Nghĩ về nghề dạy học

18/11/2011 16:57

Mỗi nghề có đặc thù riêng. Đặc thù về mục đích, về đối tượng tác động, về công cụ, về kỹ năng lao động… Trên quan điểm như vậy, nghề dạy học mang trong nó lắm yếu tố khu biệt. Đối tượng không là vật chất, hay con người nhưng chỉ ở những vài phương diện như sinh lý, tâm lý, sức khỏe… mà các nhà chuyên môn Sinh lý học, Giải phẫu học, Tâm lý học, Y học hướng đến; đối tượng của dạy học là con người toàn vẹn bao gồm: Đức – Trí – Thể - Mỹ.

(Baonghean.vn) Mỗi nghề có đặc thù riêng. Đặc thù về mục đích, về đối tượng tác động, về công cụ, về kỹ năng lao động… Trên quan điểm như vậy, nghề dạy học mang trong nó lắm yếu tố khu biệt. Đối tượng không là vật chất, hay con người nhưng chỉ ở những vài phương diện như sinh lý, tâm lý, sức khỏe… mà các nhà chuyên môn Sinh lý học, Giải phẫu học, Tâm lý học, Y học hướng đến; đối tượng của dạy học là con người toàn vẹn bao gồm: Đức – Trí – Thể - Mỹ.

Do vậy, từ đó nghề dạy học có những đòi hỏi riêng, rất riêng. Làm nghề này phải có nhân cách cơ bản của con người chân chính, đương nhiên. Và có chuyên môn sâu, rộng- càng sâu, rộng càng cần, càng quý. Và có nghiệp vụ dạy học, thường trong nghề gọi là nghiệp vụ sư phạm. Và một nghệ thuật, được nâng lên từ sư phạm ấy. Đây là “thước đo”, là “thuốc thử màu” về tố chất, giá trị của một nhà giáo. Phẩm bình, đánh giá, khen – chê, trọng – khinh của xã hội, trước hết qua con mắt của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, rộng ra là nhân dân là ở chỗ nhà giáo làm được những gì cho đối tượng của mình: học sinh trên con đường biến đổi họ về chất!

“Sinh ư nghệ, tử ư nghệ” (sống vì nghề, chết vì nghề). Chính là vậy, nói chung và mang tính phổ biến, nghề dạy học từ xa xưa như Khổng Phu Tử (Trung Quốc), Chu Văn An (Việt Nam)…,khắp các châu lục trên thế giới và rất dễ thấy ở Việt Nam ta, giống như người trí thức chân chính, nhà giáo không giàu có. Họ không bị rơi vào dưới đáy xã hội về mức sống, nhưng đời sống vật chất thường chỉ trên dưới mức trung bình. Có lẽ, muốn giàu có, đừng làm nghề dạy học, đã làm nghề dạy học đừng cầu sự giàu có!



Sinh viên tình nguyện dạy ngoại khóa tại xã Châu Thuận (Quỳ Châu)

Bởi đối tượng lao động nghề nghiệp dạy học và mục đích hoạt động giáo dục là hướng tới con người, nhất là tuổi trẻ, cho nên DẠY – HỌC là một tương tác hai chiều rất vi diệu, mật thiết, hữu cơ… giữa người dạy (nhà giáo) và học sinh (người học, trao đổi, chủ động, sáng tạo). Nhìn từ yêu cầu vừa có tính lý tưởng, đòi hỏi cao, vừa là những điều tối thiểu cần thiết đặt ra cho hoạt động nghề dạy học như vậy, ta nhận ra thực trạng việc Dạy – Học cho đến hôm nay còn khá phổ biến, tuy ở mức độ nặng – nhẹ khác nhau, ở tỉnh ta và có lẽ là cả nước, từ TH, THCS, THPT, thậmchí ĐH, còn nghiêng hẳn về dạy, ít chú ý về học. Tệ hại nhất là nạn “đọc - chép” , làm bài tập khuôn... vẫn còn nhiều ở một số giáo viên và nhà trường?!

