là: Mối tình đầu của ông với người con gái tên Quỳ và tình cảm thương yêu chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của một người mẹ Việt đối với đứa con Lào. Mắt người đàn ông ngoài tứ tuần này lại rơm rớm khi nhớ về ngày chia tay trở về Lào, Quỳ và mẹ nuôi Nguyễn Thị Thương đều khóc và giữ lại không cho đi... Xengphet khoe: "Đợt vừa rồi đi với anh em Đội 4 suốt tháng ròng và tìm được 9 liệt sỹ đấy. Đi với các anh em vừa phiên dịch, giới thiệu phong tục tập quán, vừa cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm, thắm tình đoàn kết, đi cả năm cũng được".

Trong những ngày ở Đội 4, chúng tôi đã chứng kiến sự nhiệt tình hăng say công việc của Đại úy XengPhet. Anh luôn đến với đội từ sáng sớm và tối mịt mới về. Khi tham gia quy tập ở đỉnh Pung Xay, anh hăng hái phát cây, chặt tra cán cuốc, nấu ăn và trực tiếp đào bới tìm kiếm cùng mọi người... Tại bản Na Mường, chúng tôi tình cờ gặp một người dẫn đường khác là ông Xì Phăn và được cho biết: "Nghĩa trang trên đỉnh Pung Xay trước đây còn một hàng mộ nữa, nay đã bị cào bằng rồi, mai bố lên núi chỉ cho". Sáng hôm sau, ông Xì Phăn nay đã 70 tuổi ngược đỉnh Pung Xay chỉ bày cụ thể, quả nhiên vị trí đó Đội 4 đã tìm được thêm 2 liệt sỹ. Nhìn ông nhọc nhằn xuống núi, đoàn quy tập ai cũng cảm động. Thương úy Nguyễn Định Vỹ tâm sự: "Tình cảm người dân Lào đối với bộ đội mình lớn lắm, nhiều khi muốn khóc, tầm giờ này năm ngoái, mẹ Nangphon 81 tuổi, bản Lầu, Cụm Nhọt Cừa, già yếu lắm rồi nhưng cũng nhất quyết chống gậy lên núi chỉ bằng được mộ liệt sỹ cho chúng tôi".

Rời Muang Kham đến huyện Muang Pek - Xiêng Khoảng và huyện Muang Phuong, thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi đã được gặp rất nhiều người dẫn đường khác. Đó là những cán bộ, bộ đội của nước bạn Lào giúp đỡ đoàn, là già làng, trưởng bản và cả những người từng tham gia lực lượng chống phá cách mạng, nhân dân Lào nay đã ra quy hàng... Trung úy Già Đáthò, 55 tuổi ở huyện Muang Pek được bình chọn là một trong những người dẫn đường lâu năm nhất với 20 năm. Là người Lào Xủng và trước đây không biết chữ (vì có nhiều thành tích trong công tác quy tập mới được bố trí đi học và thăng hàm sỹ quan gần đây), có thể trình độ hạn chế, diễn đạt chưa gọn gàng để người dân hiểu được chủ trương chính sách của hai nhà nước, tình cảm hai dân tộc nhưng Già Đáthò luôn kiên trì vận động, tìm kiếm thông tin liệt sỹ. Già Đáthò đã kể cho chúng tôi nghe về một câu chuyện mà ông cho là thấm thía: Có cụ già mặc dù Già Đáthò và các chiến sỹ đến tìm hiểu thông tin và ăn ở cả tháng trời vẫn không nói gì. Chỉ đến hôm rời bản, quân y đoàn có khám bệnh, bốc thuốc và chuyền dịch (do cụ bị ốm), cụ mới cảm động cho hay mình biết rõ nghĩa trang có 13 mộ liệt sỹ và chỉ cách nhà khoảng gần 200 mét.

Tại huyện Muang Phuong (trước đây thuộc Xiêng Khoảng, nay thuộc thủ đô Viêng Chăn), chúng tôi cũng đã được biết đến người dẫn đường đặc biệt nhất, đó là ông Xìa Dếng, nguyên lính phỉ Vàng Pao. Do đã xác định chỉ có lực lượng phỉ ở trong rừng lâu năm mới biết rõ những phần mộ trong vùng rừng núi sâu, nên khi nghe tin Xìa Dếng ra hàng và trở về nhà, đoàn quy tập đã cho 3 cán bộ chiến sĩ đến nhà ăn ở cùng hàng tháng trời, bằng lý lẽ và tình cảm mới vận động được Xìa cùng vào rừng tìm kiếm. Đi tìm liệt sỹ với đoàn được vài chuyến, Xìa Dếng mới cho hay "Dù có khổ hay sướng cũng không bỏ, giờ tin nhau rồi". Và chính ông đã liên lạc với tất cả các đối tượng ra hàng để tìm hiểu thông tin liệt sỹ cho đoàn. Năm 2008, Xìa Dếng đã vận động được 20 đối tượng ra hàng đi chỉ mộ cho các chiến sỹ.

Người dẫn đường hiệu quả nữa là Thượng sỹ Thào Khăm Chăn, 48 tuổi, bộ đội huyện Mường Pek. Có thể nói Thào là người quen đường nhất, quen rừng nhất ở tỉnh Xiêng Khoảng này bởi Thào từng có thời gian dài len lỏi khắp nơi tìm kiếm nhôm, đồng, vỏ bom, vỏ đạn cũng như "chiến lợi phẩm" của Mỹ và phỉ Vàng Pao bỏ lại (dân quanh vùng gọi anh là "Vua Kìm lết" - tức là vua tìm sắt). Rừng núi Xiêng Khoảng bất cứ điểm nào, khu vực nào có mộ, Thào đều biết, Thào dẫn đi thì cắt rừng rất nhanh và nửa đêm cũng không sợ lạc đường. Điều đáng quý nữa là, anh luôn luôn nhiệt tình giúp đỡ đoàn quy tập. Bất cứ thời điểm nào, dù đang ốm đang đau, đang mùa vụ hay ngày nghỉ, cần giúp đỡ Xiều (người bạn rất thân - đoàn quy tập và anh gọi nhau như thế) lên đường ngay...

Nói chuyện về người dẫn đường, Trung tá Hoàng Ngọc Lân, Đoàn Phó đoàn quy tập không khỏi bùi ngùi xúc động khi nói về anh Lycha Thò, con trai út Trưởng bản Na, huyện Muang Pek. Trong quá trình đi giúp bộ đội ta khảo sát tìm kiếm nghĩa trang, anh bị phỉ phục kích bắn chết trong rừng sâu. Lycha nhiệt tình, hăng hái và còn trẻ lắm, mới vừa tròn 21 tuổi. Sự hy sinh của anh, Đoàn quy tập vẫn mãi xem như một nỗi đau khôn nguôi... Trung tá Hoàng Ngọc Lân khẳng định: "Trong những năm qua, cán bộ, nhân dân Lào và kể cả đối tượng phỉ ra hàng đã giúp cho công tác quy tập các liệt sỹ rất nhiều. Nếu như cứ tìm theo sơ đồ phần mộ mà các đơn vị bàn giao lại thì đoàn chỉ mới tìm được không quá 100 liệt sỹ. Bản thân tôi đã tìm theo sơ đồ mà cũng chỉ tìm được vỏn vẹn 2 nghĩa trang. Hiện nay sơ đồ phần mộ vẫn còn rất nhiều nhưng chưa thể xác định được chính xác vùng, địa điểm chôn cất. Tìm mộ liệt sỹ đã, đang và sẽ phải dựa vào dân, vào những người dẫn đường như các bác, các anh".


Thành Chung