Để di tích không bị lãng quên
Đền Đệ Nhất được xây dựng vào khoảng cuối Thế kỷ 15, gắn liền với lịch sử lập làng giữ nước của nhân dân Diễn Nguyên nói riêng và Diễn Châu nói chung. Trước tiên, nhân vật được thờ trong đền chính là vị phúc thần Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn.
(Baonghean.vn) Đền Đệ Nhất được xây dựng vào khoảng cuối Thế kỷ 15, gắn liền với lịch sử lập làng giữ nước của nhân dân Diễn Nguyên nói riêng và Diễn Châu nói chung. Trước tiên, nhân vật được thờ trong đền chính là vị phúc thần Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn.
Xã Diễn Nguyên ba mặt được bao bọc bởi sông Bùng, trong đó có một nhánh chảy qua làng Đệ Nhất, các làng dọc theo sông Bùng hầu như làng nào cũng có đền thờ ngài Sát Hải Đại Vương, mà đền chính là ở xã Diễn Vạn ngày nay. Nhân dân khắp nơi lập đền thờ ngài, hai xứ Thanh, Nghệ là có nhiều đền thờ ngài nhất. Ngài trở thành vị thần cai quản các cửa sông, cửa biển nên nhân dân vùng ven sông, biển ngoài thờ ông Nam Hải ra thì còn thờ ngài Sát Hải Đại Vương làm vị thần chính của mình. Dân làng Đệ Nhất tuy không làm nghề biển nhưng cũng thờ ngài làm phúc thần bảo hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, sung túc và cũng là thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân đối với đấng anh hùng. Đền Đệ Nhất trở thành nơi sinh hoạt tâm linh không chỉ cho dân trong làng mà còn cho tất cả các làng xã xung quanh...
Cổng chính của Tam quan đền Đệ Nhất
Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đền không hề bị hư hại. Rất tiếc, với chính sách xóa bỏ các tàn dư phong kiến và hợp tự các đền chùa thì phần lớn các công trình kiến trúc của đền đã bị phá hủy. Hiện nay, đền còn lại nhà thượng điện và cổng chính của tam quan (đã dùng bộc phá để nổ nhưng không thể được). Trong nhà thượng điện còn một pho tượng vôi (tượng Phật Bà Quan Âm), 7 pho tượng gỗ (2 tượng thần và 5 tượng Phật), các pho tượng được chạm trổ rất tinh xảo, hoa văn sinh động trông giống như người thật và rất nhiều long ngai, bài vị.
Thời gian hợp tự thì hầu hết các đền chùa trong 3 xã Diễn Đồng, Diễn Thái, Diễn Nguyên đều tập trung rước về đây. Khi rước về, không còn chỗ nên một số tượng đã bị phá hủy, một số khác thì bị đợt lụt lịch sử năm 1978 cuốn trôi, một số khác thì bị kẻ gian trộm hay bị mối mọt hư hỏng. Đặc biệt, trong đền còn lưu giữ được bài vị của một vị tiến sĩ thời Lê "Tiền triều Mậu Thìn khoa tiến sĩ đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu lịch sĩ lễ khoa đô cấp sự trung Nguyễn tướng công phu tước tiên sinh thần vị". Nhưng chúng tôi vẫn chưa xác định được tên thật và lý lịch của ngài, vì chưa đủ tư liệu để tra cứu. Các sắc phong thần và những giấy tờ sổ sách của làng cùng những đồ tế khí khác đều bị đốt bỏ trong lần cải cách.
Trong khuôn viên của đền còn một tấm bia Văn hội (cao khoảng 2m, rộng 80 cm, dày 25 cm được khắc vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Chúng tôi đã thực hiện việc dập in thác bản và thấy rằng nội dung văn bia nói về việc lập Văn hội và việc thờ thần của làng, đồng thời bia còn khắc họ tên cùng với số ruộng của những người cúng ruộng vào đền. Ngoài ra, hiện nay đền còn 3 con rùa đá to, đó là những con rùa đội bia trước đây, nhưng những tấm bia trên lưng rùa đều đã bị mất. Theo tìm hiểu thì toàn bộ sắc phong cũng như các văn bản khác của đền cũng chưa được tìm thấy?.
Hiện nay, do bảo quản không tốt đền đã bị xuống cấp trầm trọng. Phía trong đền bị mối mọt ăn gần hết. Các long ngai bài vị phần bị mối, phần bị chuột gặm, phần bị thời gian làm mờ chữ, còn các pho tượng thì mặc dầu vẫn giữ được vóc dáng xưa, nhưng nước sơn phủ bề ngoài đã bị bong tróc nhiều, một số tượng cũng bị hư hại rất nghiêm trọng, hư hại nhiều nhất là pho tượng Phật Bà Quan Âm đắp bằng vôi. Nguy cơ bị xâm thực cao nhất là tấm bia Văn hội, vì bia để ngoài trời không có mái che nên nhiều chữ trên bia đã bị bào mòn gần hết, nguy hiểm hơn bia đang có dấu hiệu nghiêng đổ. Tháng 7 năm 2010, mái nhà thượng điện bị dột nát quá nhiều , dân làng góp công, góp tiền tu sửa lại nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Khi đời sống vật chất càng đầy đủ thì nhu cầu về tâm linh lại càng cao, đền Đệ Nhất là một trong hai ngôi đền còn sót lại của xã và cũng là nơi sinh hoạt tâm linh chính của nhân dân trong xã và các xã xung quanh, nhưng ngôi thượng điện lại quá chật hẹp, nhân dân có nhu cầu xây dựng thêm nhà Bái đường, tuy vậy chính quyền xã vẫn luôn gây khó khăn, cản trở. Ngay cả con đường dẫn vào đền cũng rất khó đi, nhất là những hôm mưa gió lại càng lầy lội hơn...
Hiện ngôi đền Đệ Nhất chỉ trơ trọi ngôi thượng điện và tam quan đang dần bị mưa gió bào mòn và rêu phong phủ kín, khiến cho ai ghé thăm cũng cảm thấy xót xa, ngậm ngùi!
Quảng Phước - Tử Quang