Kỳ I: Trâu bò lậu vượt rừng qua biên giới

08/11/2011 15:19

(Baonghean) - Mỗi ngày, trung bình có khoảng hàng trăm con bò được người dân địa phương lùa theo đường tiểu ngạch qua biên giới sát cửa khẩu Nậm Cắn. Rồi chỉ bằng vài "thủ thuật", số trâu bò này tiếp tục được hợp thức hóa thành trâu bò địa phương một cách dễ dàng để đưa về xuôi, trong khi dịch lở mồm long móng vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trâu bò vượt biên

Những ngày giữa tháng 10, chúng tôi lên Cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Trời đứng bóng, chúng tôi mới tới được bản Tiền Tiêu (cách cửa khẩu khoảng 2km). Tại đây, thấy từng đàn trâu, bò được tập kết 2 bên đường. Có số đang được lùa lên xe ô tô, nhìn con nào cũng béo căng tròn. Vừ Pá Rê "bật mí": "Bò Lào đấy". Tưởng chúng tôi là "khách xộp", Rê hào hứng: "Phải sang tận Xiêng Khoảng, Viêng Chăn (Lào) mua về đó. Đi ròng rã cả tuần, ngày may mắn mới mua được chục con. Cứ lùa được qua biên giới là có đầu nậu đưa ô tô đến chở. Nói là vậy nhưng hành trình cũng vất vả lắm, phải luồn rừng lội suối, sên vắt cắn cho sưng người. Dân "đi bò" đều lùa bò về rồi tập kết tại bản Đỉn Đam (huyện Nọng Hét của Lào), rồi tiếp tục luồn rừng lùa về theo đường 2 bên cánh gà của Cửa khẩu Nậm Cắn"...

Trong vai người lên mua bò về làm thịt bán, chúng tôi tiếp cận với anh Lầu Bá Gì (bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn- huyện Kỳ Sơn). Anh Gì kể: "Bò bên đó nhiều lắm, họ bán với giá từ 10- 20 triệu đồng/ con. Do không đủ tiền nên anh em họ hàng với nhau cùng chung vốn lại để mua, mỗi người chừng khoảng 20-30 triệu. Nhiều người dân không có tiền thì đi dắt trâu bò thuê cho các chủ hàng, mỗi con sau khi dắt sang biên giới, họ được trả thù lao từ 60-100 ngàn đồng. Sau khi có hàng, các đầu nậu lên chọn bò rồi trả giá, khi 2 bên "thuận mua vừa bán", trâu bò sẽ được tập kết 2 bên đường chờ khi đủ hàng, các đầu nậu sẽ đưa xe lên chở về. Mỗi bãi tập kết trâu bò có từ 15 đến 30 con, được đánh dấu bằng mã số, ký hiệu riêng của từng đầu nậu.

Khi chúng tôi có ý muốn sang bên Lào mua bò về bán, anh Gì can ngăn: "Chỉ có người Mông ta mới thạo đường, thạo tiếng, các anh cứ ở bên này chờ đưa hàng về là được". Xã Nậm Cắn có 3 bản (Tiền Tiêu, Trường Sơn, Huếch Pốc) chủ yếu là người Mông làm nghề buôn bò nhiều nhất xã. Nhờ nghề này mà nhiều hộ dân trở nên khấm khá.

Theo những người dân bản địa tại đây, Cửa khẩu Nậm Cắn là nơi cung cấp trâu bò lớn nhất miền Trung. Hàng chủ yếu cung cấp cho các tỉnh miền Bắc, thậm chí có rất nhiều chuyến hàng được chuyển vào tận TP. Hồ Chí Minh. Mỗi con trâu bò từ 80 đến 100 kg có giá 12 đến 16 triệu đồng. Mỗi chuyến xe chở từ 15 đến 20 con trâu, lúc đắt hàng thu lời từ 10 đến 20 triệu đồng.

Chúng tôi theo chân mấy người Mông dắt thuê trâu bò đến một vài địa điểm "tập kết" khác. Tại đây, trâu, bò được khoanh thành từng bãi, mỗi bãi nhốt từ vài chục đến hơn 50 con. Chúng tôi bắt gặp mấy xe ô tô đã gom đầy bò đang nổ máy. Mọi việc lùa trâu bò qua biên giới, rồi đưa lên xe ô tô rất công khai và chẳng thấy ngành chức năng nào kiểm tra.



Người dân lùa trâu, bò ngang nhiên mà không có sự kiểm tra nào của các cơ quan chức năng.



Trâu bò được tập kết hai bên đường chờ các đầu nậu dưới xuôi lên chở về.

Bò Lào "biến" thành bò Việt

Lầu Bá Gì "làm giá": "Các anh muốn mua trâu, bò nhiều mấy cũng có, nhưng để tin tưởng thì phải đặt cọc mỗi con từ 500 ngàn - 1 triệu đồng". "Nếu về đến Thị trấn Mường Xén, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện trâu, bò không rõ nguồn gốc thì sao?" - Chúng tôi hỏi. Anh Lầu Bá Thái (bản Huếch Pốc, xã Nậm Cắn), một người chuyên "dắt bò", cười: "Chỉ cần có giấy bán bò có đóng dấu xác nhận và chữ ký của chủ tịch xã là có thể đưa về xuôi mà không bị bắt".

