Để phụ nữ tự quyết tuổi hưu

23/11/2011 14:22

- Bà Hà Thị Thanh Vân, Phó trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - trao đổi với Tiền Phong về tuổi nghỉ hưu của nữ giới, hiện đang gây tranh cãi giữa hai mức 55 và 60 tuổi.

Theo bà, tuổi nghỉ hưu của nữ nên giữ ở mức 55, hay nên tăng ở độ tuổi 60. Nếu tăng thì nên quy định cho nữ giới nói chung, hay theo các ngành nghề riêng biệt?

Nếu nói riêng về tuổi hưu của nữ, tôi nghĩ nên điều chỉnh theo hướng 55 tuổi đối với lao động trực tiếp và những ai không thuộc đối tượng này nhưng không muốn tiếp tục làm việc sau tuổi 55. Các lao động còn lại sẽ nghỉ ở tuổi 60.

Do mỗi người quyết định tham gia lao động ở những độ tuổi khác nhau, làm công việc có tính chất, mức độ khác nhau nên việc điều chỉnh tuổi cho nữ cần linh hoạt theo các nhóm ngành nghề để bảo đảm hài hòa, tạo cơ hội để phụ nữ tự quyết định thời điểm nghỉ của mình dựa vào điều kiện thực tế của sức khỏe và những vấn đề liên quan khác của bản thân.

Độ tuổi nghỉ hưu 55 cho nữ thời gian qua có bộc lộ những bất cập gì không?

Theo tôi, có nhiều bất cập cụ thể, trong thực tế, đã và đang có không ít các chính sách liên quan đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm…đều lấy tuổi hưu là mốc để quy định nên nhiều phụ nữ đã chịu thiệt thòi không phải vì trình độ, năng lực mà chỉ vì không đủ tuổi theo quy định.

Bên cạnh đó, một bộ phận phụ nữ không có cơ hội hưởng lương hưu hằng tháng do giới hạn tuổi 55 không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Đây có phải lý do để đưa ra quan điểm nâng tuổi nghỉ hưu lên 60?

Nếu phân tích một cách kỹ hơn cũng sẽ còn một số bất cập khác, tuy nhiên, không phải chỉ dựa hoàn toàn vào những bất cập này để cho rằng cần phải tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 mà lý do quan trọng hơn chính là vai trò của nhà nước bảo đảm “quyền” phải như nhau cho mọi người, bất luận họ là ai.

Còn việc dừng lại ở tuổi nào là do chính mỗi người tự quyết định trong khuôn khổ pháp luật.

Cảm ơn bà.

Tại diễn đàn Quốc hội ngày 22-11, Chủ tịch Hội LHPN VN Nguyễn Thị Thanh Hòa (ĐB Bắc Ninh) nói nên “hai giảm, một tăng”: Giảm tuổi nghỉ hưu cho lao động nặng nhọc, giảm năm đóng BHXH cho cán bộ chuyên trách ở cơ sở, tăng tuổi hưởng lương hưu đối với nữ trí thức.


Mỹ Hằng - (Theo Tiền phong)