Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế

17/10/2011 15:02

Để thu hút đầu tư, Nghệ An đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó giao thông được đặc biệt chú trọng. Đến nay, mạng lưới giao thông đã cơ bản phủ kín địa bàn, kết nối các cụm công nghiệp. Hệ thống cảng hàng không, cảng biển, đường sắt đã từng bước được nâng cấp, sẵn sàng đón các nhà đầu tư về với Nghệ An.

(Baonghean.vn) Để thu hút đầu tư, Nghệ An đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó giao thông được đặc biệt chú trọng. Đến nay, mạng lưới giao thông đã cơ bản phủ kín địa bàn, kết nối các cụm công nghiệp. Hệ thống cảng hàng không, cảng biển, đường sắt đã từng bước được nâng cấp, sẵn sàng đón các nhà đầu tư về với Nghệ An.

Nghệ An có hơn 16.000 km đường giao thông các loại (từ quốc lộ đến đường xã), đạt mức bình quân cao hơn của cả nước (5,27 km2/1000 người, trong khi cả nước là 2,41 km2/1000). Do nằm ở trung tâm khu vực Bắc miền Trung nên mạng lưới giao thông của Nghệ An được bố trí một cách hợp lý. Ngoài hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển còn có hệ thống đường sắt, cảng biển, hàng không đáp ứng nhu cầu đi lại. Với quan điểm giao thông phải đi trước một bước để tạo đà cho kinh tế phát triển, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Nghệ An đã đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng giao thông.

Thi công cầu Nậm Giải ở Quế Phong.

Địa bàn Nghệ An có 6 tuyến quốc lộ (QL) chạy qua là QL 1A, QL 46, đường Hồ Chí Minh, QL 48, QL 15 và QL7. Từ hệ thống quốc lộ này, 17 tuyến đường tỉnh được hình thành tạo nên hệ thống mạng lưới giao thông thuận lợi, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh được bố trí một cách hợp lý để thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế với những thế mạnh riêng.

Ngoài khu vực đồng bằng phát triển nông nghiệp, dịch vụ chế biến gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp (như Khu kinh tế Đông Nam, khu CN Hoàng Mai, khu CN Bắc Vinh...), vùng Tây Nghệ An (bao gồm các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tương Dương) là vùng đất đai rộng lớn có thể phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp. Rồi khu vực giàu tài nguyên khoáng sản bao gồm Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Đô Lương... là vùng nguyên liệu phục vụ cho các ngành chế biến vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng (theo quy hoạch, đến năm 2020, Nghệ An có trên 15 triệu tấn xi măng chủ yếu tập trung ở khu vực này).

Từ đó, việc hình thành mạng lưới đường giao thông Đông Tây được chú trọng. Đường Tây Nghệ An được xây dựng với tổng chiều dài 167 km. Đến năm 2010, 77 km đầu từ Thanh Hóa đến Tri Lễ Quế Phong đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Từ 2010 - 2015, 90 km tiếp theo từ Tri Lễ về Mường Xén (Kỳ Sơn) sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng. Các tuyến đường này sẽ giúp cho kinh tế miền Tây Nghệ An phát triển. Một dẫn chứng sinh động là nhờ đường Tây Nghệ An mà xã Tri Lễ (Quế Phong) đã trở thành một thị tứ, xe chở khách đã vào đến trung tâm xã, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa; cùng với đó, một trang trại chanh leo đã hình thành, vùng chuyên canh cây khoai sọ, một sản vật của Tri Lễ đã được quy hoạch xong...