Dạy thì chăm chăm “rót” những điều nói trong SGK (tôi không dùng “kiến thức SGK”, bởi hiểu sâu, hiểu thấu đáo một bài trong đó, một nhà giáo có lương tâm, lương tri cần cả một đời!). Không cùng học sinh, không cho học sinh so sánh, phản biện, lật đi lật lại vấn đề. Dung lượng kiến thức, kỹ năng SGK nêu ra, dù đã “giảm tải” cũng bị “teo tóp” nhiều. Nói chi việc ghi dấu ấn, tức cống hiến rất cần có của bài dạy trong buổi lên lớp của giáo viên!

Dạy – Học hiện nay, có thể khẳng định, người dạy mới chú trọng truyền kiến thức (kiến thức chủ yếu trong SGK), mà chưa quan tâm đến dạy: Cách học, giúp học: Cách học. Tôi ghi nhớ mãi bởi lời đề nghị của học sinh chuyên Toán suất sắc Nguyễn Văn An (sau này khi tốt nghiệp ĐHSP Vinh, anh về dạy chuyên Toán Trường Phan Bội Châu, và hiện dạy ở Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) trên diễn đàn Hội nghị học tốt một năm nào ở Trường Năng khiếu Phan Bội Châu: “Thưa các thầy, cái chúng em cần ở các thầy không phải là giải bài này, bài nọ, mà là phương pháp học tập!”.

Gần đây, đọc bản dịch cuốn sách Thế giới phẳng (NXB Trẻ - TP. Hồ Chí Minh, 2006) của nhà báo nổi tiếng Hoa Kỳ, Thomas L.Friedman có một câu nằm trong lòng tôi: “Kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần có trong một thế giới phẳng là khả năng “học phương pháp học” – nghĩa là thường xuyên tiếp thu và học hỏi những phương pháp mới để làm những công việc cũ hay những phương pháp mới để làm những công việc mới” (trang 446). Ngay từ TH, THCS, qua THPT, nhất là đến ĐH, người thầy giáo giỏi đã có thể trao đổi, truyền thụ tới học sinh không ít cách học, từ những phương pháp nhỏ đến lớn ở tất cả, mỗi một phân môn, bộ môn của khóa trình đào tạo.

Theo tôi, “hạt nhân”, điểm trọng yếu của “học phương pháp học” la đánh động, khởi dậy và hình thành phương pháp suy nghĩ, cách tư duy, phương pháp luận khoa học cho học sinh qua mỗi bài, mỗi chương, mỗi bài tập trắc nghiệm… Đừng nghĩ rằng chỉ có các bộ môn tự nhiên mới có sức mạnh và điều kiện làm tốt đòi hỏi này. Sẽ sai lầm lớn, khi cho rằng các môn học xã hội – nhân văn ít có khả năng làm nên thành quả quan trọng số một của việc Dạy – Học ấy. “Học phương pháp học” cũng như rèn đúc trí thông minh, phương pháp tư duy tối ưu là giao diện của các bộ môn, qua tài năng dạy học của nhà giáo, tất cả tập trung phát triển bộ não – cái quý giá sẽ làm nên mọi thành tựu, nhất là ở thời nay.

Một thực tiễn và thực tế trong giáo dục – đào tạo, bằng chứng rõ, dễ thấy nhất là ở các trường chuyên như Phan Bội Châu (Vinh, Nghệ An), là hầu hết học sinh học chuyên Văn không theo nghề Văn; nhưng nếu gặp nhà giáo có phương pháp dạy cách học, cách suy nghĩ, phương pháp luận khi đang học phổ thông thì ở trường ĐH (ngoài ngành Văn), nhất là lúc vào đời, họ học sẽ xuất sắc, làm việc chủ động, linh hoạt, hiệu quả!


Lê Thái Phong