Nghị quyết Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn

30/11/2011 08:48

Ngày 29/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký Nghị quyết số 21/2011/QH13 về chất vấn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.

Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết:

Quyết nghị:

I . Quốc hội hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công việc nhằm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của năm 2011, tạo đà cho việc triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã xác định cho năm 2012 và những năm sau; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức một con số; triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt để nền kinh tế không rơi vào tình trạng trì trệ, sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển.

II . Quốc hội ghi nhận một số giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã cam kết trước Quốc hội, bao gồm:

1. Trong lĩnh vực giao thông vận tải:

- Khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông, nạn ùn tắc giao thông; xác định chỉ tiêu từ năm 2012 giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5-10% mỗi năm; giảm mức độ ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy năm 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự, an toàn giao thông.



Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

- Tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật , xây dựng văn hóa giao thông; tạo chuyển biến rõ nét trong việc quản lý người và phương tiện tham gia giao thông, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông; tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

- Giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ giao thông vận tải, Bộ công an, các bộ, ngành hữu quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm chống ùn tắc giao thông đã báo cáo Quốc hội.

2. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Tăng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm mức đầu tư 5 năm tới cao gấp 2 lần 5 năm 2005-2010; phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.

- Tổ chức nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất của các vùng, miền; gắn sản xuất với tiêu thụ, có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm của nông dân; áp dụng tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hoá nông sản phù hợp với thông lệ quốc tế; c hấn chỉnh công tác thu mua nông sản ; xây dựng các chợ đầu mối , tăng cường xúc tiến thương mại , mở sàn giao dịch , giới thiệu nông sản; chống bán phá giá và phân biệt đối xử đối với hàng nông sản Việt Nam.

- Thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, có giải pháp đồng bộ hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; hỗ trợ nông dân sản xuất lúa , bảo đảm giữ được 3,812 triệu ha đất trồng lúa.

- Phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp, liên kết 4 nhà, liên kết vùng; nhân rộng mô hình “ cánh đồng mẫu lớn ” để cơ giới hóa và áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

- Tổ chức thực hiện tốt việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011–2013, nhất là bảo hiểm rủi ro do thiên tai, dịch bệnh đối với cây lúa, gia súc, gia cầm, thủy sản.

- Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật ; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với việc ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, phòng, chống bão lụt, đặc biệt là quy hoạch hệ thống đê biển . K huyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giao đất rừng để rừng có chủ quản lý, sử dụng, bảo vệ; x ử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ mạnh mẽ chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và nông dân trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng.

3. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

- Xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; quy định chặt chẽ các điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo từ xa, đào tạo tại chức để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học vi phạm điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh cấp cơ sở.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, đào tạo. N ăm 2012, thực hiện chế độ trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên; chế độ phụ cấp cho giáo viên mầm non, chú trọng giáo viên mầm non dạy ở thôn, bản và chế độ đối với học sinh nghèo người dân tộc thiểu số, các nhà sư, nhà giáo dạy chữ Khmer và chữ các dân tộc thiểu số khác; thực hiện lộ trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

- Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, duyên dải miền Trung và miền núi phía Bắc.

4. Trong lĩnh vực tài chính:

- Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh và giá thành sản phẩm để đại biểu Quốc hội và nhân dân giám sát ; năm 2015, thực hiện xong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

- Tiếp tục thực hiện chính sách bình ổn giá; gắn kết lưu thông phân phối với người sản xuất, bán lẻ; mở rộng đối tượng thực hiện đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai rộng rãi ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Cơ cấu lại và tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo hệ thống quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

- Thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước; kiểm soát tình trạng chuyển giá làm thất thu; xây dựng lộ trình giảm bội chi ngân sách nhà nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nợ công; kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và do địa phương vay.

5. Trong lĩnh vực ngân hàng:

- Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm hoạt động hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế; từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; bảo đảm không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

- Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát lạm phát và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu vốn cho sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp; điều hành tỷ giá theo tín hiệu của thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.

- Quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu và thị trường vàng, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới; bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân; có chính sách huy động nguồn lực vàng trong nhân dân để phục vụ mục tiêu phát triển.

- Giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào; ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất, nhất là ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất điện, xuất khẩu và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; kiểm soát cho vay bất động sản, kinh doanh chứng khoán và nợ xấu của ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh ngân hàng, ngoại tệ và vàng.

III- Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét những nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp và những chất vấn khác được gửi đến trong thời gian giữa hai kỳ họp để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội , trong đó lưu ý một số vấn đề:

- Lĩnh vực đầu tư: Tình hình đầu tư ngân sách nhà nước phân tán, hiệu quả thấp; những biện pháp để giải quyết tình trạng này;

- Lĩnh vực y tế: Việc bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; vấn đề y đức trong ngành y tế;

- Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo;

- Lĩnh vực nội vụ: Vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước; giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở.

Giao Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành các phiên họp giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách được cử tri kiến nghị và đại biểu Quốc hội chất vấn.

IV- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các vị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ liên quan , Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội của nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 26/11/2011./.


(Theo TTXVN)