Nghị lực vượt khó của một thương binh

26/12/2011 16:08

(Baonghean.vn) Cống hiến những năm tháng đẹp nhất của tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chàng trai Nguyễn Công Hưng trở về quê hương sau khi đã gửi lại "đất mẹ" một phần máu thịt của mình.

Hành trang ngày về ngoài những tấm huy chương, cơ thể ông đã ngấm một thứ chất độc ghê gớm khác - chất độc màu da cam (dioxin), là nguyên nhân khiến 3 trong 4 người con của ông phải chịu những cơn động kinh bất thường và cơ thể không được lành lặn như những người bình thường khác. Nặng nhất là người con út Nguyễn Công Cương. Cương bị câm, hai tay bị teo nhỏ, người gầy yếu, duy chỉ có đôi chân nhanh nhẹn làm mọi việc thay đôi tay. Ông là thương binh hạng 4/4, hậu quả của những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Đông, chiến trường Campuchia... là sức khỏe ngày càng suy yếu, cộng thêm gánh nặng lo toan chữa bệnh cho con khiến kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Ông và gia đình phải đối diện với một "chiến trường mới" không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go và thử thách: cuộc chiến mưu sinh.

Những ngày đầu lập nghiệp, ông không nề hà bất cứ việc gì, từ chạy chợ buôn bán cho tới làm thuê cuốc mướn, miễn là có thu nhập để nuôi sống gia đình, chữa bệnh cho con.



Ông Hưng chăm sóc đàn hươu của gia đình.


Bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông đã không ngừng vượt lên hoàn cảnh. Năm 2002, được đồng đội trong Hội CCB xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) động viên và hỗ trợ, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi hươu. Khởi nghiệp với một đôi hươu, nay gia đình ông đã duy trì được 2 con hươu mẹ và 5 con hươu lấy lộc.

Từ nuôi hươu, mỗi năm gia đình ông thu từ 35-40 triệu đồng. Ông chia sẻ: "Khi trên bom dưới đạn mình đã không gục ngã thì bây giờ càng không cho phép mình ngã gục. Chỉ mong có được sức khỏe để làm việc và chữa bệnh cho con". Nhờ sự cố gắng của hai vợ chồng, hiện nay kinh tế gia đình ông dần đi vào ổn định, ông có điều kiện chữa bệnh cho con. Ông còn tham gia vào công tác của Hội Cựu chiến binh xã. Ngoài nuôi hươu, gia đình ông còn đầu tư nuôi bò và nhím sinh sản. Hiện đôi nhím của gia đình sắp cho lứa đầu tiên, hứa hẹn sẽ cho thu lãi 10-15 triệu đồng/năm. Gia đình ông còn nhận làm khoán 8 sào ruộng để canh tác rau màu, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Sau những cố gắng không ngừng, ông đã đưa gia đình vượt qua sóng gió. Nay, kinh tế đã ổn định, các con đã khôn lớn, nhờ có điều kiện chữa trị nên tình trạng bệnh tật của các con dần ổn định. Ông là một tấm gương vươn lên thay đổi số phận, thể hiện nghị lực của người lính Cụ Hồ.


Nguyễn Thị Quỳnh