Để phục vụ cho các trung tâm vật liệu xây dựng, Nghệ An đã xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 1 với Cảng Đông Hồi có tổng chiều dài hơn 12 km, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đây là tuyến đường phục vụ cho việc phát triển Khu công nghiệp Nam Thanh - Bắc Nghệ. Hàng hóa sản xuất ở đây sẽ được xuất qua cảng nước sâu Đông Hồi, nối với việc phát triển kinh tế vùng Nghĩa Đàn - Thái Hòa. Quý 3/2010, ngành Giao thông Vận tải đã khởi công tuyến Quốc lộ 1 với Thị xã Thái Hòa có tổng chiều dài 30 km. Tuyến đường này sau khi hoàn thành giúp vận chuyển sản phẩm cho trung tâm vật liệu xây dựng lớn nhất của tỉnh.

Phát triển hệ thống giao thông Đông Tây còn phải kể đến hệ thống giao thông đối ngoại. 3 tuyến Quốc lộ 7A, Quốc lộ 46, Quốc lộ 48 điểm cuối hình thành 3 cửa khẩu tại Kỳ Sơn, Thanh Thủy (Thanh Chương) và cửa khẩu Thông Thụ (Quế Phong). Từ các cửa khẩu này đã và đang hình thành các khu thương mại; hàng hóa của Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan sẽ được vận chuyển về cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi... để xuất khẩu ra nước ngoài, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch.

Để đáp ứng với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, ngoài những dự án lớn đã đưa vào sử dụng như Tây Nghệ An, Quốc lộ 48 kéo dài, đường ven sông Lam..., hiện nay có hơn 16 dự án đang thi công, đáng chú ý là các dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A, đường Châu Thôn - Tân Xuân, đường nối Quốc lộ 1A - Thái Hòa... với nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách trung ương, địa phương.

Hiện nay, tỉnh cũng đang khởi động 7 dự án mới, trong đó có một số dự án mong muốn được các nhà đầu tư quan tâm, Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò, với tổng chiều dài 10,8km, nền đường rộng 160m là một trong những trục chính nối TP Vinh với Thị xã du lịch biển Cửa Lò, gắn với việc phát triển thành phố Vinh ra phía đông. Dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò với tổng chiều dài 85 km, (đã được phê duyệt) là tuyến kết nối hệ thống cảng biển ở khu vực Bắc miền Trung gồm Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Hồi, Cửa Lò. Dự án nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam với Đô Lương, Tân Kỳ cùng với tuyến Thái Hòa - Đông Hồi là tuyến chính phục vụ cho vùng sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực Tây Nghệ An. Ngoài ra trong danh mục kêu gọi đầu tư còn có tuyến 535 nối Thành phố Vinh - Cửa Lò.

Cùng với việc phát triển giao thông đường bộ, cảng hàng không Vinh cũng đã được nâng cấp với đường băng dài 2,4 km đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh cho các loại máy bay hạng trung như Boeing 737, A320, A321. Sân bay Vinh có mức tăng trưởng nhanh tới 47% năm, đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện cho các nhà đầu tư. Từ 1 chuyến/ngày, đến nay ga hàng không Vinh đã đón đưa hàng chục lượt, từ chỗ chỉ hạ cánh ban ngày, nay đã có thêm các chuyến bay đêm.

Hệ thống quy hoạch cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Cảng Nghệ An được quy hoạch là cảng tổng hợp đầu mối quốc gia, trong đó cảng Cửa Lò là khu bến chính. Theo quy hoạch, ngoài việc nâng cấp khu cảng hiện tại, hệ thống cảng còn xây dựng thêm 2 bến mới cho tàu 3-5 vạn tấn và Dự án cảng nước sâu đầu tiên ở Cửa Lò đã được khởi công. Theo dự báo, đến năm 2015, lượng hàng hóa thông qua cảng Cửa Lò sẽ là 4,3 triệu tấn. Với cơ sở vật chất hiện có, cảng đang phấn đấu năm 2012 sẽ có 2 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Trong tương lai gần, cụm cảng nước sâu Đông Hồi sẽ được khởi công. Ngoài chức năng cung cấp than cho nhà máy Nhiệt điện, cảng còn phục vụ cho các trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh.


Anh Tuấn