Nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè Nghệ An trên thị trường xuất khẩu

04/12/2011 14:46

Với diện tích đất trung du, miền núi rộng lớn, rất thuận lợi cho phát triển cây chè công nghiệp, từ nhiều năm nay, tỉnh ta đã chú trọng phát triển ngành chè, nhằm khai thác tiềm năng, tạo việc làm cho nông dân. Đến nay, sản phẩm chè của Nghệ An đã khẳng định được chất lượng, đặc biệt ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để sản phẩm chè xuất khẩu của tỉnh ta đứng vững thì cần đổi mới cách thức sản xuất cũng như cải tiến thiết bị chế biến.

(Baonghean) - Với diện tích đất trung du, miền núi rộng lớn, rất thuận lợi cho phát triển cây chè công nghiệp, từ nhiều năm nay, tỉnh ta đã chú trọng phát triển ngành chè, nhằm khai thác tiềm năng, tạo việc làm cho nông dân. Đến nay, sản phẩm chè của Nghệ An đã khẳng định được chất lượng, đặc biệt ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để sản phẩm chè xuất khẩu của tỉnh ta đứng vững thì cần đổi mới cách thức sản xuất cũng như cải tiến thiết bị chế biến.

Sớm xâm nhập thị trường

Ngay sau khi sản phẩm chè Nghệ An tham dự Festival chè Quốc tế được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên (ngày 13/11/2011), chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với ông Hồ Viết An - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển chè Nghệ An để đánh giá lại một cách khách quan về sản phẩm chè của ta. Ông An khẳng định: Nếu so với chè Thái Nguyên thì ta không thể so sánh được, vì đó là cái nôi chè của cả nước. Thái Nguyên có lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước, cộng với nguyên liệu chè búp tươi có chất lượng cao, kỹ thuật chế biến truyền thống tinh xảo của các làng nghề, làm cho chất lượng sản phẩm chè Thái Nguyên có hương vị đặc biệt, thơm ngon nổi tiếng. Do vậy, chè Thái Nguyên đã thành “thương hiệu” đối với người tiêu dùng trong nước từ trước đến nay. Tuy nhiên, sản phẩm chè của ta lại có lợi thế riêng, đó là: Nghệ An đang đứng trong tốp đầu các tỉnh có số lượng chè xuất khẩu sang nước ngoài.

Vì sao chè của ta lại được người tiêu dùng nước ngoài chấp nhận và hàng năm đều xuất khẩu với số lượng đáng kể như vậy? Nguyên nhân là ta đã sớm xâm nhập thị trường thế giới bằng cách chế biến chè đen để đáp ứng thị trường xuất khẩu. Từ những năm 1990, Nghệ An đã chủ động xây dựng được vùng nguyên liệu chè, gắn với chế biến. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 8 nghìn ha chè tập trung, trong đó 6 nghìn ha chè đang trong thời kỳ thu hoạch. Năng suất chè của ta đã đạt bình quân trên 10 tấn búp tươi/ha/năm. Cây chè công nghiệp thực sự đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân vùng trung du miền núi, như: Con Cuông, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ và mới đây là Kỳ Sơn. Nhiều vùng ở Anh Sơn, chính quyền địa phương đã vận động, khuyến khích bà con chuyển đổi từ trồng ngô, sắn… sang trồng chè. Cùng với đó, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An cũng tăng cường chuyển giao các tiến bộ KHKT cho bà con áp dụng, nhờ vậy năng suất, chất lượng chè ngày một nâng lên. Đặc biệt, công ty đã gắn chế biến với phát triển vùng chè, nhằm đáp ứng nhu cầu về tiêu thụ sản phẩm cho người trồng chè. Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An đã xây dựng được 9 xí nghiệp chế biến chè tại các vùng quy hoạch trồng chè.



Sản phẩm chè tại Xưởng chế biến chè xã Hùng Sơn (Anh Sơn).

Với số diện tích chè đó, hàng năm, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An đã thu mua từ 35 – 40 nghìn tấn chè búp tươi, chế biến được 7 nghìn tấn chè khô. Trong đó 6 nghìn tấn dùng để xuất khẩu sang 16 nước thuộc các khu vực châu Âu, Đông Âu, Đông Á (trong đó 4 nghìn tấn chè đen, 2 nghìn tấn chè xanh). Tại Festival chè Quốc tế tại Thái Nguyên, sản phẩm chè của Nghệ An đã tham gia vào Hiệp hội chè Việt Nam. Ngay sau đó, một số khách hàng nước ngoài đã tiếp cận với sản phẩm chè Nghệ An. Đây là cơ hội để chè Nghệ An mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời tại đây, Hiệp hội chè Việt Nam đã tìm ra một số giải pháp phát triển chiều sâu cho cây chè, nhằm tăng năng suất chè búp tươi trong thời gian tới.

