Còn nhiều khó khăn

19/12/2011 16:12

(Baonghean.vn) Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta, ngành điện đang thực hiện việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện, bán điện trực tiếp đến tận hộ theo biểu giá điện bậc thang của Chính phủ, đã góp phần ổn định được nguồn điện. Tuy nhiên đối với các huyện vùng ven biển ở nhiều xã mạng điện lưới chưa ổn định ảnh hưởng trực tiếp đến việc chế biến thuỷ, hải sản của các cơ sở.

(Baonghean.vn) Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta, ngành điện đang thực hiện việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện, bán điện trực tiếp đến tận hộ theo biểu giá điện bậc thang của Chính phủ, đã góp phần ổn định được nguồn điện. Tuy nhiên đối với các huyện vùng ven biển ở nhiều xã mạng điện lưới chưa ổn định ảnh hưởng trực tiếp đến việc chế biến thuỷ, hải sản của các cơ sở.

Ông Đậu Xuân Thuỷ - Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Đến thời điểm này, Diễn Ngọc có 394 tàu, thuyền lớn nhỏ. Trong năm 2011 đạt trên 12.000 tấn hải sản, 25% sản lượng xuất khẩu, sản phẩm còn lại chủ yếu để chế biến, trong đó chế biến nước mắm trên 2 triệu lít/năm, địa bàn có 19 cơ sở sản xuất đá lạnh phục vụ cho các tàu cá để bảo quản sản phẩm, 3 cơ sở chế biến thuỷ hải sản. Chưa kể là có hàng trăm hộ dân chế biến thuỷ hải sản, nhu cầu dùng điện ở xã Diễn Ngọc lớn nhất toàn huyện.

Từ năm 2010 đến nay, điện ở Diễn Ngọc đã được ngành điện tiếp quản và cải tạo mạng lưới điện. Trước tiên, nhờ cải tạo lưới điện đã ổn định nguồn điện cho trên 2.900 hộ dân, tuy nhiên nguồn điện vẫn chưa đủ để phục vụ các cơ sở chế biến thuỷ hải sản. Cụ thể như: Tại xã đã quy hoạch xây dựng được khu chế biến thuỷ, hải sản Ngọc Văn rộng trên 2 ha nhằm sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong quy hoạch tại khu chế biến sẽ có trạm điện riêng, nhưng do thiếu vốn, đến nay vẫn chưa xây dựng được trạm điện nên cũng chỉ có 4 hộ dân ra khu quy hoạch mới.

Chúng tôi đến Công ty TNHH – Trung Trinh, cơ sở chế biến bột cá lớn nhất của xã Diễn Ngọc, thấy không khí vắng vẻ. Ông Ngô Duy Trinh-Giám đốc Công ty TNHH-Trung Trinh tâm sự: Cơ sở có 2 dây chuyền chế biến bột cá đạt công suất 40 tấn cá/ngày, mỗi tháng tiêu thụ trên 70 triệu đồng tiền điện. Tuy đã được ngành điện đầu tư cải tạo lưới điện, nhưng đang phải dùng chung trạm điện với cảng cá Lạch Vạn nên nguồn điện vẫn không đảm bảo. Để duy trì sản xuất, công ty chỉ hoạt động một dây chuyền đạt công suất 20 tấn cá/ngày, phải giảm bớt 20 lao động. Trong giờ cao điểm Công ty phải dừng hoạt động, chủ yếu chế biến sản xuất vào ban đêm. Mong muốn của công ty là được hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng thêm trạm điện, đáp ứng cho nhu cầu chế biến thuỷ hải sản.



Công ty CP thuỷ sản Vạn Phần cần một lượng điện năng lớn cho các tủ đông lạnh hoạt động.

