Bệnh chồi cỏ mía - Lúng túng trong phòng trừ

26/12/2011 15:12

(Baonghean.vn) Bệnh chồi cỏ mía hiện đã gây hại cho gần 10.000 ha mía trên vùng nguyên liệu của tỉnh. Bệnh thường phát sinh gây hại mạnh vào quãng tháng 3 và tháng 11 hàng năm. Nguy cơ giảm diện tích vùng mía nguyên liệu của tỉnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không kịp thời triển khai các biện pháp quyết liệt trong dập dịch.

(Baonghean.vn) Bệnh chồi cỏ mía hiện đã gây hại cho gần 10.000 ha mía trên vùng nguyên liệu của tỉnh. Bệnh thường phát sinh gây hại mạnh vào quãng tháng 3 và tháng 11 hàng năm. Nguy cơ giảm diện tích vùng mía nguyên liệu của tỉnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không kịp thời triển khai các biện pháp quyết liệt trong dập dịch.

Ông Tạ Đình Trợ - Giám đốc Khuyến nông của Công ty Mía đường Nghệ An Tate & Lyle - đơn vị có vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh, không giấu được sự lo lắng: Hiện trong vùng nguyên liệu của công ty đã có 6.520 ha bị bệnh chồi cỏ mía, trong đó3.016 ha nhiễm nặng và 3.004 ha đang ở mức độ nhiễm nhẹ. Điều đáng lo là diện tích mía bị bệnh đang ngày càng tăng một cách nhanh chóng.

Ông Trợ cho biết, trước đây phải mất 12 tháng, bệnh chồi cỏ mới gây hại được trên những diện tích mía trồng bằng giống sạch bệnh đưa về từ miền Nam và Trung Quốc, thì hiện tại, thời gian đó nay chỉ còn 6 tháng. Theo thống kê, diện tích lây lan hàng năm theo đường chim bay là 10 km/năm, và hiện trong vùng mía nguyên liệu của công ty chỉ còn một số diện tích ở Quỳ Châu và Quế Phong đang được tạm coi là "sạch bệnh". Trong khi đó, các biện pháp phòng trừ gần như không có hiệu quả. Bên cạnh thực hiện đúng các hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, Công ty Mía đường Tate & Lyle đã chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn giống sạch bệnh, tuy nhiên, diện tích nhiễm hoặc tái nhiễm đều tăng nhanh. Công tác tiêu hủy diện tích mía nhiễm bệnh dù làm rất tốt vẫn không ngăn được sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.



Bệnh chồi cỏ gây hại trên vùng nguyên liệu mía của Công ty Mía đường Sông Con (Tân Kỳ).


Tại Tân Kỳ, người dân cũng như các ban, ngành chức năng và Công ty Mía đường Sông Con cũng đang rất lúng túng trong việc tìm giải pháp xử lý bệnh chồi cỏ mía. Ông Nguyễn Đình Hải - Phó phòng Nông vụ của Công ty cho biết: Hiện trong tổng diện tích 4.960 ha vùng nguyên liệu ở Tân Kỳ đã có hơn 1.734 ha nhiễm bệnh, trong đó gần 1.400 ha nhiễm nặng. Hiện đơn vị đang đặt mua giống mía sạch bệnh ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa) và một số vùng của Yên Thành, Anh Sơn về cung ứng cho bà con, khuyến cáo tuyệt đối không dùng giống ở những vùng đã có dịch dù là chưa bị bệnh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, đơn vị rất mong tỉnh sớm giúp công ty xây dựng được trại sản xuất giống mía sạch, cung cấp hoàn toàn giống mía sạch bệnh cho người dân vùng nguyên liệu.


Ông Tạ Đình Trợ cho biết: Cùng các chính sách hỗ trợ bà con trong tiêu hủy, trồng mới, đơn vịcũng đã thống nhất cấp lệnh thu hoạch trước 30/12/2011 cho những diện tích mía chín sớm và nhiễm bệnh chồi cỏ ở mức độ nặng, với những diện tích mía chín trung bình sẽ cho thu hoạch trước 30/1/2012. Tại Công ty Mía đường Sông Con, ông Hải chia sẻ: Niên vụ 2011 - 2012, với chỉ tiêu sẽ trồng mới 1.500 ha và trồng lại 1.000 ha (trong đó có cả những diện tích đã bị bệnh chồi cỏ), đơn vị cũng đã có những chính sách phù hợp khuyến khích người trồng mía như hỗ trợ giống, phân bón, tiền làm đất... đối với những diện tích mía trồng mới, hỗ trợ thuốc BVTV trong trường hợp bị sâu bệnh...


Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp được coi là "tình thế". Tại các vùng nguyên liệu mía, nhiều ý kiến đề nghị tỉnh, khi chưa tìm được cơ chế lây lan dịch bệnh thì nên có giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo được hoạt động của cáccông ty mía đường, vừa trồng luân canh cây trồng khác ở những vùng đã từng bị bệnh.


