"Máu rừng" chảy đến bao giờ?
(Baonghean.vn) Từ đầu năm đến nay, huyện Quế Phong liên tục xảy ra 147 vụ vi phạm Luật Bảo vệ, phát triển vốn rừng, trong đó mua bán vận chuyển trái phép 71 vụ, khai thác chế biến gỗ 13 vụ, các vi phạm khác 55 vụ với tổng số lâm sản trái phép bị thu giữ là 222m3.
(Baonghean.vn) Từ đầu năm đến nay, huyện Quế Phong liên tục xảy ra 147 vụ vi phạm Luật Bảo vệ, phát triển vốn rừng, trong đó mua bán vận chuyển trái phép 71 vụ, khai thác chế biến gỗ 13 vụ, các vi phạm khác 55 vụ với tổng số lâm sản trái phép bị thu giữ là 222m3.
Điều đáng quan tâm là vụ việc vi phạm đều xảy ra ở khu vực rừng phòng hộ, tập trung tại xã Hạnh Dịch, Đồng Văn, quanh công trình Thủy điện Hủa Na.
Bọn khai thác, mua gom, vận chuyển lâm sản sử dụng xe máy không biển số, ô tô, thậm chí xe trâu kéo, ngang ngược tàn phá tài nguyên rừng trước sự kiểm soát, kiểm tra của lực lượng kiểm lâm và công an. Đêm đêm, tuyến đường từ ngã ba Phú Phương đi Thủy điện Hủa Na, bọn "giặc rừng" vận chuyển gỗ, tìm mối tiêu thụ ngoài địa bàn Quế Phong.
Có thể lực lượng kiểm lâm công an không kiểm soát được, nạn tàn phá rừng trên phạm vi rộng và bọn "giặc rừng" tìm đủ cách chống trả manh động, tinh vi, nhưng Quế Phong còn cả hệ thống chính trị, dân quân, tự vệ, bộ đội địa phương chẳng lẽ chịu bó tay hay sao? Và chính quyền, cấp ủy xã Hạnh Dịch, Đồng Văn, nơi xảy ra tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản ồ ạt, kéo dài hàng năm như thế cũng đành bất lực hay sao? Ngay Cục Kiểm lâm tỉnh có lực lượng cơ động, phương tiện chuyên dụng cũng phó mặc cho bọn "giặc rừng" hoành hành rừng đầu nguồn sông Hiếu hay sao? "Máu rừng" còn tiếp tục chảy đến bao giờ nữa? Nạn lũ ống, lũ quét, lở núi như từng xảy ra làm chết hàng chục người dân vô tội ở Nậm Giải (Quế Phong) là hậu quả của việc phá rừng gây nên, là bài học còn nguyên giá trị, cảnh tỉnh không chỉ riêng mấy huyện miền núi.
Văn Hiền