Tân Kỳ: Ba khâu đột phá đưa nghị quyết vào cuộc sống

19/12/2011 16:05

(Baonghean.vn) Nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nhà, Đảng bộ huyện Tân Kỳ đã chọn 3 khâu đột phá để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Thứ nhất là tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ ba là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

(Baonghean.vn) Nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nhà, Đảng bộ huyện Tân Kỳ đã chọn 3 khâu đột phá để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Thứ nhất là tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ ba là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Xác định xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của huyện, Tân Kỳ đã chỉ đạo các địa phương tập trung mọi nguồn lực, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đúng thời gian và lộ trình đề ra. Ban chỉ đạo huyện đã vạch ra những kế hoạch, hành động cụ thể cho các xã. Dựa vào tình hình thực tế của từng xã, đề ra những lộ trình phù hợp với điều kiện của từng nơi. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, thực hiện phương châm: "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Huyện đã chọn 2 xã làm điểm là Nghĩa Bình và Tân An để từ đó nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Đến nay, Tân Kỳ đã cơ bản hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn 2011-2020.


Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Đảng bộ huyện tập trung phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo và luân chuyển cán bộ. Hàng năm, huyện bố trí cán bộ đi học theo quy định của từng loại chức danh. Từ năm 2006 đến năm 2010, đã có 29 đồng chí có trình độ cao cấp chính trị, về chuyên môn có 345 đồng chí có trình độ cao đẳng, đại học. Từ năm 2003 đến nay, đã có 28 cán bộ lãnh đạo, quản lý được luân chuyển, điều động, góp phần bổ sung, tăng cường kịp thời số lượng, chất lượng cán bộ cho những đơn vị còn thiếu, yếu, giúp cơ sở, cơ quan đơn vị ổn định đội ngũ cán bộ.


Khâu đột phá thứ ba là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, Đảng bộ huyện xác định phải từ tổ chức cơ sở đảng, vì cơ sở là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế - xã hội gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc từ xã, bản. Ban Thường vụ Huyện uỷ Tân Kỳ đã mạnh dạn ban hành Quyết định số 85 về việc xây dựng mô hình điểm hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện tại xã Kỳ Sơn. Đây là mô hình điểm đầu tiên trong tỉnh ta về "xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện" ở cơ sở.

Để xây dựng mô hình điểm này, Tân Kỳ đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, lấy các đồng chí trưởng các ban, ngành tham gia ban chỉ đạo, phân công cụ thể từng phần việc cho các thành viên ban chỉ đạo. Sau khi khảo sát, nắm bắt tình hình từ xóm đến xã, Ban chỉ đạo giao cho các ban Đảng, chính quyền, đoàn thể soạn thảo tài liệu một cách cụ thể theo kiểu "cầm tay chỉ việc" để tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền cho đội ngũ cán bộ xã Kỳ Sơn. Các tài liệu phục vụ hoạt động công tác Đảng, đoàn thể cũng được huyện cung cấp tới từng xóm...


Hiện nay, việc triển khai xây dựng mô hình điểm hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện tại xã Kỳ Sơn đang được triển khai nhưng đã khẳng định được hiệu quả bước đầu, phát huy hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đảng viên đóng góp ý kiến thẳng thắn hơn.


Đồng chí Phan Văn Giáp - Trưởng ban tổ chức Huyện uỷ Tân Kỳ, cho biết: Đây là những mô hình mới nên chúng tôi cũng gặp một số khó khăn khi triển khai các phần việc. Theo định kỳ, chúng tôi sẽ đánh giá, tổng kết các mô hình chọn làm điểm. Từ những mô hình này, Ban chỉ đạo huyện sẽ đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng trên phạm vi toàn huyện. Đây chính là những bước đột phá quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.


Đức Chuyên