Tấm lòng những nhà giáo vùng biên Cao Vều

11/12/2011 15:07

Cao Vều là bản nằm trên khu vực biên giới Việt - Lào, thuộc xã Phúc Sơn ( huyện Anh Sơn). Bản hiện có 4 xóm với hơn 300 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái. Với các em học sinh ở đây,  hành trình đến với con chữ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với  tấm lòng nhiệt huyết, tình yêu dành cho các em, các thầy, cô giáo nơi  đây đã quyết tâm gắn bó với mảnh đất này.

(Baonghean) - Cao Vều là bản nằm trên khu vực biên giới Việt - Lào, thuộc xã Phúc Sơn ( huyện Anh Sơn). Bản hiện có 4 xóm với hơn 300 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái. Với các em học sinh ở đây, hành trình đến với con chữ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng nhiệt huyết, tình yêu dành cho các em, các thầy, cô giáo nơi đây đã quyết tâm gắn bó với mảnh đất này.

Ngay từ năm 1999, sau khi tốt nghiệp, thầy giáo Trần Văn Ngân ở xã Long Sơn, (Anh Sơn) đã tình nguyện về công tác tại Trường tiểu học và THCS Cao Vều. Những năm đầu, thầy cũng như nhiều đồng nghiệp khác gặp muôn vàn khó khăn. Lúc bấy giờ, đường đi chưa thuận tiện, phải rẽ bụi nứa, lau lách để có đường, hơn nữa trường học tạm bợ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn và phần lớn người dân ở đây còn rất nghèo nên việc học hành của con cái hầu như phó mặc cho thầy, cô giáo. Những khó khăn đó cũng không chiến thắng được tấm lòng nhiệt huyết vì các em học sinh của thầy Ngân. Thầy đã quyết định gắn bó với mảnh đất này với một ước vọng rất đỗi giản dị, đó là đem đến cho các em những tri thức làm hành trang vào đời. Giờ đây đã 12 năm trôi qua, thầy Ngân đã dốc hết tâm lực, thời gian vào nghiên cứu chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền tải kiến thức đến các em. Từ tình yêu thương dành cho các em mà thầy đã đạt được những thành tích đáng khen ngợi: 5 năm liền là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, năm học 2010- 2011 đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi...

Trường tiểu học và THCS Cao Vều hiện nay có 26 giáo viên thì chỉ có 8 giáo viên là dân tộc Thái, còn hầu hết ở các nơi khác đến lập nghiệp như: Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ... Thầy Lang Văn Khùn - quê ở tận huyện Tân Kỳ, trước dạy ở miền xuôi nhưng sau tình nguyện lên đây và đã trở thành người con của Cao Vều; cô Nguyễn Thị Hoà quê ở Nam Đàn ra trường năm 1992, lên đây dạy học nay cũng đã lập gia đình ở bản Cao Vều. Ngoài ra còn có cô Lang Thị Hương, thầy Đặng Đình Sơn, cô: Nguyễn Thị Nga, thầy Lê Văn Cầm...

Toàn bản Cao Vều có hơn 200 học sinh theo học với 176 em học sinh cấp I và II ở 10 lớp, còn lại là các em học sinh mầm non. Do bản bị chia cách bởi những ngọn núi cao trùng điệp, các em hầu hết là người dân tộc nên giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy. Đã vậy, ở Cao Vều có nhiều em ở xóm Châu Tam, xóm Bọp phải đi bộ 5 - 7 cây số để đến trường. Khó khăn từ đường đi lại đến điều kiện vật chất, sách vở, dụng cụ học tập... Nan giải nhất trong việc duy trì được lớp học của các giáo viên ở đây là việc vận động những học sinh bỏ học quay trở lại lớp, nhất là số học sinh cấp II ở xóm Châu Tam, xóm Bọp, xóm Trống. Những trường hợp đó, các thầy, cô giáo lại phải vào từng nhà dân vận động. Nhờ những cố gắng của tất cả các thầy, cô mà năm học qua tỷ lệ học sinh bỏ học ở Cao Vều giảm xuống còn 4,5%. Đây có thể coi là một thành quả đáng ghi nhận về sự cố gắng lớn của chính quyền địa phương và các thầy, cô giáo trong việc tuyên truyền, vận động bà con dân bản.

Để động viên các em yên tâm học tập, các thầy, cô giáo trong trường đã tự nguyện trích một phần lương của mình giúp đỡ các em, mua thêm cho các em quyển vở, cái bút. Hay vào những buổi trưa các em phải ở lại trường, thầy cô đã quyên góp tiền mua mì tôm, gạo và thức ăn nấu cho các em ăn. Tình cảm của các thầy cô được các em học sinh đáp lại bằng sự chăm chỉ học hành. Nhiều em trong trường học giỏi, chăm ngoan như em: Lương Thị Hiệp, Đinh Văn Nguyên, em Đinh Thị Thuỷ, em Hà Thị Xuân Thương... đây là món quà, là niềm động viên to lớn đối với các thầy, các cô.

Thầy Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ: "Làm sự nghiệp trồng người ở nơi vùng biên nghèo này các thầy, cô giáo gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhưng đổi lại với tình yêu, lòng nhiệt huyết của nhà giáo, bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy cô sẽ giúp các em học sinh ở vùng biên Cao Vều có một tương lai tốt đẹp hơn".


Thái Hiền