Phó Giám đốc Sở NN và PTNT - ông Nguyễn Văn Lập cho biết: Tuy ngành Nông nghiệp đã có khuyến cáo rất rõ ràng về các biện pháp phòng trừ bệnh, thế nhưng người dân và các địa phương thực hiện không nghiêm túc. Nhiều nơi chưa tiêu hủy hết diện tích nhiễm trung bình và nặng, ở những diện tích nhiễm nhẹ, tình trạng đó càng phổ biến. Qua thực tế, những diện tích bị nhiễm nhẹ hầu như đều tái nhiễm. Tuy nhiên, trước mắt, nếu tiến hành tiêu hủy toàn bộ diện tích bị bệnh và những vùng xung quanh như một số ý kiến đề xuất của các địa phương thì diện tích mía bị tiêu hủy sẽ lên đến gần 10 nghìn ha, rất khó khăn cho hoạt động của các nhà máy.

Bởi vậy, chủ trương tiêu hủy đó chưa thực hiện được, nhưng ngành Nông nghiệp khuyến khích ở những vùng cân đối được có thể tiêu hủy, trồng luân canh loại cây khác. Hiện Viện Bảo vệ thực vật đang triển khai một đề tài nghiên cứu về bệnh chồi cỏ mía ở Nghệ An, thế nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra tác nhân truyền bệnh là vi rút hay vi sinh vật trung gian giữa vi rút và vi khuẩn gây ra, vì vậy, chưa có biện pháp để phun diệt. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh chồi cỏ mía đã được xác định là do phytoplasma không lây qua đất và cây mía đã chết mà chỉ truyền qua cây sống, vật sống. Vì vậy, tiêu huỷ cây mía bị bệnh là việc làm cần thiết và là biện pháp duy nhất trong thời điểm hiện tại.


Dự báo trong thời gian tới, bệnh chồi cỏ mía sẽ tiếp tục phát sinh gây hại nặng trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng mía nguyên liệu của tỉnh, đặc biệt trên diện tích mía đã nhiễm bệnh trung bình và nặng, mía lưu gốc niên vụ 2011- 2012, bệnh sẽ phát triển mạnh trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 tới. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã có những khuyến cáo cụ thể, các địa phương cần nghiêm túc triển khai triệt để.

Trước hết là tiến hành rà soát toàn bộ diện tích mía, xác định và khoanh vùng đối với diện tích mía bị nhiễm ở các mức độ khác nhau. Các công ty mía đường phải có kế hoạch để cấp lệnh thu hoạch sớm và đồng loạt đối với các diện tích này để nông dân kịp thời làm đất và xử lý tiêu huỷ, chuẩn bị cho trồng lại mía vụ xuân. Tiêu huỷ nguồn bệnh cần được xác định là biện pháp quan trọng để hạn chế bệnh phát sinh lây lan ra diện rộng. Ở từng mức độ nhiễm, cần có các biện pháp phù hợp. Theo đó, toàn tỉnh có 4.381 ha bị nhiễm từ 20% trở lên cần cày phá gốc và thu gom đốt, 3.877 ha nhiễm dưới 20% cần xử lý đào bỏ cây bệnh và tiêu huỷ, việc xử lý này tiến hành càng sớm càng tốt và phải xong trước 30/4/2012 để chăm sóc mía. Ngoài ra, cũng có thể dùng thuốc trừ cỏ phun diệt khóm mía bị bệnh.


Hiện tại, chưa xác định được môi giới truyền bệnh nên việc trồng lại bằng giống sạch bệnh được coi là biện pháp khả thi nhất. Trước hết, cần điều tra rà soát lại diện tích mía sạch bệnh hiện có trên địa bàn, thông báo cho bà con nông dân chủ động mua trồng ngay sau khi thu hoạch mía. Những diện tích chưa có điều kiện trồng lại thì luân canh cây trồng khác và tiếp tục trồng mía vào vụ thu 2012. Dự kiến, diện tích cày phá trồng lại năm 2012 là 4.380 ha và trồng mới sẽ là 2.829 ha.

Đặc biệt lưu ý tuyệt đối không được sử dụng giống trên ruộng đã nhiễm bệnh hoặc giống trong vùng đã nhiễm bệnh cao, phải sử dụng giống chưa bị bệnh và ở xa vùng mía chưa bị bệnh. Để tăng sức đề kháng cho cây mía, nhất thiết phải chăm sóc mía đúng quy trình kỹ thuật, giúp mía sinh trưởng, phát triển khỏe, khả năng kháng bệnh tốt và không để mía lưu gốc quá 3 năm.Về lâu dài, cần khẩn trương xây dựng các vùng sản xuất giống mía sạch bệnh đáp ứng nhu cầu vùng nguyên liệu, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến tận người trồng mía để bà con chủ động trong cách phòng trừ chồi cỏ mía.


Phú Hương