Ông Nguyễn Thế Độ - Chi cục trưởng Thú y Nghệ An
Địa hình biên giới giữa Lào và các huyện vùng biên tỉnh Nghệ An, đặc biệt là vùng trọng điểm xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn khá thuận lợi cho việc dắt bộ nhỏ lẻ trâu, bò từ bên kia biên giới Lào vào Nghệ An, nên người buôn bán dễ lợi dụng thu gom, trốn tránh kiểm dịch và vận chuyển đi trong đêm.
Trong lúc đó, lực lượng thú y quá mỏng, không đủ thẩm quyền yêu cầu dừng phương tiện vận chuyển trên đường giao thông; sự phối hợp của lực lượng các ngành chức năng không chặt chẽ, không kiểm soát được việc nhập trâu, bò từ Lào sang nên việc thực hiện kiểm dịch càng khó khăn.

Rồi Lầu Bá Thái chỉ cho chúng tôi cặn kẽ: "Cứ 2 bên thỏa thuận giá xong, người bán bò sẽ viết 1 cái giấy bán bò cho người mua, chỉ cần có giấy bán trâu bò là đưa lên xã đóng dấu xác nhận, xã thu phí mỗi con bò khoảng 25 ngàn, hoặc có thể thu theo xe (xe nhỏ chừng 150 ngàn/xe, xe lớn 200 ngàn/xe). Đây là "tấm vé thông hành" để "qua mặt" chốt kiểm tra của các cơ quan chức năng. Chẳng thế mà có chuyện nực cười, do làm giấy tờ khống nên có hộ dân người Mông nơi đây làm ăn không đủ no, thế mà ký giấy bán bò hàng trăm con trong 7 tháng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề người dân sang biên giới mua bò về bán, ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn thừa nhận: "Việc người dân buôn bán trâu, bò đã có từ lâu và trở thành phong tục, tập quán. Xã có 4 bản thì đã có tới 3 bản là người Mông, có người sang Lào mua trâu bò về bán thông qua đường tiểu ngạch, đường mòn trên núi". Vấn đề số trâu bò sau khi mua về được có hay không chuyện xã "tiếp tay" bằng việc đóng dấu, xác nhận là bò địa phương, ông Nhìa cho biết: "Xã chỉ đóng dấu sau khi có sự xác nhận là bò địa phương của trưởng bản. Còn số tiền xã thu là tiền phí bến bãi, xe nhỏ thì thu 100 ngàn đồng, xe to thì thu 150 ngàn đồng. Số tiền này là do huyện giao chỉ tiêu và cuối năm nộp vào Kho bạc. Năm 2011, xã Nậm Cắn được huyện giao chỉ tiêu phải thu được 36 triệu đồng, nhưng đến nay mới chỉ thu được gần 25 triệu đồng".

Ông Nhìa còn cho biết thêm: "Mỗi ngày, xã Nậm Cắn trung bình bán khoảng 20 con. Hiện tại, xã Nậm Cắn có 723 hộ dân, nhưng số lượng trâu bò của xã lên tới 4.000 con". Như vậy, trung bình, mỗi hộ nuôi từ 5-7 con trâu bò, nhiều gấp mấy lần các xã miền đồng bằng. Tuy nhiên, khi hỏi về tỷ lệ hộ nghèo của xã, ông Nhìa cho biết xã có tới 95% hộ thuộc diện nghèo.

Chúng tôi quan sát gần 1 ngày tại khu vực Cửa khẩu Nậm Cắn nhưng không hề thấy một lực lượng chức năng nào đến kiểm tra về xuất xứ, kiểm dịch của số trâu bò trên. Một lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nậm Cắn cho biết: "Trâu bò thường đi theo các đường tiểu ngạch từ Lào về, nhưng khi kiểm tra, tất cả số trâu bò này đều được địa phương xác nhận là trâu bò địa phương. Chi cục đã bắt giữ nhiều vụ nhưng rồi phải thả ra. Việc phân biệt được đâu là bò Lào, đâu là bò của dân bản địa nuôi là rất khó. Vì thế, việc chấm dứt được tình trạng buôn bán trâu bò lậu qua biên giới không phải dễ".

Tại Cửa khẩu Nậm Cắn có trụ sở Trạm kiểm dịch động vật (thuộc cơ quan thú y vùng 3). Khi chúng tôi vào làm việc thì trạm không có một bóng người. Theo những người ở gần đó thì trạm này ngày thường chỉ có một cán bộ tên Hạnh trực và cắm chốt tại đây. Nhưng hiện nay, anh Hạnh đã về dưới xuôi và có thể vài ngày nữa mới lên.

Tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu trâu, bò qua biên giới với số lượng lớn trên địa phận xã Nậm Cắn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hậu quả bùng phát dịch bệnh từ trâu, bò là khó tránh khỏi. Tỉnh và các ngành chức năng cần sớm có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn trâu, bò nhập lậu "chui" qua Cửa khẩu Nậm Cắn, tránh mầm bệnh phát tán khi những con bò này đã được "nhập quốc tịch".
(còn nữa)

Nhóm phóng viên