Bài 2: Chuyển đổi vùng mà chưa chuyển đổi nghề

07/12/2011 14:41

Hiệu quả từ quá trình chuyển đổi nghề cho ngư dân đã được khẳng định rõ nét qua thực tiễn. Tuy nhiên, thiếu vốn, thiếu kỹ năng, chuyển đổi vùng mà chưa thực sự thay đổi nghề… đang là những vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện, ngư dân vẫn “cái khó bó cái khôn”.

(Baonghean) - Hiệu quả từ quá trình chuyển đổi nghề cho ngư dân đã được khẳng định rõ nét qua thực tiễn. Tuy nhiên, thiếu vốn, thiếu kỹ năng, chuyển đổi vùng mà chưa thực sự thay đổi nghề… đang là những vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện, ngư dân vẫn “cái khó bó cái khôn”.

Hiệu quả kinh tế được nâng cao

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4.300 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó ở Diễn Châu, một nửa tàu thuyền có công suất nhỏ. Đặc biệt, có đến gần 700 phương tiện hành nghề giã kéo, đây là nghề có vùng hoạt động ở tuyến bờ, tuyến lộng và có tác động rất lớn đến nguồn lợi. Do sự phát triển quá nhanh của nghề này, cộng với cách khai thác theo kiểu “hủy diệt”, không tuân thủ các quy định về mắt lưới, loại nghề, sử dụng chất nổ, xung điện… nên nguồn ngư lợi ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Sản lượng khai thác thấp, chất lượng hải sản, quy trình bảo quản không đáp ứng được các tiêu chí của nhiều thị trường nên ngư dân chỉ bán sản phẩm theo đường tiểu ngạch. Trước thực trạng đó, yêu cầu về chuyển đổi nghề cho ngư dân từ vùng lộng ra vùng khơi, chuyển đổi một số nghề khai thác ngày càng bức thiết hơn.

Ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), một số mô hình chuyển đổi nghề của ngư dân đã cho thấy được hiệu quả thiết thực. Anh Thái Bá Ánh, ở xóm Ngọc Minh (Diễn Ngọc) bắt đầu chuyển đổi nghề từ tháng 6/2010. Trước đây, anh Ánh có 1 chiếc tàu có công suất 24CV, chủ yếu đánh bắt vùng lộng bằng các nghề vây rút, vây xăm. Trung bình mỗi chuyến ra khơi, tàu của anh chỉ đánh bắt được khoảng 2-3 tạ hải sản, trong đó chiếm đến 60% là cá tạp, có giá trị thấp. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi nghề bằng việc mua tàu mới loại 90CV, chuyển sang đánh bắt vùng khơi, từ sản lượng đến giá trị khai thác tăng đáng kể. Anh Ánh cho biết: “Từ khi chuyển đổi nghề, mỗi chuyến ra khơi cũng khai thác được trung bình từ 1-1,2 tấn hải sản. Tỷ lệ cá tạp giảm xuống rõ rệt, chỉ còn 35%. Các loại hải sản có giá trị như mực, cá thu, cá ngừ … đánh bắt được nhiều hơn. Thu nhập bình quân của các thuyển viên tăng lên nên ai cũng hăng hái ra khơi”. Sau khi chuyển đổi nghề, anh Ánh được Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng. Từ số tiền này, anh có điều kiện để mua sắm thêm các ngư cụ đáp ứng tốt hơn yêu cầu khi ra khơi.



Ngư dân đang rất cần hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề

Cũng giống anh Ánh, hộ anh Nguyễn Văn Tuấn, xóm Chiến Thắng (Diễn Bích) đã đầu tư hơn 500 triệu để thay thế chiếc tàu có công suất 24CV lên 105CV, chuyển từ đánh bắt vùng lộng ra vùng khơi. “Hơn 6 tháng từ khi chuyển ra vùng khơi đánh bắt cá, chưa chuyến nào bị thua lỗ cả. Sản lượng khai thác được tăng gấp 5 lần từ 2- 3 tạ trước khi chuyển đổi lên đến 1-2 tấn hải sản, các loại cá có giá trị như cá trích, cá cơm… cũng tăng lên”, anh Tuấn cho biết. Hiện tại xã Diễn Ngọc đang còn 2 hộ là hộ anh Thái Bá Tranh và Thái Bá Ky đã hoàn thiện hồ sơ và đang chờ được phê duyệt để nhận hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi nghề. Theo anh Ky: “Số tiền khoảng 70 triệu đồng là nguồn khích lệ, động viên của Nhà nước đối với những ngư dân như chúng tôi”.

