Nông dân hiến đất xây dựng nông thôn mới
(Baonghean.vn) Hàng nghìn m2 đất có trị giá tính bằng tiền tỷđược người dân xã Nghi Liên, Thành phố Vinh tự nguyện hiến cho địa phương để xây dựng những con đường liên thôn, liên xã rộng rãi, sạch đẹp trên tiến trình xây dựng xã nông thôn mới.
Ông Nguyễn Việt Niên khối 9, xã Nghi Liên, là một trong những lão nông hiến nhiều đất nhất cho xã làm đường nông thôn mới với tổng diện tích gần 150m2. Thời điểm hiện tại ở Nghi Liên, 1m2 đất có giá 6 triệu đồng, tính ra mới biết giá trị của ngần ấy đất, ngót nghét 1 tỷđồng.
Tôi hỏi, bác hiến đất nhiều vậy mà không tiếc à? Nhấp ngụm nước chè xanh, ông chép miệng: "Chú đi vào nhà tôi cũng thấy rồi đó, cứ mưa đến là đường trơn trượt, lầy lội, bà con đi lại hết sức khó khăn. Bây giờ, Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, mình hiến đất coi như góp công sức cùng nhà nước làm đường, làm đường cho dân mình đi chứ có mất đi mô mà tiếc".
Ông Nguyễn Viết Niên (đứng sau) đã hiến tổng cộng 150m2 đất và 35m bờ rào bê tông kiên cố cho xã làm đường.
70 tuổi đời, 43 năm tuổi Đảng, suốt 17 năm liền, ông là lính cụ Hồ, tham gia trận mạc hết chiến trường này đến chiến trường khác. Chiến tranh kết thúc, ông mang ba lô về quê làm ruộng kiêm chức Bí thư chi bộ khối hai nhiệm kì. Cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp bệnh binh (mất sức 71%) hơn 1,6 triệu đồng/tháng của ông và lương hưu giáo viên của vợ non 2,5 triệu nên chẳng lấy gì làm dư giả. Thế nhưng, việc làng, việc nước bao giờông cũng là người gương mẫu đi đầu.
"Bác Niên là người tiên phong vận động đảng viên và nhân dân khối xóm hiến đất, hiến bờ rào làm đường. Nói là làm nên bác được bà con tín nhiệm!", anh Nguyễn Công Hùng, khối trưởng khối 9, xã Nghi Liên tấm tắc.
Cùng ở khối 9, xã Nghi Liên ông Hùng (xóm trưởng) dẫn tôi đến nhà cụ bà Lê Thị Sâm, năm nay gần 80 tuổi là "quán quân" trong phong trào hiến đất làm đường nông thôn mới với trên 150m2. Trò chuyện bà Sâm cứ xua tay, miệng cười mãi: "Ôi dào, gì mà quán với quân, chủ trương Đảng và Nhà nước đúng đắn thì mình ủng hộ thôi. Đường xong, xóm làng rộng rãi, sạch sẽ, bà con đi lại thuận tiện, nhất là các cháu nhỏđi lại học hành không còn khó khăn mỗi mùa mưa về, rứa là mừng". Nghe cụ Sâm chia sẻ cái căn nguyên hiến đất có giá cả tỷđồng nhẹ như không, rồi nhìn nhà cửa còn tuềnh toàng, lại thuộc diện cận nghèo của xã vì chẳng có thu nhập gì ngoài làm nông, tôi càng khâm phục tấm lòng của cụ. Những con đường nông thôn mới ở Nghi Liên đang được hình thành từ những "tấc đất, tấc lòng" của bác Niên, cụ Sâm và hàng chục hộ dân nghèo, chất phác như vậy.
Đi trên những con đường liên khối rộng 5,5m mới đang gấp rút thi công, ông Hùng, nhẩm tính: "Cả khối có 50 hộ dân với 260 nhân khẩu, cuộc sống còn khó khăn vì đa số bà con còn làm nông. Nhưng, có đến 22 hộ hiến tổng cộng 1000m2 đất để làm đường với tổng chiều dài hơn 1km. Ngoài ra, có 4 hộ tự nguyện phá bỏ hàng rào bê tông kiên cố nhường đất làm đường".
Tôi hỏi, chính quyền địa phương làm thế nào mà vận động được bà con? "Xã và khối phổ biến chủ trương xây dựng nông thôn mới, rồi vận động bà con hỗ trợ chính quyền. Cán bộ, đảng viên làm trước cho bà con thấy, rồi từđó, bà con trong khối tin tưởng, tự nguyện làm theo, ông Hùng chia sẻ.
Tại trụ sở UBND xã Nghi Liên, nhắc đến chuyện nông dân hiến đất làm đường ở khối 9, ông Võ Đình Hoàng - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, xây dựng, đô thị, phấn khởi: "Nếu không có sựđóng góp của bà con thì xã lấy mô ra tiền mà đền bù cho hết ngần ấy đất. Chủ trương của xã là vừa triển khai, vừa thực hiện, tranh thủ nguồn vốn đầu tư và sựđồng tình, ủng hộ của người dân.Vì vậy, đóng góp của bà con là lớn lắm! Hiện nay, bà con ở các khối 4, 7 và 15 cũng hiến hàng nghìn m2 đất làm đường rồi đó".
Xã Nghi Liên là một trong 3 xã được TP. Vinh chọn xây dựng nông thôn mới và cho đến nay, cả xã đã hoàn thành được 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đặt ra. Đây là một tín hiệu khả quan, hứa hẹn một ngày không xa, Nghi Liên sẽ vềđích sớm trong việc thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thành Duy