Thành công từ hai khâu đột phá

28/11/2011 15:24

(Baonghean.vn) Thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, các cấp hội khuyến học ở Nghệ An đã thực hiện "Đổi mới phương thức hoạt động của Hội để làm tốt vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" từ tỉnh tới cơ sở. Trong đó có 2 nội dung mang tính đột phá: đổi mới công tác tổ chức cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khuyến học ở các cấp hội.


Quá trình thực hiện, Hội Khuyến học tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu. Về công tác tổ chức cán bộ, Ban Thường vụ Hội đã chỉ đạo các cấp hội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22/2003/CT-UB, ngày 21/07/2003 của UBND tỉnh "Về việc đẩy mạnh phong trào khuyến học trong phát triển sự nghiệp giáo dục". UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương chủ động giới thiệu một đồng chí thay mặt UBND tham gia vào BCH Hội Khuyến học của địa phương mình. Chỉ thị số 17/2008/CT-UBND, ngày 11/7/2008 về việc "Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" xác định "Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân... củng cố hội khuyến học các cấp hoạt động có hiệu quả, làm nòng cốt trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...".



Hội Khuyến học phường Nghi Thủy trao quà cho học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: 'TP


Thực hiện các Chỉ thị 22 và 17 của UBND tỉnh, hầu hết chính quyền các cấp đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong việc bố trí cán bộ, tập huấn bồi dưỡng cán bộ, từng bước giải quyết chế độ cho cán bộ hội khuyến học... tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Đại hội hội Khuyến học, bằng việc cử cán bộ chủ chốt tham gia BCH hội, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí; đặc biệt là thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hội khuyến học thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Về việc cấp uỷ, chính quyền phân công cán bộ chủ trì tham gia BCH hội khuyến học cấp huyện, để đại hội bầu vào BCH và chủ tịch hội: đến cuối quý III, năm 2011, chủ tịch hội khuyến học cấp huyện có 3 đồng chí Bí thư huyện uỷ (Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương); 1 đồng chí Phó Bí thư thường trực Thị uỷ (Cửa Lò); 11 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện (Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thái Hoà, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc), 2 đồng chí UVBTV Huyện uỷ - Trưởng ban; 1 đồng chí nguyên PBT thường trực huyện uỷ, 1 đồng chí nguyên PCT UBND huyện... Về phó chủ tịch thường trực huyện hội hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu, nguyên là cán bộ chủ chốt cấp huyện, ngành GD&ĐT. Ở cấp xã, phường thị trấn; khối, xóm, bản thì hầu hết cũng là cán bộ chủ chốt cấp uỷ, chính quyền tham gia kiêm chức chủ tịch, chi hội trưởng; còn phó chủ tịch thường trực, chi hội phó hầu hết là các nhà giáo đã nghỉ hưu; hoặc các cán bộ nghỉ hưu, nguyên là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, đều nhiệt tình tâm huyết với công tác Hội.

Đội ngũ cán bộ Hội Khuyến học tự nguyện, tâm huyết với 62 uỷ viên BCH Hội Khuyến học tỉnh; trên 600 uỷ viên BCH Hội Khuyến học cấp huyện; 8 ngàn uỷ viên BCH Hội Khuyến học cấp xã; 15 ngàn uỷ viên BCH Chi hội Hội Khuyến học khối, xóm, bản; 5 ngàn Uỷ viên Ban Khuyến học cơ quan, đơn vị, trường học; 14 ngàn Uỷ viên Ban Khuyến học dòng họ; với tổng số trên 4 vạn cán bộ khuyến học các cấp ở Nghệ An, là lực lượng nòng cốt đóng góp quan trọng chất lượng các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh nhà.


Từ thực tiễn hoạt động khuyến học ở các cấp hội và trước yêu cầu đổi mới, Hội Khuyến học tỉnh chủ trương tập trung đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khuyến học. Được sự giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở Tài chính, bước 1 của đề án là bắt đầu thực hiện từ cơ quan Thường trực Tỉnh hội; chỉ trong thời gian 3 tháng, các vị trong Thường trực Tỉnh hội vừa giúp nhau học tập, vừa tự học đã nhanh chóng làm chủ Tin học văn phòng, đáp ứng thông tin trong nội bộ 2 chiều Trung ương hội và Tỉnh hội. Sau đó Ban Thường vụ Tỉnh hội tiếp tục triển khai đề án xuống cấp huyện; đầu năm 2008, cả 20 huyện, thành, thị hội được trang bị máy vi tính, máy in laze, nối mạng Internet (100%). Tại Văn phòng Tỉnh hội đã trang bị 4 máy vi tính cố định, 1 máy vi tính xách tay, 2 máy in laze. Văn phòng Tỉnh hội nằm trong trụ sở của Sở Khoa học & Công nghệ nên ngoài mạng thông tin Bưu điện, còn được thụ hưởng mạng thông tin M-OFFICE của Sở Khoa học & Công nghệ. Nhờ vậy, việc trao đổi thông tin, xử lý công việc của các cấp hội khuyến học ở Nghệ An diễn ra nhanh chóng, kịp thời.


Theo đánh giá của Trung ương Hội, Nghệ An là đơn vị đầu tiên của cả nước thành công trong đưa công nghệ thông tin vào hoạt động khuyến học có hiệu quả thiết thực ở cấp tỉnh và cấp huyện. Thời gian tiếp theo Hội Khuyến học tỉnh trình UBND tỉnh tạo điều kiện để các hội cơ sở xã, phường, thị trấn sớm được thụ hưởng tiến bộ khoa học này nhằm thông tin giữa các cấp hội từ tỉnh, huyện, đến cơ sở được thông suốt, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các cấp hội, tạo nên hiệu quả cao nhất trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thành công của việc nhạy bén "Đổi mới phương thức hoạt động của hội để làm tốt vai trò nòng cốt..." với sự lựa chọn 2 khâu đột phá của quá trình đổi mới đã góp phần quan trọng để các cấp Hội Khuyến học hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.


Cao Đình Hoè