Bài 2: "Khát" lao động lành nghề

29/11/2011 15:54

(Baonghean.vn) Đó là thực trạng đáng lo ở rất nhiều làng nghề hiện nay, đặc biệt đối với những nghề đòi hỏi độ tinh xảo cao như mộc thủ công - mỹ nghệ, thêu ren, hay những nghề mà thị trường luôn đòi hỏi sự thay đổi liên tục về mẫu mã như mây tre đan, thêu móc sợi...

Xem Bài 1: Tiềm năng và sự phát triển

Ông Phan Văn Tuyên- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành - một trong những địa phương được đánh giá là có những bước đi khá vững chắc trong phát triển làng nghề của tỉnh, chia sẻ: Hàng năm, Yên Thành trích ngân sách 70-100 triệu đồng hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là với những nghề du nhập mới. Nguyên nhân trước hết do người dân chưa hào hứng, khi mà thu nhập từ nghề so với đi làm thuê, phụ hồ... vẫn còn thấp, Nhà nước chỉ mới đầu tư ở phân khúc đầu, nghĩa là đào tạo để "biết làm nghề", trong khi với nhiều nghề, đặc biệt là nghề mây tre đan, móc sợi, mẫu mã sản phẩm thay đổi liên tục. Nguồn kinh phí để tiếp tục đào tạo bổ sung hầu như chỉ trông chờ vào các cơ sở, doanh nghiệp trong các làng nghề. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp này vẫn còn rất ít và tiềm lực chưa đủ mạnh.



Hoàn thiện khung tàu ở HTX đóng tàu Trung Kiên (xã Nghi Thiết - Nghi Lộc)


Theo thống kê, số lao động đã qua đào tạo tham gia sản xuất trên địa bàn huyện chỉ chiếm khoảng 30-40%, số lao động thạo nghề, giỏi nghề còn ít..


Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TU về phát triển TTCN và xây dựng làng nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 30%, trong đó đào tạo nghề đạt gần 20- 23%. Con số đó cho thấy, dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, số lao động có kỹ thuật ở các làng nghề vẫn đang quá thiếu.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX- ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng các nghệ nhân hiện còn trên địa bàn. Tuy nhiên, có thể thấy rõ một thực tế là nhiều làng nghề hiện đang rất thiếu đội ngũ thợ lành nghề. Với các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chiếu cói, móc sợi..., đội ngũ nghệ nhân cao tuổi ngày càng hiếm dần, trong khi lớp trẻ hiện có xu hướng đi làm việc ở các khu công nghiệp tập trung hoặc đi làm thuê, làm phụ hồ chứ không mặn mà với nghề truyền thống của cha ông. Còn với những ngành nghề được du nhập mới, với chính sách hỗ trợ đào tạo còn bất cập, người dân lại chưa có thói quen bỏ tiền ra học nghề, trong khi hệ thống doanh nghiệp với vai trò 'bà đỡ" còn rất yếu và thiếu như hiện nay, thì vấn đề đào tạo nghề ở các làng nghề còn rất khó khăn, đặc biệt trong đào tạo nâng cao tay nghề, trang bị những kỹ năng cần thiết cho người lao động.

Có thể nói, việc đào tạo nghề phục vụ làng nghề, trong đó đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ cho người lao động là hết sức cấp thiết, không chỉ vì thu nhập và đời sống của người dân, mà còn nhằm bảo tồn và phát triển những ngành nghề truyền thống, lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc. Với các nghề mới du nhập, nếu công tác đào tạo nghề không được tổ chức đúng tầm với yêu cầu, nhiều làng nghề sẽ có nguy cơ "chết yểu", trước hết do chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Thực tế, phần lớn việc dạy nghề tại các làng nghề hiện nay vẫn còn theo phương thức cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày cho con em địa phương, rất ít làng nghề tổ chức đào tạo bài bản. Do đó, hiệu quả đào tạo chưa cao và chưa bền vững.

Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, để có thể xây dựng được nguồn lao động có chất lượng cho các làng nghề, việc dạy nghề phải được diễn ra trên cả 3 cấp độ, gồm: đào tạo nghề cho những lao động phổ thông chưa biết nghề để họ biết nghề; bổ sung các kiến thức, kỹ năng mới cho những người đã có nghề để họ trở thành thợ giỏi; và cuối cùng là bồi dưỡng các kiến thức khoa học, công nghệ mới cho đội ngũ nghệ nhân.

Ông Tăng Tiến Huỳnh- Chủ nhiệm HTX TTCN Thắng Lợi (Thọ Thành - Yên Thành) - một đơn vị chuyên tổ chức dạy nghề, cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho vùng Yên Thành và một số xã ở Diễn Châu - trăn trở: Năm 2011, chúng tôi được Sở LĐTB và XH cấp giấp phép đào tạo nghề, đến nay đào tạo được khoảng 500 lao động, tuy nhiên cũng chỉ đào tạo thợ làm nghề. Cũng bởi chỉ có trong tay đội ngũ thợ "biết làm nghề" nên những đơn hàng đòi hỏi độ tinh xảo cao, dù biết lợi nhuận thu về lớn nhưng ông cũng không dám nhận, hầu hết sản phẩm làng nghề chỉ là ở công đoạn thô, giá rẻ. Không chỉ ở những làng nghề mới, tại làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên (Nghi Lộc) - làng nghề đã trên 700 năm, hiện cũng chỉ khoảng 1/4 số lao động có chứng chỉ đào tạo, phần lớn cũng nhờ năm 2004 được tỉnh mở một lớp học đóng tàu cho 100 lao động. Gần 400 lao động hiện chỉ học nghề qua "cầm tay chỉ việc".

Qua 10 năm thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 38 tỷ đồng cho việc đào tạo nghề cho lĩnh vực TTCN- làng nghề, với số lượt người được đào tạo hàng năm lên đến 5- 7 ngàn người. Tuy nhiên, với một tỉnh có số lượng làng nghề lớn như Nghệ An, cùng chủ trương phát triển mạnh mẽ làng nghề trong những năm tới, con số đó là chưa đủ. Thậm chí, đã có nhiều ý kiến cho rằng, hiện việc dạy nghề vẫn còn mang tính phong trào, không sát với thực tế làng nghề, gây lãng phí lớn, mà trong đó, hạn chế lớn nhất là chưa điều tra rõ nhu cầu học nghề nên chưa thu hút được học viên tham gia.

Để công tác đào tạo nghề đạt được những hiệu quả như mong muốn, đáp ứng được yêu cầu phát triển của các làng nghề, thiết nghĩ, bên cạnh việc dạy nghề cho lao động ở những làng nghề hiện có, chúng ta cũng rất cần quan tâm đến việc đưa nghề vào cho những địa phương chưa có hoặc đang rất ít nghề, để phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Trong đó, đặc biệt quan tâm, đưa vào chương trình dạy nghề đối với một số nghề truyền thống có khả năng phát triển, cần được bảo tồn như nghề làm đồ đồng, thêu ren, nghề dệt tơ tằm, thổ cẩm...


Phú Hương