Phát triển chè, ngoài ý nghĩa kinh tế, còn góp phần ổn định đời sống và định cư cho người nông dân, giải quyết việc làm tại chỗ, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng của nhiều hộ nông dân. Theo ông An, thời gian tới, sản xuất và chế biến tiêu thụ chè Nghệ An cần phải xác định một số trọng tâm: Phát triển sản xuất chè theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích và sản phẩm chè; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đầu tư chiều sâu cho vùng chè

Mặc dù Nghệ An là một trong những địa phương xuất khẩu chè lớn nhất nước, nhưng để cạnh tranh với chè của một số nước, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanca..., ông An cho rằng, thời gian tới, Nghệ An cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất chè; tích cực chuyển giao kiến thức KHCN cho người trồng chè và không ngừng đổi mới nâng cao thiết bị công nghệ chế biến chè để nâng cao sản lượng và chất lượng chè.

Ông An khẳng định là thị trường xuất khẩu đang có cơ hội mở rộng, do vậy, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An đã xác định mục tiêu tập trung tăng chiều sâu cho cây chè. Mặc dù thời gian qua, sản lượng chè búp tươi của ta năng suất đạt khá nhưng chất lượng chưa cao. Nguyên nhân là người trồng chè chưa tiếp cận và áp dụng được nhiều KHCN nên đầu tư không đúng mức, thu hoạch không khoa học, dẫn đến chè phát triển không đều, chè búp tươi không đạt tiêu chuẩn. Có những vùng, nhiều hộ thu hoạch búp chè quá dài, dẫn đến giá thu mua thấp, công tác chế biến gặp khó khăn.



Nông dân xã Chi Khê (Con Cuông) chăm sóc vườn chè.


Nhiều hộ dân ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn) đầu tư đắp hồ đập nhỏ giữ ẩm cho cây chè.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng chè cũng chưa tương xứng. Huyện Con Cuông đang thực hiện dự án trồng chè nguyên liệu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê, Thạch Ngàn, Mậu Đức và từ trước đến nay diện tích chè ở đây cũng khá nhiều, nhưng hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ vùng chè rất bất cập. Do chưa có công trình thủy lợi cho nên những năm qua, chính quyền và nhân dân ở đây mặc dù rất tích cực triển khai trồng chè theo kế hoạch hàng năm, nhưng có rất nhiều diện tích chè ngay sau khi trồng đã bị chết. Nguyên nhân là nắng hạn kéo dài, vì không có nguồn nước tưới. Ngay cả huyện Anh Sơn, Thanh Chương có những năm hàng trăm ha chè đang thu hoạch bị chết khô vì nắng hạn.

Theo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An hiện hệ thống đường trục chính đến các đơn vị chế biến chè đã được Nhà nước đầu tư nhựa hóa, nhưng thống đường nhánh vào vùng chè dài còn khoảng 35 km đang là đường đất, ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc và thu mua, vận chuyển nguyên liệu, đặc biệt là vào mùa mưa. Hệ thống hồ đập phục vụ cho trồng và chăm sóc chè cũng chưa được đầu tư đúng mức. Vùng nguyên liệu chè phần lớn rất có điều kiện để đào đắp thành hồ đập lớn, nhỏ để giữ ẩm cho chè, nhưng do các địa phương và người trồng chè không có kinh phí nên chưa thực hiện được.

Song song với chú trọng thâm canh tăng năng suất chè búp tươi, thì đầu tư đổi mới nâng cao thiết bị và quy trình công nghệ chế biến chè cũng cần phải quan tâm hơn nữa. Mặc dù Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An đã có 9 xí nghiệp chế biến chè gắn liền với các vùng chè trọng điểm, nhưng hầu hết thiết bị công nghệ chế biến lạc hậu, công suất nhỏ. Do vậy, có thời điểm Công ty không thu mua kịp chè búp tươi cho bà con nông dân, chất lượng chè khô phục vụ cho thị trường xuất khẩu tính cạnh tranh thấp. Được biết, lâu nay nguồn vốn của Nhà nước dành để đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ chế biến chè rất hạn chế. Thị trường xuất khẩu chè rất rộng, nhưng tính cạnh tranh cũng rất khốc liệt, bởi sản phẩm chè có chất lượng cao của một số nước trong khu vực. Nếu Nghệ An không chú trọng khâu này thì cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới rất khó khăn.

Trồng chè nguyên liệu đã được tỉnh ta xác định là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế cho vùng trung du miền núi. Nghề trồng chè đã giải quyết việc làm cho khoảng 20 vạn lao động tại chỗ, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu. Để thực sự đưa ngành chè phát triển một cách đồng bộ, các cấp, ngành địa phương cần phải quan tâm hơn nữa để khắc phục những yếu kém đang tồn tại, nhằm mục đích chung là “3 nhà” cùng có lợi.


Xuân Hoàng