Ông Trần Văn Toàn - một ngư dân ở Diễn Ngọc tâm sự: Mặc dù các cơ sở sản xuất đá lạnh hoạt động hết công suất, nhưng nhiều khi tàu thuyền ra khơi vẫn thiếu đá phải chờ đợi rất mất công. Tàu thuyền ngoài khơi về vẫn cần đá để bảo quản hải sản xuất khẩu, hoặc bỏ tủ đông lạnh, nhưng nhiều khi điện lưới yếu gây thiệt hại không nhỏ cho bà con ngư dân và các doanh nghiệp chế biến hải sản máy móc thiết bị vẫn bị hư hỏng …

Đối với Công ty CP thuỷ sản Vạn Phần, hàng năm chế biến trên 1 triệu lít nước mắm và chế biến trên 800 tấn cá khô, doanh thu đạt trên 7,5 tỷ đồng/năm. Lượng điện tiêu thụ cũng khá lớn, trước đây, khi chưa được ngành điện tiếp nhận cải tạo thì vấn đề điện phục vụ cho chế biến hải sản khá nan giải. Ông Đậu Xuân Thuỷ-Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết thêm: “Hiện tại có 2 cơ sở chế biến bột cá đang thiếu điện để sản xuất, chưa kể là 19 cơ sở chế biến đá lạnh (có 29 máy đá hoạt động hết công suất quanh năm), nhu cầu dùng điện cũng rất lớn, Sát bên là xã Diễn Bích chỉ đứng sau xã Diễn Ngọc về sản lượng hải sản, nhu cầu về điện lưới để phục vụ cho chế biến thuỷ, hải sản cũng rất lớn. Diễn Bích vẫn chưa được ngành điện tiếp quản, lâu nay hệ thống cột và đường điện rất kém, tổn thất điện năng nhiều.

Ông Phạm Văn Bình-Giám đốc Công ty điện lực Diễn Châu cho hay: Vùng ven biển nhiều xã đang khó khăn về điện lưới như: Diễn Hùng, Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Thành, Diễn Bích… Đường dây xuống cấp trầm trọng, vùng ven biển các cột điện, đường dây dễ bị nhiễm mặn nên không đảm bảo an toàn khi vận hành. Riêng đối với xã Diễn Bích, mật độ dân cư dày đặc, lại có khá nhiều cơ sở chế biến hải sản và sản xuất đá lạnh, ngành điện cần có kế hoạch để “dắm” thêm trạm biến áp và cải tạo đường dây 04, sau đó tiếp tục cải tạo lưới điện ở các xã khác vùng ven biển.

Tại xã Diễn Ngọc, tuy ngành điện đã tiếp nhận và đầu tư cải tạo, nhưng tại đây nhu cầu dùng điện quá lớn nên vào mùa hè vẫn thiếu điện, vẫn cần thêm 2 trạm biến áp để phục vụ cho nhu cầu chế biển thuỷ hải sản. Các xã như Diễn Kim cần bổ sung thêm 4 trạm biến áp, xã Diễn Hải cần 2 trạm, Diễn Hùng 2 trạm, tổng cộng cần khoảng 7-8 trạm biến áp và cải tạo mạng lưới đường dây thì mới đáp ứng được nhu cầu dùng điện cho các xã vùng ven biển. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành điện đang phải đi vay vốn để cải tạo lưới điện nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đầu tư nâng cấp lưới điện, trong khi vốn cải tạo cũng khá lớn, bình quân từ 5-7 tỷ đồng/xã.

Được biết, tỉnh ta được cấp điện từ 12 trạm 110 KVA. Theo nhận xét của ngành điện Nghệ An thì dây dẫn các đường trục chính 110 KVA đều có tiết diện nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp điện khi phụ tải tăng cao trong các năm tới. Các trạm 110 KVA đa số tải ở mức trung bình, nhiều trạm đã bị quá tải như ở Diễn Châu qúa tải 4,2%. Ông Bùi Hùng-Trưởng phòng quản lý điện năng Sở Công thương giải thích thêm: Ngoài các xã trên địa bàn tỉnh được hưởng từ dự án RE 2 cải tạo nâng cấp lưới điện), hiện có 34 xã nằm ngoài vùng dự án chưa được đầu tư. Trong đó có nhiều xã vùng biển của các huyện như Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu …ngành điện đang tiếp tục có kế hoạch để tiếp nhận, thay thế cải tạo lưới điện. Ước tính bình quân khoảng từ 2-2,5 tỷ đồng /xã tiền cải tạo điện lưới.

Theo đề án “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015” thì Điện lực Nghệ An sẽ thực hiện tốt chương trình giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố trên lưới, chống quá tải cho lưới điện trung áp nông thôn, quá tải trạm trung gian, đảm bảo yêu cầu cấp điện phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên rất cần được sự quan tâm đầu tư của Nhà Nước, đặc biệt là giải ngân kịp thời để đầu tư, cải tạo, đáp ứng nhu cầu cho nhân dân.


Văn Trường