Tháo gỡ bất cập trong thực hiện chính sách BHYT người nghèo, cận nghèo

09/12/2011 14:53

(Baonghean) - Ông Nguyễn Chí Tuyến - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nghệ An: Thực tế vẫn còn sự lợi dụng trong việc xét duyệt đối tượng nghèo, cận nghèo theo kiểu chuyển ngôi mà qua thanh tra, kiểm tra ở cơ sở chúng tôi đã phát hiện: Có gia đình có nhà bằng, có xe máy đàng hoàng nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo; ngược lại có gia đình hoàn cảnh rất khó khăn đáng thuộc diện nghèo lại không được xét; sự lạm dụng mượn thẻ của người nghèo, cận nghèo để được hưởng chế độ BHYT. Rồi tâm lý đi khám để lấy thuốc, mặc dù không có bệnh tật, đau ốm gì mà chỉ là vì lợi ích của mình. Cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sỹ, nhất là cơ sở còn quá yếu, có địa phương cả trạm y tế xã chỉ có 1 cái giường.

Theo tôi, để giải quyết các vấn đề bất cập nêu trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách BHYT, trước hết là để nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình; đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc xét duyệt, thẩm định chính xác đối tượng, đảm bảo 100% người nghèo, cận nghèo được hưởng các quyền lợi chính đáng của mình. Kinh phí kết dư từ nguồn BHYT người nghèo, cận nghèo từng năm nên có chủ trương hỗ trợ cho từng vùng, địa bàn, cơ sở trọng điểm để nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người dân. HĐND tỉnh cần quan tâm bố trí 1 cán bộ chuyên trách theo dõi mảng BHYT ở tuyến xã, nhất là khi chúng ta đang trong tiến trình tiến tới BHYT toàn dân thì cực kỳ cần thiết nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc thời gian qua.

Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Việc quản lý, cấp thẻ cho người nghèo, cận nghèo ở chỗ này, chỗ kia vẫn còn chậm và sai sót, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được hưởng lợi. Một số vấn đề liên quan về công tác khám, chữa bệnh, chất lượng và giá thuốc đang đặt ra những băn khoăn và chưa làm thỏa mãn mong muốn của người dân.

Về phía chức năng của ngành sẽ tiếp thu và tiếp tục chỉ đạo khắc phục, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn là ở cơ sở xã, xóm phải đảm bảo thật chính xác trong việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo và trách nhiệm của huyện là phải đôn đốc, chỉ đạo sát sao để việc cấp thẻ BHYT đúng đối tượng. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở địa phương bằng cách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, được chăm sóc sức khỏe miễn phí cơ bản. Mặt khác, để tạo thuận lợi cho người nghèo, cận nghèo tránh tình trạng cấp thẻ chậm và các tiêu cực khác thì nên gia hạn thời gian sử dụng thẻ BHYT là 24 tháng chứ không phải mỗi năm thay một lần như hiện nay.

Ông Bùi Đình Long - Phó Giám đốc Sở Y tế: Các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT nói chung, người nghèo, cận nghèo nói riêng đang khá phức tạp. Bên cạnh đó, do người nghèo, cận nghèo thường khi thật sự ốm đau nặng mới đến các cơ sở y tế nên chi phí cho một đợt điều trị khá cao, nhất là các trường hợp bị bệnh đặc biệt như: bệnh nhân chạy thận, lọc máu hoặc mắc các bệnh mãn tính kinh niên... Trong khi đó, thu nhập của đối tượng này thấp, vì vậy khả năng cùng chi trả 5% đối với người nghèo và 20% đối với người cận nghèo là khá khó khăn. Cho nên, Nhà nước cần nghiên cứu để người nghèo được miễn một số trường hợp mắc bệnh đặc biệt kể trên, tránh tình trạng đẩy người nghèo đã nghèo ngày càng nghèo thêm và người cận nghèo trở thành người nghèo.


Hoa Thành - ghi