Già hoá dân số không phải là gánh nặng

26/12/2011 15:00

Dân số Việt Nam đang già hóa do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Để già hoá dân số không phải là "gánh nặng” mà thực sự là thành tựu to lớn trong việc cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng, phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ bây giờ cần hoàn thiện, xây dựng những chính sách phù hợp với thực tiễn già hóa dân số.



Già hoá dân số sẽ không phải là gánh nặng, mà thực sự là thành tựu của sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở Việt Nam - Ảnh: Hoàng Long

Dân số già tăng nhưng tuổi thọ "khoẻ mạnh” thấp

"Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số và già hóa nhanh hơn nhiều lần so với các nước khác” – TS. Giang Thanh Long - (Phó Viện trưởng Viện Chính sách và quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết. Hiện cả nước có khoảng 8,15 triệu người cao tuổi, chiếm 9,45% tổng dân số (tăng 0,7% so với năm 2009). Trong đó có gần 4 triệu người từ 60-69 tuổi, 2,8 triệu người 70-79 tuổi, 1,17 triệu người trên 80 tuổi, và khoảng 9.380 người trên 100 tuổi. Có 72,9% người cao tuổi sống ở nông thôn và 27,1% sống ở thành thị.

Thách thức trước mắt của tình trạng trạng già hóa dân số nước ta là "già trước khi giàu”, tuổi thọ "khỏe mạnh” thấp. Trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam phải chịu 14 năm bị bệnh tật trong tổng số 72,2 năm trong cuộc sống của mình. Hiện chỉ có 10% người cao tuổi được kiểm tra sức khỏe định kỳ và 50% người cao tuổi có bảo hiểm y tế.

Theo Hội người cao tuổi Việt Nam, hiện nay có rất ít bệnh viện hoặc cơ sở y tế dành riêng cho người cao tuổi, đặc biệt là thiếu trầm trọng các trung tâm và cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu đối tượng dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.

Theo kết quả điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê và Điều tra dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10%, từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 7% tổng dân số vào năm 2017, tức là dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2017. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già. So với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn thì tốc độ chuyển hóa cơ cấu dân số này của Việt Nam "ngắn hơn nhiều”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Dương Quốc Trọng cho rằng, khi chúng ta còn trong cơ cấu dân số trẻ, Nhà nước đã thành lập Ủy ban chăm sóc, bảo vệ trẻ em, xây dựng một mạng lưới chăm sóc trẻ em từ Trung ương đến địa phương. Trong khi chăm sóc một nguời cao tuổi tốn kém gấp 8 lần một đứa trẻ. "Nên chăng, cũng nên thành lập một Ủy ban chăm sóc bảo vệ người cao tuổi?”.

Người cao tuổi, vốn quý vô giá, cần được coi trọng và phát huy bởi vốn sống và những kinh nghiệm họ đã trải qua trong cuộc đời. Đó là nhóm người được ví như kho tàng sống cho các thế hệ tìm hiểu và học hỏi, "gừng càng già càng cay”. Tiếng nói của người cao tuổi là tiếng nói có uy tín trong xóm làng, là "địa chỉ đỏ” hỗ trợ các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Nhưng trước hết, họ cần được trọng dụng từ mỗi gia đình. Có những giải pháp và chính sách phù hợp dành cho người cao tuổi, chúng ta sẽ không phải gồng mình gánh một gánh nặng lớn về y tế và an sinh xã hội trong tương lai.

Tiếp tục có các chính sách an sinh phù hợp với người cao tuổi

Một vấn đề cần quan tâm là số lượng phụ nữ cao tuổi ở ta chiếm ưu thế so với nam giới cao tuổi. Đây là biểu hiện của hiện tượng "nữ hóa dân số cao tuổi”. Phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

Mặt khác, người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn ở nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 9-30% người cao tuổi có lương hưu hoặc được hưởng trợ cấp xã hội, mà quỹ hưu của chúng ta đang cạn kiệt và không còn thích ứng với biến đổi của cơ cấu dân số. Do đang hoạt động theo phương thức tự thanh tự chi, nên nếu số lượng người cao tuổi tăng, số người lao động giảm, quỹ hưu sẽ cạn kiệt.

Ông Bruce Campbell – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, các chính sách và chiến lược phát triển ở Việt Nam cần xây dựng trên cơ sở mối tương quan giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế, cũng như các dịch vụ xã hội và các nhu cầu về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng nhấn mạnh: Việt Nam đang ở thời khắc duy nhất trong lịch sử để xây dựng chính sách và can thiệp nhằm tác động tích cực và sâu rộng tới nâng cao cuộc sống và sức khoẻ của nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng gia tăng. Khi đó, già hoá dân số sẽ không phải là gánh nặng, mà thực sự là thành tựu của sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Luật Người cao tuổi ra đời cuối năm 2009 đã chú trọng rất nhiều đến những quyền lợi mà người cao tuổi được hưởng, như chính sách phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chính sách bảo trợ xã hội...

Chính phủ ban hành Nghị định 67 về chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội, trong đó có người cao tuổi, từ năm 2007. Những năm trước, Nghị định 67 của Chính phủ chỉ áp dụng cho người cao tuổi neo đơn, tàn tật và ở độ tuổi 90, sau đó xuống còn 85 tuổi. Song kể từ 1-1-2011, chính sách này đã áp dụng cho các cụ từ tuổi 80. Ngoài chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí, chế độ trợ cấp hàng tháng ở tỉnh cũng được nâng từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng/tháng.

Thêm nữa, Dự thảo Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản 2011-2020 Bộ Y tế trình Chính phủ đã đặt chỉ tiêu ít nhất 50% người cao tuổi được tiếp nhận các hình thức chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Dự thảo "Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020” đang xây dựng cũng đề xuất một số giải pháp mang tính lâu dài như tăng tuổi về hưu hoặc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. Đề án "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” đã triển khai thí điểm ở 7 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Bến Tre và Tây Ninh...

Có sự chuẩn bị chủ động và tích cực toàn diện, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, sẽ đủ sức cung cấp các dịch vụ phù hợp với yêu cầu, tránh "cú sốc” với người cao tuổi cũng như toàn xã hội.


Theo ĐaiĐoanket