Xã Diễn Ngọc, sau khi một số mô hình chuyển đổi nghề, sản lượng đánh bắt hải sản của xã được nâng lên. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2010, tổng sản lượng khai thác của toàn xã đạt 12.000 tấn. Nhưng đến tháng 11/2011, tổng sản lượng khai thác đã tăng lên 13.000 tấn. Trong đó, số cá tạp đã giảm xuống còn 35%, số cá xuất khẩu đã nâng lên 25% và còn 40% là số cá chợ. Đời sống người dân được nâng lên. Đặc biệt, từ việc chuyển đổi nghề của một số mô hình đã thúc đẩy các ngành nghề khác như chế biến hải sản, đá lạnh… phát triển. Xã đã tuyên truyền người dân tiến hành chuyển đổi tàu công suất nhỏ sang công suất lớn và vận động các chủ tàu thành lập các tổ hợp tác khai thác nhằm hỗ trợ nhau lúc đi biển”.

Ngư dân thiếu vốn

Hiện nay, quá trình chuyển đổi nghề đang gặp một rào cản rất lớn, đó là khó về nguồn vốn. Nếu muốn chuyển đổi sang đánh bắt vùng khơi, tàu cá của ngư dân phải đạt từ 90CV trở lên. Để đầu tư một chiếc tàu như vậy, ngư dân phải bỏ ra tối thiểu từ 450-500 triệu đồng nếu mua lại tàu cũ, còn đóng mới thì mất khoảng hơn 1 tỷ đồng. Theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 20/1/2010 của UBND tỉnh, về việc hỗ trợ chuyển đổi nghề (từ vùng lộng ra vùng khơi) cho ngư dân là từ 60-70 triệu đồng/mô hình. Đây là số tiền còn khiêm tốn so với số vốn mà ngư dân phải bỏ ra. Trong khi đó, vay vốn ngân hàng khó, mỗi lần vay cũng chỉ được từ 70-100 triệu đồng.

Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 6 mô hình (Quỳnh Lưu: 1 mô hình, Diễn Châu: 3 mô hình, Thị xã Cửa Lò: 2 mô hình) đang hoàn thiện hồ sơ để chờ được hỗ trợ. Trong khi đó, tại xã Diễn Bích, số hồ sơ của ngư dân gửi lên xã đang chất thành chồng. Xã Diễn Ngọc định hướng đến hết năm 2012, 50% số tàu thuyền của xã sẽ được chuyển đổi sang công suất lớn, có khả năng đánh bắt ở vùng khơi. Khác với huyện Quỳnh Lưu, do ngư dân có điều kiện nên hầu hết số tàu thuyền đều được lắp máy công suất lớn, và thường đánh bắt ở vùng khơi, tại Diễn Châu, đời sống của hầu hết ngư dân còn khó khăn. Vì vậy, để chuyển đổi nghề không phải ngày một, ngày hai.

Không chỉ thiếu vốn, nhiều ngư dân đang thiếu những kỹ năng vận hành máy móc, thiếu hiểu biết về Luật biển để đưa tàu ra khơi xa. Anh Thái Bá Tranh tâm sự: “Mặc dù đã được đào tào về máy trưởng, thuyền trưởng nhưng nhiều lúc đi biển cũng gặp rủi ro do thiếu kỹ năng. Hơn nữa, do đánh cá ở vùng khơi thường va chạm với các tàu khác, nhất là tàu Trung Quốc”. Tuy đã được đầu tư nhưng nhiều tàu thuyền khai thác ở vùng khơi đang thiếu các ngư cụ thiết yếu. Tàu anh Thái Bá Ánh mặc dù đã chuyển đổi ra khơi hơn 5 tháng nhưng hiện vẫn chưa có thùng đá để bảo quản cá. Hay như các kiến thức về cứu hộ, cứu nạn cho các thuyền viên trên tàu khi có tai nạn xảy ra chưa được quan tâm đúng đắn. Hiện nay, hàng trăm tàu cá và ngư dân tại huyện Diễn Châu chưa mua bảo hiểm.

Trao đổi xung quanh vấn đề chuyển đổi nghề cho ngư dân, ông Hoàng Văn Bốn, Phó phòng Công thương huyện Diễn Châu (một người có nhiều năm gắn bó với ngành Thủy sản) chia sẻ rằng: “Hiện nay, ngư dân chỉ mới chuyển đổi vùng chứ chưa thực sự chuyển đổi nghề”. Theo ông Bốn, mặc dù đã nâng công suất tàu lên trên 90CV, chuyển từ vùng lộng ra vùng khơi nhưng nhiều ngư dân vẫn sử dụng nghề giã kéo cũ. Từ đây, nguồn tài nguyên biển càng ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, nghề cá nổi không phải là nghề truyền thống của huyện Diễn Châu. Trong khi các cơ quan chức năng chưa thể quản lý được vấn đề này thì nhận thức của ngư dân vẫn chưa được cải thiện.

“Muốn chuyển đổi nghề cho ngư dân có hiệu quả thì phải để cho ngư dân tự lựa chọn nghề cho mình. Bởi vì, chỉ có ngư dân mới biết họ phù hợp với nghề gì. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng các mô hình, tổ chức các buổi tập huấn, tham quan cho ngư dân, rồi để ngư dân tự tìm hướng đi. Thông qua đó, Nhà nước có chính sách phù hợp để hỗ trợ ngư dân mà thôi”, ông Bốn cho biết.


Phạm Bằng